Theo chuyên gia dinh dưỡng, hiện nay có rất nhiều bà nội trợ cấp đông thực phẩm sai cách dẫn tới những tác hại không nhỏ cho sức khỏe.

Những sai lầm thường gặp khi cấp đông- rã đông thực phẩm

TS.BS Bùi Thị Mai Hương, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, trong xã hội hiện đại, mọi người bận rộn, sử dụng các thực phẩm cấp đông là một xu hướng ngày càng phổ biến, tiện lợi. Việc cấp đông – rã đông đúng cách vẫn đảm bảo dinh dưỡng và an toàn của thực phẩm. Tuy nhiên, nhiều người có những thói quen cấp đông – rã đông thực phẩm không phù hợp, khiến thực phẩm biến chất, giảm chất dinh dưỡng. Điển hình nhất là thói quen rã đông rồi lại cấp đông lại thực phẩm.

Theo đó, nhiều người khi cấp đông thực phẩm không chia nhỏ khẩu phần mà để cả tảng thịt, cả con gà/vịt to đùng… đến khi sử dụng, thực phẩm đông đá thành khối vững chắc không thể chia nhỏ.

Nhiều người nhân lúc giá thịt còn rẻ đã mua tích trữ thật nhiều trong tủ đông, với suy nghĩ có thể ăn dần trong thời gian dài. Tuy nhiên, phương pháp bảo quản này không an toàn như chúng ta nghĩ.

Thịt chỉ ăn ngon nhất trong 2 giờ sau khi mổ. Vì vậy, không nên để lâu vì trong thịt có một số enzyme tự phân huỷ và chuyển hoá. Thịt sau khi cấp đông phải được đóng gói và bảo quản trong kho lạnh ở nhiệt độ chuẩn từ -15 đến -18 độ C, và thời gian bảo quản không thể vượt quá 9 tháng.

Nhiệt độ bảo quản không đảm bảo khiến mỗi lần cấp đông “gia đình” như thế, thịt chỉ được lưu trữ tối đa 4 tháng, và những loại thịt được đông lạnh hay đóng băng quá thời gian trên đều không được phép tiêu thụ hay sử dụng.


Cần tránh mắc sai lầm khi cấp đông-rã đông thực phẩm gây nguy hiểm cho sức khỏe. Ảnh minh họa

Đối với hải sản là thực phẩm có mùi tanh, nếu được cất giữ chung với thịt lợn sẽ bám mùi sang thịt, đồng thời tăng nguy cơ nhiễm khuẩn nên bảo quản thịt và hải sản ở trong những chiếc hộp riêng, như vậy có thể giữ những thực phẩm này được lâu hơn.

Nhiều người có thói quen mua thịt về thì cất vào túi, sau đó để luôn vào ngăn đá. Cách làm này cực kỳ nguy hiểm vì nếu không rửa thịt thật sạch sau khi mua về, các chất bẩn tồn tại trong thớ thịt sẽ làm thực phẩm mất hết chất dinh dưỡng và hương vị thơm ngon. Đồng thời, thịt dễ bị nhiễm khuẩn, tệ hơn là nếu lưu trữ thịt ở ngăn đá, nước thịt bị rỉ xuống các ngăn rau củ phía dưới có thể gây ra tình trạng nhiễm khuẩn chéo, ảnh hưởng đến chất lượng các thực phẩm khác.

TS Hương cũng chỉ ra nhiều sai lầm của các bà nội trợ khi rã đông thực phẩm, như để ở nhiệt độ phòng vài tiếng đồng hồ; ngâm trong nước… Quá trình rã đông này khiến vi khuẩn có nguy cơ sinh sôi mạnh hơn, dẫn đến thực phẩm không còn an toàn nếu nấu chưa kỹ, gây biến chất thực phẩm do để ở ngoài quá lâu.

Một số ý kiến cho rằng dầu nóng sẽ làm thực phẩm rã đông nhanh hơn tuy nhiên phương pháp dã đông này vô tình sẽ rất nguy hiểm vì nước và dầu sôi khi kết hợp với nhau sẽ làm dầu bắn tung tóe.

Nhiều người còn cho thực phẩm sau khi rã đông bằng lò nướng sẽ khá nhạy cảm với vi khuẩn. Thậm chí có nhiều người ngại rã đông thực phẩm sẽ mất thời gian nên cho vào nồi và nấu luôn. Cách này không những khiến thời gian nấu sẽ lâu hơn mà còn làm cho những chất dinh dưỡng bị phân hủy hết. Vì vậy, dù có tốn một chút thời gian, cũng nên rã đông thực phẩm trước rồi hãy chế biến.

Cách rã đông thực phẩm an toàn

Theo chuyên gia này, các chị em nội trợ nên chuẩn bị cho bữa ăn ngày hôm sau từ tối hôm trước. Định ăn loại thực phẩm nào thì lấy từ tủ đông cho vào ngăn mát tủ lạnh để ngày hôm sau chế biến. Đây là cách rã đông thực phẩm phổ biến và an toàn mà nhiều người thường áp dụng. Thịt gia cầm, cá, thịt xay sau khi đã rã đông bằng cách này có thể để an toàn trong ngăn mát thêm 1-2 ngày nữa trước khi chế biến.

Cần lưu ý, khi để trong ngăn mát tủ lạnh phải để ở khu riêng, trong hộp đóng kín, không để lẫn thực phẩm chín để tránh tình trạng nhiễm chéo vi khuẩn sang đồ chín, làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

Hoặc có thể lấy trực tiếp từ tủ đông, sử dụng chức năng rã đông của lò vi sóng để làm mềm thực phẩm, tiện cho việc chế biến. Sau khi rã đông cần chế biến ngay, tránh việc tiếp tục để bên ngoài nhiệt độ môi trường làm vi khuẩn sinh sôi, phát triển.

Trước khi cấp đông thực phẩm, mọi người cũng cần rửa sạch thực phẩm, để ráo nước (hoặc sử dụng giấy thấm khô thực phẩm), rồi chia khẩu phần ăn phù hợp, cho vào hộp để cấp đông để tiện sử dụng sau này, đảm bảo thực phẩm tươi ngon, dinh dưỡng tốt nhất.

Sử dụng nước lạnh để rã đông luôn là cách làm hiệu quả và đơn giản nhất để chúng ta có thể ứng dụng. Cách này giúp thực phẩm phục hồi lại cấu trúc như ban đầu.

Nếu cần rã đông thực phẩm ngay để nấu ăn, thì sử dụng lò vi sóng. Phương pháp này sẽ giúp rã đông thực phẩm cực kỳ nhanh chóng chỉ trong thời gian ngắn sau khi bạn cho chúng vào lò. Tuy nhiên cách này chỉ phù hợp khi chế biến ngay sau khi rã đông vì nếu để lâu sẽ tạo môi trường cho vi khuẩn sinh sôi, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Rã đông bằng nước đường nên thực hiện với các thực phẩm như thịt hoặc các loại rau củ. Không nên rã đông hải sản bằng nước đường sẽ khiến chúng nhiễm vị ngọt và đổi vị khi chế biến.

Rã đông bằng kim loại vì vốn kim loại là chất dẫn nhiệt rất mạnh nên chúng cũng sẽ giúp các tinh thể nước đá tan ra nhanh hơn, giúp ích cho việc rã đông các thực phẩm, đặc biệt là các loại thịt. Với phương pháp này, chỉ cần đặt thịt hoặc kẹp thịt vào các vật dụng kim loại có bề mặt phẳng, sau khoảng 10 phút thì miếng thịt sẽ được rã đông và có thể dùng để chế biến món ngon ngay.

Rã đông với muối và giấm có thể làm cho quá trình rã đông diễn ra nhanh hơn lại còn an toàn cho sức khoẻ. Cách dùng muối và giấm này có thể thực hiện được trên cả thịt hoặc hải sản. Giấm có chứa nhiều axit axetic có tác dụng hạ thấp điểm đóng băng của nước, còn muối là chất xúc tác cực tốt vừa giúp rã đông nhanh lại còn giúp khử bớt vi khuẩn trên thực phẩm. Chỉ cần chuẩn bị một tô nước, hoà tan hoàn toàn chút muối và giấm, sau đó hãy cho thịt hoặc cá cần rã đông vào.

Cách rã đông với gừng cũng tương tự như rã đông bằng đường. Cần chuẩn bị một thau nước ấm 40 độ C, sau đó cho vài lát gừng mỏng vào và khuấy đềusau đó thả miếng thịt cần rã đông vào. Gừng có tác dụng làm ấm nên sẽ giúp rã đông thịt nhanh chóng. Đồng thời, thịt cũng giữ được màu đỏ tự nhiên, hương vị và các chất dinh dưỡng sau khi rã đông.

Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 5603:2023 nguyên tắc chung về vệ sinh thực phẩm

Tháng 4/2023, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quyết định số 586/QĐ-BKHCN về việc công bố Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 5603:2023 nguyên tắc chung về vệ sinh thực phẩm. Đây là phiên bản thứ tư, được biên soạn trên cơ sở tiêu chuẩn Codex CXC (năm 2020) và thay thế TCVN 5603:2008.

Tiêu chuẩn này công bố bổ sung một số nội dung như quy định về cam kết của lãnh đạo doanh nghiệp trong việc áp dụng HACCP, quy định về cải tiến liên tục, khiến tiêu chuẩn này tiến gần hơn với các tiêu chuẩn về hệ thống quản lý ISO. Bên cạnh đó, tiêu chuẩn này còn yêu cầu nâng cao ý thức về an toàn thực phẩm cho nhân viên tại cơ sở sản xuất thực phẩm. Ngoài ra, TCVN 5603:2023 cũng bổ sung yêu cầu về truy xuất nguồn gốc sản phẩm và quy định kiểm soát mối nguy về chất gây dị ứng…..

Vân Thảo (T/h)
https://vietq.vn/chuyen-gia-chi-cach-cap-dong–ra-dong-thuc-pham-tiem-an-nhieu-nguy-hiem-cho-suc-khoe-d223743.html