Hãng tin AFP cho hay các chuyên gia của BiomiTech – một công ty khởi nghiệp ở Mexico – đã khiến nhân loại hi vọng với một sản phẩm độc đáo của họ: Cây nhân tạo BioUrban nặng khoảng 1 tấn có khả năng làm sạch lượng không khí tương đương với “công suất” thanh lọc của 1 hecta cây rừng tự nhiên.
BioUrban thực chất là một khối cấu trúc kim loại hình tháp với chiều cao 4,2m và bề rộng khoảng 3m nhưng có khả năng thanh lọc lượng không khí ô nhiễm và trả lại khí tươi cho môi trường tương đương với “công suất” thực tế của 368 cây xanh tự nhiên.
Nó được thiết kế giống như một cây trồng với hai phần gồm phần trụ làm thân cây và phần tán là các vòng kim loại xếp hình như chiếc phễu. Theo đó, nhiều vòng kim loại được xếp đồng tâm với khoảng cách giữa các vòng tăng dần từ gốc lên tới tán.
Cây BioUrban 2.0 lắp đặt thử nghiệm ở TP Puebla, Mexico – Ảnh: AFP
Ông Jaime Ferrer, đối tác thành lập BiomiTech, giải thích: “Cơ chế hoạt động của thiết bị nhân tạo nói trên là thu nạp không khí ô nhiễm và ứng dụng công nghệ sinh học để thúc đẩy quá trình quang hợp tự nhiên, tương tự như quy trình của một cây thật”.
Theo đó, mỗi cây nhân tạo nặng khoảng 1 tấn có khả năng làm sạch lượng không khí tương đương với “công suất” thanh lọc của 1 hecta cây rừng – tương ứng với lượng không khí hít thở của 2.890 người trong 1 ngày.
Kể từ sau khi được phát minh này công bố năm 2016, BiomiTech đã “trồng” thử nghiệm 3 cây BioUrban tại thành phố Puebla, miền Trung Mexico – nơi đặt trụ sở công ty, ở Colombia và ở Panama.
Chi phí thực tế để lắp 1 cây BioUrban dao động trong khoảng 50.000 USD tùy theo địa hình lắp đặt. Hiện BiomiTech đã có hợp đồng lắp 2 cây cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Và, quan trọng hơn, BiomiTech khẳng định cũng đang bàn bạc cho các hợp đồng thực hiện tại thủ đô Mexico city và TP Monterrey ở phía bắc nước này.
Mexico City là một đại đô thị với hơn 20 triệu dân đang bị ô nhiễm trầm trọng với hơn 5 triệu xe hơi, các nhà máy và chưa kể núi lửa Popocatepetl ở gần đấy.
Ông Ferrer cho biết BioUrban sẽ không nhằm thay thế cây xanh thực thụ nhưng là một giải pháp góp phần cải thiện bầu không khí ở những thành phố lớn – nơi mật độ dân cư, phương tiện giao thông đông đúc.
Theo Thanh Thảo/moitruong.com.vn/Tuoitre