Liên Hợp quốc vừa công bố báo cáo về chất lượng nước ngọt toàn cầu, cảnh báo tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của nguồn nước ngọt và sự thiếu hụt dữ liệu đo lường, đe dọa khả năng đưa ra quyết định đối phó với các thách thức môi trường trong tương lai.

Nhiều người dân không được tiếp cận đến nguồn nước ngọt đảm bảo chất lượng. Ảnh minh họa

Báo cáo được hãng thông tấn AFP trích dẫn, hiện nay có tới 3,8 tỷ người, tương đương gần nửa dân số thế giới, đang sống trong những khu vực mà chỉ có 3% số liệu đo lường về chất lượng nước được thu thập. Sự thiếu hụt dữ liệu này khiến cho việc đánh giá và phân tích sự thay đổi của các hệ sinh thái nước ngọt trở nên khó khăn, đồng thời làm giảm khả năng quản lý và bảo vệ nguồn nước một cách hiệu quả.

Báo cáo còn đưa ra một cảnh báo đáng lo ngại rằng từ nay đến năm 2030, một nửa dân số thế giới sẽ không có đủ thông tin để đưa ra các quyết định quan trọng liên quan đến việc ứng phó với các hiện tượng như hạn hán, lũ lụt, và tác động tiêu cực từ nước thải.

Các đo lường về chất lượng nước cho phép phân tích sự thay đổi của các hệ sinh thái nước. Trong giai đoạn 2015-2019, tại 61% quốc gia trên thế giới, ít nhất một loại hệ sinh thái nước ngọt như sông, hồ và tầng nước ngầm đã bị suy thoái. Tỷ lệ này đã giảm xuống còn 31% trong giai đoạn 2017-2019 nhờ vào các mục tiêu phát triển bền vững mà Liên Hợp quốc thiết lập vào năm 2015. Tuy nhiên, do thiếu hụt dữ liệu mới, báo cáo cảnh báo rằng tỷ lệ các quốc gia có hệ sinh thái nước bị suy thoái hiện có thể đã lên tới 50%.

Liên Hợp quốc cũng chỉ ra rằng hơn 2 tỷ người trên toàn cầu hiện không có quyền tiếp cận với nước uống đảm bảo vệ sinh. Tại nhiều quốc gia ở châu Phi, Trung Á và Đông Nam Á, lưu lượng nước sông và diện tích mặt nước đã giảm đáng kể. Thêm vào đó, tình trạng ô nhiễm và quản lý chất lượng nước yếu kém càng làm trầm trọng thêm vấn đề.

Ngoài ra, 80% lượng nước thải trên toàn cầu hiện vẫn chưa qua xử lý và bị xả trực tiếp ra môi trường, gây ra những tác động tiêu cực lớn đến các hệ sinh thái nước ngọt và góp phần làm gia tăng bất bình đẳng về nguồn nước giữa các khu vực.

Trước tình hình này, Liên Hợp quốc khuyến nghị các quốc gia phát triển các chương trình giám sát dài hạn do chính phủ tài trợ, đồng thời thu thập dữ liệu từ vệ tinh và huy động người dân tham gia thu thập thông tin để lấp đầy khoảng trống dữ liệu hiện nay. Đây là những bước đi cần thiết để đảm bảo rằng các quyết định quan trọng liên quan đến quản lý và bảo vệ nguồn nước ngọt được đưa ra dựa trên các thông tin chính xác và đầy đủ.

Duy Trinh (theo RFI)
https://vietq.vn/chat-luong-nuoc-ngot-toan-cau-dang-xuong-cap-tram-trong-d224799.html