Nhà khoa học cho rằng, việc sử dụng lò vi sóng để nấu, hâm nóng thức ăn có thể tạo nên nguy cơ gây ung thư, đục thủy tinh thể ở người.
Lò vi sóng cùng với những chức năng vô cùng tiện dụng đã giúp sản phẩm này chiếm một vị trí quan trọng trong nhà bếp của rất nhiều các gia đình hiện tại. Tuy nhiên, việc sử dụng lò vi sóng cũng có thể gây hại đến sức khỏe một cách nghiêm trọng.
Một nghiên cứu được tiến hành bởi giáo sư Madga Havas thuộc Đại học Trent (Toronto, Canada) đã cho thấy việc hâm nóng hay nấu ăn bằng lò vi sóng có thể làm gia tăng nguy cơ ung thư, đục thủy tinh thể đồng thời làm giảm giá trị dinh dưỡng của thức ăn.
Về mặt dinh dưỡng, lò vi sóng sử dụng các sóng năng lượng ngắn, chủ yếu ảnh hưởng đến các phân tử nước, làm cho chúng chuyển động qua lại tạo ra năng lượng nhiệt. Nhiệt mà chúng ta sử dụng để nấu hoặc hâm nóng thực phẩm sẽ phá vỡ các chất dinh dưỡng ở mức độ tế bào, vì vậy nấu thức ăn ở nhiệt độ thích hợp trong một khoảng thời gian vừa đủ là chìa khóa để bảo quản các chất dinh dưỡng có trong thực phẩm.
Nấu thức ăn quá nóng hoặc hâm nóng quá lâu, một số thực phẩm nhất định có thể bị phá vỡ và loại bỏ các chất dinh dưỡng cần thiết như vitamin, chất chống oxy hoá cũng như một số chất có lợi khác.
Lò vi sóng có thể là tác nhân gây nên bệnh ung thư.
Cũng theo nghiên cứu của giáo sư này, việc sử dụng lò vi sóng để hâm nóng hay làm chín thức ăn đều tạo ra khả năng gây ung thư. Điều này xuất phát từ rò rỉ phóng xạ hoặc các bao bì nhựa đựng thức ăn khi bị nhiệt đun nóng có thể chảy và rò rỉ chất gây ung thư.
“Lò vi sóng có thể gây rò rỉ các tia phóng xạ. Sản phẩm nào cũng có mạng lưới kim loại để ngăn chặn việc đó xảy ra. Tuy nhiên, khi tiến hành nghiên cứu một số sản phẩm mẫu của các thương hiệu nổi tiếng, kết quả cho thấy chúng đều có khả năng rò rỉ tia phóng xạ”, giáo sư Madga Havas cho hay.
Một số nghiên cứu khoa học cũng đã chứng minh thức ăn được nấu, hâm nóng từ lò vi sóng sẽ chứa một số chất có hại. BPA, BPA, polyethylene terephthalate (PET), benzene, toluene, và xylene là những chất được sinh ra trong quá trình thức ăn được hâm nóng, nấu trong lò vi sóng và chúng đều có khả năng làm gia tăng nguy cơ bị ung thư trên cơ thể người.
Trong quá trình kiểm chứng tác hại của lò vi sóng, nhiều nhà khoa học cũng đã từng tranh cãi về trường hợp một nhóm các hợp chất được gọi là các HCOs dị vòng (HCAs) và Hydrocarbon thơm đa vòng (PAH), thường được tìm thấy trong các loại thịt như thịt gia cầm hoặc cá đã được nấu chín ở nhiệt độ cao. HCA và PAHs đã được chứng minh là gây ra sự thay đổi DNA, có thể làm tăng nguy cơ ung thư. Thêm vào đó, khi nướng thực phẩm, nồng độ các chất này cao hơn.
Một vấn đề nghiêm trọng được các nhà khoa học phát hiện ra là việc lò vi sóng có khả năng gây đục thủy tinh thể. Mặc dù đôi lúc giữa các nhà khoa học có nhiều tranh cãi về lợi ích và tác hại của lò vi sóng. Tuy nhiên, với nhận định lò vi sóng gây hại đến thủy tinh thể thì tất cả đều tán thành.
“Nếu bạn đứng trước cửa lò vi sóng và nhìn thức ăn xoay đều trong một khoảng thời gian lặp lại, bạn có thể bị đục thủy tinh thể”, giáo sư Havas nói.
Cũng trong một nghiên cứu của mình, giáo sư Havas đã tìm ra một bằng chứng thuyết phục cho rằng lò vi sóng sẽ làm thay đổi nhịp tim của người sử dụng. Nhà khoa học này đã đo nhịp tim của những người sử dụng lò vi sóng, và tất cả những người đó đều có nhịp tim thay đổi khi lò được bật.
Cơ quan Quản lí Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã ban hành quy định sản xuất lò vi sóng an toàn kể từ năm 1971. Đồng thời đưa ra khuyến cáo cho người dân sử dụng lò vi sóng một cách an toàn như sau:
– Đọc kĩ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất.
– Sử dụng các vật dụng an toàn khi cho vào lò vi sóng.
– Không sử dụng lò vi sóng khi cửa không đóng chặt, cong, vênh.
– Không sử dụng lò vi sóng vẫn chạy khi mở cửa.
– Không đứng sát ngay lò vi sóng đang sử dụng.
– Không để trẻ em sử dụng lò vi sóng.
– Không đun nấu chất lỏng quá lâu trong lò vi sóng.
– Không vận hành lò vi sóng khi không có thức ăn.
– Thường xuyên vệ sinh lò vi sóng.
– Không dùng vật liệu gây mòn để cọ rửa lò vi sóng.
Theo Daily Mail, Theweeklychallenger, Vietq (20/12/2018)