21 C
Hanoi
Thứ năm, Tháng mười hai 26, 2024
More
    HomeTiêu dùng bền vữngCảnh báo nguy hiểm từ tình trạng kháng thuốc gia tăng

    Cảnh báo nguy hiểm từ tình trạng kháng thuốc gia tăng

    Date:

    Related stories

    Tỷ lệ kháng kháng sinh ở Việt Nam chiếm 40%, đứng thứ 4 về tỉ lệ kháng thuốc ở các nước tại châu Á – Thái Bình Dương.

    Theo Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, vấn đề kháng kháng sinh đang là thách thức rất lớn cho loài người và cần phải có hành động kịp thời để làm chậm quá trình kháng kháng sinh trên toàn cầu. Tổ chức Y tế thế giới ước tính và cảnh báo đến năm 2050, tình trạng kháng thuốc có thể là nguyên nhân gây tử vong cho 10 triệu người trên toàn cầu mỗi năm. Còn tại Việt Nam, tỷ lệ kháng kháng sinh chiếm khoảng 40%, đứng thứ 4 về tỷ lệ kháng thuốc ở các nước tại châu Á – Thái Bình Dương.

    Lý giải về tình trạng kháng thuốc tại Việt Nam, Tiến sỹ Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho rằng, việc mua bán, sử dụng thuốc không có hóa đơn diễn ra phổ biến là nguyên nhân chính. Nghiên cứu cho thấy có khoảng 88% người dân sử dụng thuốc không kê đơn. Điều này dẫn đến việc sử dụng thuốc kháng sinh không cần thiết, lâu ngày gây “nhờn” thuốc. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng bác sỹ kê đơn thuốc không hợp lý; vi khuẩn kháng thuốc lây truyền từ người này sang người khác trong các cơ sở khám chữa bệnh; vi khuẩn kháng thuốc cũng lây truyền từ vật nuôi qua người do sử dụng thuốc kháng sinh tùy tiện…

    Đồng tình với quan điểm này, dược sỹ Huỳnh Phương Thảo, Trưởng Khoa Dược, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh nhìn nhận, hiện nay ở Việt Nam có khoảng 50% thuốc sử dụng cho người là kháng sinh nhưng phần lớn được bán tại nhà thuốc. Việc buôn bán kháng sinh tùy tiện tại các nhà thuốc, bác sỹ phòng mạch tự kê kháng sinh bừa bãi đã trở thành tình trạng nhức nhối chưa thể kiểm soát nhiều năm qua.

    Thậm chí, ngay cả trong các cơ sở y tế vẫn có khoảng 1/3 bệnh nhân nội trú dùng kháng sinh thiếu chỉ định hợp lý. Nghiên cứu tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, tỷ lệ kháng thuốc đang ở mức từ 30-40% và xuất hiện một vài trường hợp kháng cả Colistin – kháng sinh thế hệ mới nhất hiện nay.


    Ảnh minh họa

    Ngoài ra, một trong những nguyên nhân gây kháng thuốc trên người nhưng ít được nhiều người chú ý, đó là tình trạng sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Ngô Thị Hoa, Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (Oucru) tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ban đầu kháng sinh được khuyến khích sử dụng trong chăn nuôi nhằm nâng cao năng suất, phòng bệnh, giúp tăng sản lượng thực phẩm. Tuy nhiên, về sau này, tồn dư kháng sinh trong chăn nuôi cũng chính là 1 trong 10 nguyên nhân gây nên tình trạng kháng thuốc ở con người. Con người phơi nhiễm kháng kháng sinh trong nông nghiệp từ 3 con đường, đó là tiếp xúc trực tiếp với vật nuôi sử dụng kháng sinh; chất thải vật nuôi sử dụng kháng sinh thải ra môi trường và từ con đường sử dụng thực phẩm từ vật nuôi được sử dụng kháng sinh như ăn thịt, trứng, sữa…

    Trước đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng cảnh báo tình trạng kháng thuốc kháng sinh ngày càng gia tăng nguy hiểm như đại dịch COVID-19 và có nguy cơ đảo ngược những tiến bộ y học trong một thế kỷ.

    Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã coi tình trạng kháng thuốc kháng sinh là “một trong những mối đe dọa y học lớn nhất trong thời đại của chúng ta”. Phát biểu tại cuộc họp báo trực tuyến, ông nhấn mạnh vấn đề này có thể không cấp bách như đại dịch COVID-19 nhưng cũng nguy hiểm không kém. Ông cho rằng tình trạng này có nguy cơ làm thụt lùi tiến bộ y học, khiến thế giới trở lại thời kỳ y học cách đây một thế kỷ và khiến loài người không còn khả năng tự bảo vệ trước các bệnh nhiễm trùng mà ngày nay có thể dễ dàng chữa trị.

    WHO cũng cho rằng tình trạng kháng thuốc kháng sinh đang đe dọa an ninh lương thực, phát triển kinh tế và khả năng chống chọi với bệnh tật của thế giới. Kháng thuốc xảy ra khi các loại vi sinh vật như vi khuẩn, virus, nấm hoặc ký sinh trùng trở nên miễn dịch với các loại thuốc điều trị bệnh do chúng gây ra hiện nay, như thuốc kháng sinh, thuốc chống virus, thuốc chống nấm – các bệnh gây ra những vết thương nhỏ và nhiễm trùng thông thường nhưng lại có nguy cơ gây tử vong. Tình trạng kháng thuốc đang ngày càng gia tăng trong những năm gần đây do sử dụng quá nhiều loại thuốc trên ở người hoặc trong chăn nuôi.

    Liên đoàn Quốc tế các nhà sản xuất và hiệp hội dược phẩm (IFPMA) cho biết khoảng 700.000 người tử vong mỗi năm trên toàn cầu vì kháng thuốc kháng sinh. Theo IFPMA, con số này có thể tăng lên đến 10 triệu người vào năm 2050 nếu thế giới không hành động mạnh mẽ để đảm bảo sử dụng phù hợp các loại thuốc kháng sinh hiện nay, cũng như tìm ra các phương pháp điều trị mới và hiệu quả hơn.

    Trong khi số lượng chủng virus kháng thuốc ngày càng phát triển thì việc tìm ra kháng sinh mới lại đang có chiều hướng ngược lại. Nếu như năm 1980 có 19 kháng sinh mới được tìm ra thì năm 2010 chỉ tìm ra thêm 6 kháng sinh mới. Đáng chú ý, các kháng sinh mới ra đời sau này đa số đều nâng cấp từ kháng sinh đã được tìm ra trước đó. Nếu như trước đây vòng đời kháng sinh thường kéo dài nhiều thập niên thì nay đã bị rút ngắn. Cứ một kháng sinh mới ra đời sẽ bị kháng thuốc sau khoảng 5 năm.

    Các chuyên gia cảnh báo, trong tương lai con người có thể đối mặt với khả năng không có thuốc để điều trị hiệu quả các bệnh truyền nhiễm nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời. Do đó, cần phải có giải pháp cấp bách làm chậm lại quá trình kháng thuốc hiện nay để giúp nhân loại tránh khỏi nguy cơ quay lại thời kỳ chưa có kháng sinh.

    Bảo Linh (T/h)
    http://vietq.vn/canh-bao-nguy-hiem-tu-tinh-trang-khang-thuoc-gia-tang-d180944.html

    Subscribe

    - Never miss a story with notifications

    - Gain full access to our premium content

    - Browse free from up to 5 devices at once

    Latest stories

    spot_img