Khói than có thể là tác nhân gây khởi phát cơn khó thở đối với người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), người bệnh hen suyễn, gây ngạt rất nguy hiểm với hệ hô hấp non nớt của trẻ em. Tiếp xúc thường xuyên với khói than làm tăng nguy cơ nhiễm trùng hô hấp như viêm phổi.
Bác sĩ Phạm Ánh Ngân, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM – Cơ sở 3, khuyến cáo trong bối cảnh nhiệt độ miền Bắc đang xuống thấp dưới 20 độ. Khí hậu chuyển lạnh, ở một số nơi, người dân vẫn còn giữ thói quen sưởi ấm bằng cách đốt nhiên liệu rắn như than đá, gỗ… Một số gia đình hơ ấm cho bé mới sinh bằng lò than hoặc xông cho mẹ đang kỳ ở cữ.
Khói than chứa nhiều thành phần độc hại như cacbon monoxit (CO), CO2, nitơ oxit (NOx) và một số chất khác như lưu huỳnh oxit (SOx), muội than, hydrocacbon chưa cháy hết (CnHm), fomandehit (HCHO)… Các chất này khi tỏa ra trong không khí sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Khói than có thể là tác nhân gây khởi phát cơn khó thở đối với người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), người bệnh hen suyễn, gây ngạt rất nguy hiểm với hệ hô hấp non nớt của trẻ em. Tiếp xúc thường xuyên với khói than làm tăng nguy cơ nhiễm trùng hô hấp như viêm phổi.
Ghi nhận một bệnh lý phổi gặp ở những phụ nữ vùng nông thôn khu vực Đông Nam Á và Trung Đông, liên quan đến việc tiếp xúc lâu dài với khói than. Đó là xơ phổi than phế quản hay bệnh bụi phổi. Các mô sâu ở trong phổi dày lên, cứng hơn do mất tính đàn hồi và tạo sẹo, làm hạn chế chức năng hô hấp.
Đốt than, củi trong không gian kín càng làm tiêu hao oxy, đồng thời sản sinh ra hai khí cực độc là CO2 và CO. Ảnh minh họa
Theo Bác sĩ Lê Hồng Nhân làm việc tại khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới cho biết, Việc ngộ độc khí CO là do thiếu oxy não, trong khi các tế bào chất xám chỉ huy hoạt động của con người, chịu trách nhiệm về hoạt động tinh thần, tình cảm, lý trí lại rất nhạy cảm với tình trạng thiếu oxy. Vì vậy, khi ngộ độc khí CO, các tế bào này sẽ tổn thương trước. Ngộ độc quá nặng sẽ gây tử vong, còn những người sống được thì lại mất trí tuệ. Càng ở phòng kín thì nguy cơ ngộ độc khí CO càng tăng. Quá trình nhiễm độc khí xảy ra rất nhanh, khi bệnh nhân bắt đầu cảm thấy có điều gì đó “bất thường” cũng là lúc không còn khả năng kháng cự rồi lịm dần. Nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời thì có thể dẫn đến tử vong.
Bác sĩ Nhân khuyến cáo người dân không nên sử dụng bếp than để sưởi vì nó sẽ cháy yếm khí, sinh khí độc là khí CO, nhanh chóng chiếm chỗ của oxy, hít vào sẽ gây ngạt. Nạn nhân bị ngạt khí CO thường để lại di chứng thần kinh hoặc tâm thần. Nếu trong trường hợp bắt buộc phải dùng than để sưởi thì cần ở những nơi thông thoáng tránh những khu vực kín khiến nguy cơ ngộ độc tăng cao. Khi phát hiện người bị ngộ độc khí CO, cần nhanh chóng cứu nạn nhân. Người bị ngộ độc khí CO thường ở trong phòng đóng kín cửa nhưng có động cơ đang nổ như xe máy, máy phát điện hoặc bếp than, củi… mà bệnh nhân bất tỉnh hoặc tử vong thì nghĩ ngay đến ngộ độc khí. Cần nhanh chóng mở các cửa, khẩn trương đưa nạn nhân ra khỏi khu vực nhiễm độc và nhanh chóng đưa đến cấp cứu ở cơ sở y tế gần nhất để được xử lý và điều trị kịp thời.
Để làm ấm cơ thể vào mùa lạnh, mọi người có thể thêm chút gia vị vào món ăn như gừng, tiêu, tỏi; sử dụng trà quế, trà gừng để vừa giữ ấm cơ thể, vừa tăng sức đề kháng. Giữ thói quen tập luyện thể thao mỗi ngày cũng là một phương pháp giúp giữ ấm trong thời tiết lạnh.
Khánh Mai (t/h)
https://vietq.vn/canh-bao-suoi-am-bang-than-trong-mua-lanh-tiem-an-hiem-hoa-ngo-doc-chet-nguoi-d216057.html