Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) hiện đang khám, điều trị cho nhiều trường hợp bị rối loạn tâm thần do sử dụng thuốc lá điện tử.

Cụ thể, nữ bệnh nhân 27 tuổi, trú ở Hà Nội đã phải nhập viện điều trị tại Viện Sức khỏe tâm thần do có các hành vi bất thường vì hút thuốc lá điện tử quá nhiều. Bản thân bệnh nhân không có tiền sử chấn thương sọ não, viêm não; không có tiền sử mắc bệnh lý nội khoa – thần kinh mạn tính; phát triển tâm thần vận động bình thường. Trong gia đình nội, ngoại 3 đời không có ai mắc bệnh lý tâm thần.

Theo lời kể của người thân, bệnh nhân bắt đầu sử dụng thuốc lá khoảng 8 năm nay. Ban đầu do tò mò nên sử dụng thuốc lá điếu, nhưng sau đó chuyển sang sử dụng thuốc lá điện tử. Lúc đầu, bệnh nhân dùng khoảng 3-4 ngày hết 1 pod chill (tên gọi của một loại tinh dầu dùng cho thuốc lá điện tử), sau này sử dụng hàng ngày với số lượng nhiều, mỗi ngày hết khoảng 1 pod chill vì cảm thấy thoải mái hơn, cơ thể dễ thư giãn, tăng sự tập trung và dễ đi vào giấc ngủ.

Gia đình đã ngăn cấm nhưng khi không dùng, bệnh nhân cảm thấy bồn chồn, bứt rứt, khó ngủ, khó tập trung, dễ cáu gắt nên tiếp tục lén lút đặt mua. Vài tháng trở lại đây, bệnh nhân sử dụng thuốc lá điện tử liên tục cả ngày, mỗi ngày dùng 2-3 pod chill. Bệnh nhân luôn trong trạng thái mơ màng, đờ đẫn, mệt mỏi; bỏ bữa, có các hành vi không phù hợp; tự nhốt mình trong phòng, chỉ nằm hút thuốc lá điện tử, bỏ bê công việc.

Có lúc gia đình thấy bệnh nhân nói các câu không liên quan, vẻ mặt đờ đẫn, lướt điện thoại trong vô thức, mọi người có gọi hỏi bệnh nhân cũng không để ý hoặc trả lời rất chậm. Gia đình thấy vậy nên đưa bệnh nhân nhập Viện Sức khỏe tâm thần điều trị. Sau đợt điều trị hóa dược hiện bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc được, cảm xúc hành vi phù hợp, tư duy phù hợp, hết cảm giác bồn chồn, bứt rứt, hết cảm giác thèm thuốc lá, ăn, ngủ tốt.

Một trường hợp khác là bệnh nhân dùng thuốc lá điện tử trộn tinh dầu cần sa. Gia đình không biết nên chỉ nghĩ bệnh nhân sử dụng thuốc lá điện tử. Việc sử dụng tinh dầu cần sa tạo ra cảm giác bay bổng, thoải mái. Theo lời kể, bệnh nhân sử dụng tinh dầu nhằm để tăng ý tưởng sáng tạo, có thể làm việc tốt hơn nhưng lâu dần dẫn đến nghiện cần sa. Sau khi sử dụng thời gian dài, bệnh nhân có trạng thái luôn bồn chồn, kích động, có biểu hiện xa lánh, ít tiếp xúc với mọi người xung quanh, làm việc giảm sút… Nhận thấy biểu hiện bất thường nên gia đình đã cho bệnh nhân nhập viện.

ThS. BS Vũ Văn Hoài, Phòng Điều trị nghiện chất, Viện Sức khỏe tâm thần – bác sĩ điều trị các trường hợp trên cho biết, ngoài việc tăng nguy cơ gây nghiện, sử dụng thuốc lá điện tử còn dẫn đến các biểu hiện rối loạn tâm thần. Khi nghiện thuốc lá điện tử, người bệnh có biểu hiện giảm tập trung chú ý, giấc ngủ bị ảnh hưởng, tâm trạng hay bực bội, cáu kỉnh, hiệu suất công việc giảm (mức độ nhẹ). Với những người sử dụng tạp chất pha với thuốc lá điện tử có thể xuất hiện biểu hiện hoang tưởng, có ảo giác, nghi ngờ người xung quanh muốn hại mình. Với những người sử dụng tinh dầu cần sa có thể có biểu hiện khởi phát của bệnh tâm thần phân liệt – cực kỳ nguy hiểm.

Theo bác sĩ Vũ Văn Hoài, nhiều người bệnh tìm đến thuốc lá điện tử nhằm cai nghiện thuốc lá điếu nhưng khi nghiện, họ sẽ có các biểu hiện lâm sàng như trên. Người bệnh muốn cai nghiện thuốc lá cần tìm đến các chuyên gia, trung tâm uy tín. Trong đó, Viện Sức khỏe tâm thần là một trong các cơ sở giúp người bệnh có thể cai nghiện cần sa, thuốc lá điện tử an toàn. Nếu người bệnh chấp nhận điều trị, tuân thủ theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, hoàn toàn có thể cai nghiện được thành công.

TS. BS Lê Thị Thu Hà, Trưởng phòng Sử dụng chất và Y học hành vi (Viện Sức khỏe tâm thần) cho biết: Hút thuốc gây ra 100.000 ca tử vong mỗi năm – một nửa số người hút thuốc tử vong do hút thuốc. Thuốc lá thông thường có chứa >200 các chất khác nhau, khi hút sẽ gây ra hầu hết ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Nicotine là thành phần của thuốc lá gây nghiện, gây phụ thuộc tâm thần nhưng ít gây ra các vấn đề về cơ thể.

Thuốc lá điện tử chủ yếu chứa nicotine và một số ít chất khác trong buồng đệm chứa dịch (propylene glycol, glycerine, chất tạo hương vị, chất dẫn khác – chưa có nhiều nghiên cứu theo dõi dài hạn). Ngoài ra, thuốc lá điện tử còn bị pha các tinh dầu khác, như: cần sa, chất gây nghiện thế hệ mới.

Hầu hết chất này đều có trong thuốc lá công nghiệp. Cụ thể như: Nicotine có khả năng gây phụ thuộc về mặt tâm thần; glycerine có thể gây viêm phổi; chất dẫn khác nhau tùy theo từng hãng, nhãn hiệu chủ yếu bao gồm nitrosamine, formaldehyde, acetaldehyde là các chất có khả năng gây ung thư; các chất khác (do chưa được kiểm duyệt và chưa có quy định) thường được bổ sung sai cách vào buồng đệm chứa dịch, là nguyên nhân chính dẫn đến việc gây độc hoặc lạm dụng phối hợp các chất ma túy khác…


Ảnh minh hoạ

Theo bác sĩ Lê Thị Thu Hà, thuốc lá điện tử ngày càng phổ biến và đối tượng sử dụng ngày càng sớm. Khi đến khám tại bệnh viện, các cơ sở y tế thường do người bệnh được gia đình đưa đến do phát hiện con em mình bắt đầu nghiện thuốc lá điện tử; hoặc bệnh nhân đến điều trị do căng thẳng, mệt mỏi, mất ngủ (không biết do nghiện thuốc lá điện tử). Để hạn chế lệ thuộc, người hút cần có các biện pháp điều trị tâm lý, thay đổi nhận thức, tránh tìm tới thuốc lá điện tử.

Một tác hại nữa của thuốc lá điện tử là khuyến khích trẻ em bắt đầu sử dụng từ sớm. Điều này có thể dẫn đến việc trẻ chuyển sang sử dụng thuốc lá (đáng lo ngại nhất) về sau này hoặc ít nhất là dẫn đến một thế hệ lớn những người trẻ tuổi nghiện nicotine và gặp phải tác hại tiềm tàng trong tương lai do dùng thuốc lá điện tử lâu dài. Thuốc lá điện tử có chất tạo hương vị và có khả năng nhằm vào trẻ em và một nhóm người đang hút thuốc lá công nghiệp không ưa mùi hôi của khói thuốc.

Bác sĩ Lê Thị Thu Hà khuyến cáo, hiện nay xuất hiện một số học sinh lớp 4-5 đã sử dụng thuốc lá điện tử. Nếu trẻ hút thuốc lá điện tử khi 10-15 tuổi, não chưa hoàn thiện, khó kiểm soát cảm xúc. Vùng não tổn thương sẽ khiến người hút khó từ chối các chất gây nghiện khác. Nghiện thuốc lá điện tử là đường vào của các chất gây nghiện khác. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần quan tâm sát sao hơn tới con em mình.

Trước đó, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây ra hơn 8 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm. Hút thuốc lá là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và làm tăng mức độ nghiêm trọng của các bệnh về đường hô hấp. Việt Nam là một trong 15 nước hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới và là quốc gia đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN có số người trưởng thành hút thuốc lá cao nhất.

Theo kết quả nghiên cứu về tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh từ 13-15 tuổi của Bộ Y tế năm 2022, tỷ lệ học sinh sử dụng thuốc lá hiện nay khoảng 2,9%. Tuy nhiên, tỷ lệ học sinh nữ sử dụng thuốc lá có dấu hiệu gia tăng, chủ yếu là sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử.

Việc sử dụng thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha… ngày càng phổ biến trong giới trẻ, làm gia tăng tỷ lệ sử dụng trong học sinh, sinh viên. Đặc biệt, tỷ lệ học sinh bị ảnh hưởng hút thuốc lá thụ động trong trường học còn cao do một số nơi chưa thực hiện nghiêm túc các quy định về cấm hút thuốc lá trong trường học.

Sản phẩm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng có chứa nicotine, có khoảng 15.500 loại hương liệu được sử dụng, trong đó, rất nhiều loại hương liệu độc hại, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, có thể gây cháy nổ và pha trộn các chất khác vào dung dịch như ma túy, cần sa.

Theo nghiên cứu của Hội Y tế công cộng Việt Nam năm 2020, tỷ lệ thanh, thiếu niên 15-24 tuổi ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh hiện đang sử dụng thuốc lá điện tử trong năm 2020 là khá cao. Với tỷ lệ chung là 7,3%, ở nam giới là 9,1% và nữ giới là 4,6%; phần lớn người sử dụng thuốc lá điện tử nằm ở độ tuổi 18-24.

Theo bác sĩ Nguyễn Hải Công, Chủ nhiệm Khoa Lao và Bệnh phổi, Bệnh viện Quân y 175, thống kê gần nhất có khoảng 16 triệu người Việt thường xuyên sử dụng các sản phẩm liên quan đến thuốc lá. Với thuốc lá thế hệ mới, xu hướng sử dụng đang tăng nhanh, nhất là với người trẻ, thậm chí có cả học sinh.

So với thuốc lá truyền thống, các sản phẩm thế hệ mới có ưu điểm như ít hàm lượng khí độc hại. Tại một số nước như Mỹ, Anh, Đức, có khuyến cáo từng nhóm đối tượng cụ thể chuyển sang dùng thuốc lá thế hệ mới để giảm thiểu tác động đến sức khỏe. Tuy nhiên tất cả sản phẩm thuốc lá đều có hại đến con người. Nicotine có trong thuốc lá thế hệ mới vẫn gây tổn thương tim mạch, hệ thần kinh trong ngắn, dài hạn. Việc đánh giá thuốc lá thế hệ mới không có hại là sai lầm.

“Nếu không cấm được người dân sử dụng thì nên có hành lang pháp lý để quản lý, mục đích trước hết là giảm hàng nhập lậu”, ông nói. Theo ông, nhiều nước trên thế giới có chính sách lưu hành, buôn bán mặt hàng này.

Ở góc độ cơ quan quản lý, ông Kiều Dương, Vụ trưởng Vụ Chính sách – Pháp chế, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cũng đồng tình khi cho rằng phải sớm có khung để quản lý. Hiện số lượng hàng thuốc lá thế hệ mới nhập lậu tăng lên rất nhanh nhưng cơ quan chức năng gặp khó khăn vì không có cách nào định danh, từ đó xử phạt thích đáng.

“Tính riêng Hà Nội nửa năm qua có tới 81 vụ, thu gần 20.000 tang vật. Công an TP.Hải Phòng cũng phát hiện lô hàng rất lớn trên 54.000 sản phẩm. Hầu hết sản phẩm do nước ngoài sản xuất, đưa vào Việt Nam bất hợp pháp với quy mô lớn”, ông nói.

Bảo Lâm
https://vietq.vn/canh-bao-tinh-trang-roi-loan-tam-than-do-su-dung-thuoc-la-dien-tu-d213447.html