Bên cạnh lợi ích kinh tế, việc sử dụng cát nhân tạo mang lại nhiều lợi ích về môi trường, tận dụng chất thải sản xuất, và là lời giải cho các vấn đề liên quan đến môi trường hiện nay như xói lở bờ sông, thay đổi hệ sinh thái… đang ảnh hưởng rất lớn đến thiên nhiên cũng như cuộc sống con người.

Theo số liệu thống kê hiện nay, cả nước đang sử dụng khoảng 130 triệu m3 cát xây dựng/năm và dự báo đến giai đoạn 2016 – 2020 chúng ta sẽ cần khoảng 2,1 – 2,3 tỷ m3 cát san lấp. Hiện nay dữ trữ cho san lấp đến 2020 chỉ còn 2,1 tỷ m3. Điều này có nghĩa là sau năm 2020 sẽ không còn cát phục vụ san lấp.

Khai thác cát tiềm ẩn nhiều rủi ro như lấn biển, sạt lở, lún sụt, mất đất, mặt biển và bờ sông, giết chết hệ sinh thái sông như thảm thực vật ven bờ, thủy sinh động và thực vật lơ lửng trong dòng sông, hệ sinh vật đáy sông, hệ sinh thái các cù lao và cồn cát. Các hệ sinh thái sông này quyết định chất lượng nước và môi trường sống.

Cát nhân tạo sẽ góp phần tiết kiệm tài nguyên, đất đai và bảo vệ môi trường.

Trước thực trạng này thì cát nhân tạo đang là một giải pháp tối ưu, công nghệ mới về cát, và là lời giải cho bài toán về tài nguyên cát hiện nay. Trên thế giới, cát nhân tạo đang được sử dụng phổ biến, không những để thay thế cát tự nhiên đang ngày càng cạn kiệt mà còn do tính chất đặc biệt của nó như hạt cát đồng đều hơn, có thể điều chỉnh tỷ lệ thành phần hạt theo yêu cầu cấp phối.

Trên thực tế, nguyên liệu để làm cát nhân tạo rất dồi dào, bất cứ loại đá nào có cường độ tốt, ổn định, có thể dùng làm nguyên vật liệu xây dựng đều có thể làm nguyên vật liệu để sản xuất cát nhân tạo như đá vôi, đá granit, đá cuội, thâm chí cả đá cát kết trong quá trình bóc chất thải của ngành than. Xỉ thép từ các nhà máy luyện kim sau khi tái chế cũng là một nguồn vật liệu thay thế cát xây dựng. Ngoài ra, tro, thạch cao cũng có thể thay thế cát làm nền. Quá trình làm cát nhân tạo cũng rất đơn giản. Các vật liệu được sàng tuyển, rửa, loại bỏ tạp chất, sau đó được nghiền theo kích thước đạt tiêu chuẩn vào mục đích như xây, trát, trộn bê tông.

Trên thế giới, có nhiều nước như Trung Quốc, Nhật Bản đã thay thế việc sử dụng cát tự nhiên bằng cát nhân tạo. Nhật Bản đã hạn chế khai thác cát, sỏi tự nhiên từ những năm 1970. Tùy thuộc vào kích cỡ nghiền khác nhau của cát mà cát nhân tạo được sử dụng để sản xuất bê tông hoặc dùng để san lấp, xây trát.

Đối với Việt Nam, sự chuyển biến tích cực thể hiện rõ nét tại tỉnh Quảng Ninh. Đây là địa phương đi đầu trong việc sử dụng cát và chất thải công nghiệp để sản xuất vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, xu hướng này đang dần được phát triển tại nhiều cơ sở ở các tỉnh như Sơn La, Lai Châu, Quảng Ninh, Lạng Sơn… những nơi có nguồn nghiên liệu để sản xuất cát nhân tạo rất dồi dào, phong phú.

Như vậy, việc nghiên cứu phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu tại chỗ, hay các bãi thác mỏ của ngành than, tro xỉ nhiệt điện làm vật liệu xây dựng là hết sức cần thiết, góp phần tiết kiệm tài nguyên, đất đai, bảo vệ môi trường.

Theo sxsh.vn