Các nhà khoa học vừa phát hiện sự tồn tại của các hạt vi nhựa trong nhau thai (nơi cung cấp ô xy, dinh dưỡng và loại bỏ chất thải cho thai nhi) của sản phụ.
Được biết, đây là lần đầu tiên các nhà khoa học phát hiện hạt vi nhựa trong nhau thai sản phụ sau khi sinh. Và để đi tới kết luận trên, các nhà khoa học Ý đã phân tích nhau thai của 6 phụ nữ hiến tặng.
Trong 4/6 mẫu nhau thai, họ phát hiện có 12 mảnh vi nhựa. Tuy nhiên, vì mẫu xét nghiệm chỉ chiếm 4% diện tích nhau thai nên nhóm nghiên cứu cho rằng lượng vi nhựa thực tế còn cao hơn gấp nhiều lần. Mặc dù những sản phụ có hạt vi nhựa trong nhau thai không gặp vấn đề gì trong quá trình mang thai. Tuy nhiên, các nhà khoa học lo ngại hạt vi nhựa có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.
“Khi lần đầu tiên phát hiện có hạt vi nhựa trong nhau thai, tôi đã rất ngạc nhiên. Nếu bạn tìm thấy thứ gì đó trong nhau thai thì tức là thứ đó có trong thai nhi”, Tiến sĩ Antonio Ragusa, Giám đốc bệnh viện phụ sản Uoc Obstetrics and Gynaecology Fatebenefratelli ở Rome (Ý) cho biết.
Theo các nhà khoa học, các hạt vi nhựa đã được phát hiện có kích thước vào khoảng 0,01 mm, đủ nhỏ để lẫn vào mạch máu người. Nhóm nghiên cứu hiện nghi ngờ số hạt vi nhựa này đã xâm nhập vào cơ thể các bé sơ sinh. Kết quả phân tích cho thấy số vi nhựa nói trên có nguồn gốc từ các sản phẩm nhựa như bao bì, sơn, mỹ phẩm, dầu gội hoặc xà phòng.
Trước đó, vào năm 2019, một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Môi trường về số lượng hạt vi nhựa trong cá, động vật có vỏ, đường, muối, bia, nước cũng như trong không khí ở các thành phố đã cho thấy một kết quả đáng kinh ngạc.
Cụ thể, theo ước tính của các nhà khoa học, một người lớn có thể sẽ ăn phải khoảng 50.000 hạt vi nhựa mỗi năm và trẻ em ăn khoảng 40.000 hạt này. Một số dữ liệu khác cho thấy, nước đóng chai chứa hạt vi nhựa gấp 22 lần so với nước máy trung bình. Một người chỉ uống nước đóng chai sẽ tiêu thụ 130.000 hạt vi nhựa mỗi năm từ nguồn đó so với chỉ 4.000 hạt từ nước máy.
Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới chỉ ra rằng, dù chưa có bằng chứng nào về ảnh hưởng của các vi hạt nhựa đối với sức khoẻ con người nhưng các nhà khoa học khẳng định vi hạt nhựa ẩn chứa các nguy cơ gây hại cho sức khỏe.
“Chúng tôi sẽ làm việc nghiêm túc hơn với những bằng chứng đang có hiện nay để thiết lập một chương trình nghiên cứu để đưa ra một bản đánh giá rủi ro toàn diện hơn”, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới nhấn mạnh.
Theo một nghiên cứu khác của Viện 5 Gyres (Mỹ) ước tính hiện có 5,25 ngàn tỷ hạt nhựa có mặt ở biển. Nguồn chất thải này rộng khắp, bao gồm lưới đánh cá, đồ đựng thức ăn, nước giải khát, vật dụng chăm sóc cá nhân, mỹ phẩm, ống hút, túi xách… Ô nhiễm nhựa ảnh hưởng tới ít nhất 700 loài sinh vật biển; ít nhất 100 triệu động vật có vú biển chết mỗi năm.
Rác phân hủy trở thành những hạt vi nhựa thường có kích cỡ rất nhỏ, không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Khi động vật biển nuốt vào các mảnh vi nhựa, chất độc sẽ di chuyển vào cơ thể của chúng, tích tụ qua các tầng thức ăn khi cá lớn ăn cá nhỏ và cuối cùng “hạ cánh” trên đĩa thức ăn ngon lành của con người.
Bảo Linh
http://vietq.vn/canh-bao-nguy-hiem-tim-thay-hat-vi-nhua-trong-nhau-thai-cua-san-phu-d182110.html