19 C
Hanoi
Thứ bảy, Tháng mười hai 21, 2024
More
    HomeTiêu dùng bền vữngCâu chuyện của những người chủ cửa hàng không rác thải

    Câu chuyện của những người chủ cửa hàng không rác thải

    Date:

    Related stories

    Ám ảnh việc đi mua sắm phải thải ra quá nhiều túi ni lông không thể phân hủy, nhiều bạn trẻ đã nghĩ ra những sản phẩm làm từ lá, cây cỏ hoặc lập ra những cửa hàng không rác thải đầu tiên ở Việt Nam.

    Ông chủ nghĩ ra nghề… xỏ lá

    Những bạn trẻ yêu thích sản phẩm thân thiện với môi trường không xa lạ với Cửa hàng 3T của Trần Minh Tiến, 31 tuổi ở Long An. 3T là viết tắt của 3 từ tiết giảm – tái sử dụng – tái chế. Tiến luôn trăn trở làm sao để mang tới những sản phẩm gần gũi nhất với môi trường, tốt nhất cho sức khỏe người dùng, tiến tới không còn xả rác.

    Hiện tại, Cửa hàng 3T của Tiến đang phối hợp cùng một nhóm chị em phụ nữ tại Đức Huệ, Long An để sản xuất những sản phẩm thủ công, thân thiện môi trường, vừa giúp cho chị em có thêm thu nhập, vừa mang lại hiệu quả cho người dùng và thiên nhiên, môi trường như sản phẩm đan lát từ cỏ bàng, túi xách, ví, cặp, võng từ cỏ bàng; ống hút tre, ống hút cỏ; sản phẩm tái chế như túi xách từ vải vụn, nắp chai, giấy…

    “Trong số những sản phẩm này, thì ống hút tre, ống hút cỏ bán rất chạy, số người quan tâm tới ống hút thiên nhiên, hạn chế dùng ống hút nhựa ngày càng nhiều. Sắp tới chúng tôi sẽ làm túi xách từ vải cũ…, tôi rất mừng vì ngày càng nhiều người Việt Nam có ý thức quan tâm đến môi trường sống của chúng ta”, Trần Minh Tiến chia sẻ.


    Xỏ những cái lá lại với nhau sẽ có những đồ đựng đồ ăn vừa sạch, vừa bảo vệ môi trường.

    Trần Minh Tiến cũng là ông chủ trẻ nghĩ ra nghề xỏ lá, đó là đan những chiếc lá lại với nhau làm thành những chén, đĩa, hộp đựng thức ăn vừa tốt cho sức khỏe, lại không thải rác, túi ni lông ra ngoài môi trường.

    Tiến cho hay, anh đang làm thử nghiệm sản phẩm này, dự tính sẽ nhân rộng ra thị trường trong thời gian tới, đặc biệt nghiên cứu có thể sấy khô chén đĩa, hộp từ lá. Anh mong muốn những sản phẩm bằng lá này của anh có thể thay thế hộp xốp, hộp nhựa đựng thức ăn một lần đang dùng phổ biến, trên khắp các ngả đường, nhà hàng, quán ăn.

    Những bạn trẻ tiên phong với cửa hàng không rác thải

    Đứng trước thực trạng rác thải sinh hoạt ngày càng nhiều, các cửa hàng không rác thải – Zero Waste đã ra đời tại Việt Nam, có thể kể đến: Go Eco Hanoi (Hà Nội), Tạp hóa Lá Xanh (quận 1, TP.HCM) và Tiệm tạp hóa Gói Ghém (thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu).

    Những cửa hàng không rác thải ở Việt Nam 


    Muốn mua gì mọi người tự mang hộp, chai lọ tới​

    Tại các cửa hàng này, người tiêu dùng được khuyến khích nên tự mang theo túi xách, hộp, chai thủy tinh để mang về. Các sản phẩm tại cửa hàng không rác thải cũng phong phú với người tiêu dùng, từ thực phẩm (đường, muối), sản phẩm cá nhân (ống hút tre, bàn chải tre), sản phẩm chăm sóc (sữa tắm, dầu gội) hay thậm chí đồ cho em bé như khăn, tã cũng có đủ.

    Chỉ cần mang dụng cụ đựng của mình, người tiêu dùng có thể mua tất cả các sản phẩm với số lượng cần thiết mà không lo phải quăng bao bì đi đâu. Không chỉ dừng lại ở bao bì, các tạp hóa này còn chọn lọc các thực phẩm hữu cơ từ vườn nhà và các đồ dùng vật liệu thân thiện với thiên nhiên để bày bán.

    Chị Nguyễn Hoàng Thảo, chủ cửa hàng Go Eco Hanoi, Hà Nội cho rằng: “Các sản phẩm dùng một lần như màng bọc thực phẩm 100% là không thể tiêu hủy nên khi người dùng chuyển sang các chất liệu thiên nhiên làm từ tre, vải sáp ong thì có thể phân hủy được sẽ tốt hơn cho môi trường”.

    Bạn Phạm Hữu Giàu, chủ nhiệm CLB Xanh Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, chia sẻ, ở các siêu thị hoặc cửa hàng truyền thống ở Việt Nam, người tiêu dùng chỉ cần mang tiền đến và chọn sản phẩm mình cần, việc bao bì, đóng gói đã có người lo. “Chính vì tư duy yêu thích sự nhanh chóng và tiện lợi mà người tiêu dùng càng ngày thải ra nhiều túi ni lông, rác thải không cần thiết”,

    Đối mặt với nhiều thách thức

    Dù luôn nghĩ tới cộng đồng, đặt lợi ích cộng đồng lên hơn lợi ích kinh doanh, tuy nhiên những người chủ trẻ với các mô hình, sản phẩm kinh doanh không rác thải gặp nhiều khó khăn.

    Cửa hàng 3T của anh Trần Minh Tiến chủ yếu bán hàng online, không có chi nhánh tại TP.HCM. Khách hàng lớn nhất của anh là người đi làm từ 25 tới 30 tuổi, tuy nhiên có nhiều bạn trẻ sống xanh theo trào lưu, mua một vài đồ như ống hút tre, ống hút cỏ về giống như bạn bè rồi thôi, không duy trì dùng lâu dài.

    Ống hút tre và ống hút cỏ của Cửa hàng 3T

    Chị Trần Phương Thảo, 34 tuổi, chủ Tiệm tạp hóa Gói Ghém, thành phố Vũng Tàu (Bà Rịa – Vũng Tàu) chia sẻ: “Khi nghe tôi khai trương, hàng xóm cũng tò mò, bạn bè đồng nghiệp hứa ghé qua vì thấy lạ. Tuy nhiên cái quan trọng là phải duy trì được thói quen của mọi người, vì nhiều người đi làm, đi học về chỉ muốn đơn giản tạt qua mua là xong, ngại việc lỉnh kỉnh đồ đạc”.

    Nhiều người cho rằng việc phải tự mang túi đến mua là mất công và cực nhọc, thế nên “làm sao để thuyết phục người tiêu dùng tin tưởng và hạn chế rác thải là bài toán mà những cửa hàng này cần giải đáp”, chị Nguyễn Thị Thu Cúc, 31 tuổi, trú quận Bình Thạnh, TP.HCM nói.

    Bạn Lưu Quang Thành, 21 tuổi, sinh viên Trường ĐH Ngoại thương TP.HCM cũng băn khoăn: “Đối với người tiêu dùng, việc nguồn gốc thực phẩm tiêu dùng cũng là một việc đáng quan tâm. Người ta đã quá quen với chuyện có bao bì, ghi rõ thông tin nguồn gốc xuất xứ, vừa đẹp vừa biết nguồn gốc ở đâu”.

    Giá thành cũng là một điều đáng chú ý vì hầu hết các loại thực phẩm sạch, khỏe tại các cửa hàng không rác thải là sản phẩm vườn nhà, số lượng ít và chất lượng cao nên giá sẽ cao hơn thông thường.

    Theo Thanhnien.vn (8/11/2018)

    Subscribe

    - Never miss a story with notifications

    - Gain full access to our premium content

    - Browse free from up to 5 devices at once

    Latest stories

    spot_img