Truyền dịch là truyền dung dịch chứa chất có lợi và thuốc vào tĩnh mạch cơ thể bệnh nhân. Đây là quy trình kỹ thuật điều dưỡng thường sử dụng trong điều trị, chăm sóc bệnh nhân. Tuy nhiên không phải lúc nào cũng có thể truyền và đặc biệt là không được lạm dụng.

Truyền đạm là truyền các chất có lợi vào cơ thể để hỗ trợ điều trị bệnh hoặc phục hồi sức khỏe. Dịch truyền là các dung dịch hòa tan gồm nhiều chất khác nhau, có thể tiêm chậm hoặc truyền trực tiếp vào tĩnh mạch của người bệnh. Phần lớn dung môi sử dụng trong dịch truyền là nước cất. Ngoài ra, người ta còn có thể sử dụng một số loại dung môi khác để hòa tan dược chất. Truyền đạm chủ yếu dành cho người bị suy kiệt hoặc mắc một số vấn đề về sức khỏe.

Hiện, có trên 20 loại dịch truyền được chia thành 3 nhóm cơ bản là:

Nhóm cung cấp dưỡng chất cho cơ thể (glucose các loại 5%, 10%, 20%, 30% và các dung dịch chứa vitamin, chất đạm, chất béo). Nhóm này được sử dụng truyền đạm cho người suy nhược cơ thể, những đối tượng phẫu thuật, suy dinh dưỡng, không thể ăn được bằng đường miệng, hoặc không tiêu hóa được thức ăn,…

Nhóm cung cấp nước và các chất điện giải (dung dịch natri clorua 0.9%, lactate ringer, bicarbonate natri 1.4%,…) dùng cho bệnh nhân bị mất nước, mất máu khi bị tiêu chảy, ói mửa, bỏng, ngộ độc.

Nhóm đặc biệt (huyết tương tươi, dung dịch dextran, dung dịch chứa albumin, haes-steril, gelofusine, dung dịch cao phân tử,…) dùng trong các trường hợp bệnh nhân cần bù nhanh chất albumin hay lượng dịch tuần hoàn trong cơ thể.

Theo các chuyên gia, từng nhóm dịch truyền sẽ phù hợp với từng đối tượng khác nhau. Để tránh không xảy ra tai biến thì trước khi truyền đạm bệnh nhân cần được bác sĩ khám, xét nghiệm và kê toa phù hợp.


Ảnh minh họa

Kỹ thuật truyền dịch khá đơn giản nhưng nếu thực hiện không đúng chỉ định thì dễ xảy ra những tai biến sốc phản vệ do tốc độ truyền quá nhanh, cơ địa bệnh nhân dị ứng với thành phần trong dịch truyền. Do truyền dịch đưa vào cơ thể một số lượng nước lớn và trực tiếp với tốc độ nhanh nên có thể gây rối loạn về chuyển hóa, gây các hiện tượng phù…

Dịch truyền có thể gây phản ứng toàn thân khi cơ thể không “chịu” như hiện tượng sốt run hoặc gây sốc dịch truyền rất nguy hiểm. Một số bệnh viện đã ghi nhận các bệnh nhân sốc phản vệ tử vong do tự ý truyền dịch tại nhà, tại các phòng khám tư nhân… Khi tự ý truyền dịch tại nhà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm các bệnh như: Viêm gan B, viêm gan C, HIV/AIDS… nếu kỹ thuật truyền không đúng, không đảm bảo vô trùng. Nhiễm trùng máu cũng là một tai biến nguy hiểm có thể dẫn tới tử vong, nếu không được điều trị kịp thời.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Quang Minh, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Medlatec chia sẻ: “Việc tự ý truyền đạm tại nhà là thói quen rất nguy hiểm, thậm chí phải trả giá bằng tính mạng”.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Quang Minh khuyến cáo, việc tiêm, truyền các loại dịch, trong đó có đạm vào cơ thể nhất thiết phải có chỉ định của bác sĩ. Trường hợp bắt buộc phải truyền, bác sĩ sẽ tính toán kỹ lưỡng lượng truyền bao nhiêu, thời gian chảy giọt truyền thích hợp. Việc tự ý truyền dịch mà không có ý kiến của bác sĩ, hoặc truyền sai cách sẽ có nguy cơ xảy ra tai biến rất cao như đau sưng nơi vùng đang truyền dịch, viêm tĩnh mạch, dị ứng gây khó thở, đau ngực, sốc phản vệ, tử vong.

Sốc phản vệ là tình trạng y khoa vô cùng nghiêm trọng, có thể gây ra tình trạng tắc đường thở, khiến người bệnh không thở được. Đây cũng là yếu tố khiến tim có thể ngừng đập do huyết áp giảm khiến tim không nhận đủ oxy. Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Quang Minh cho biết, các nghiên cứu lâm sàng và thực nghiệm đã chỉ ra rằng các chất trung gian gây viêm trong phản vệ có thể gây ra tổn thương động mạch vành và cơ tim, đồng thời gây ra hàng loạt các hệ lụy cho sức khỏe tim mạch như sốc tim (tim không bơm đủ máu cho cơ thể); loạn nhịp tim (nhịp tim quá nhanh, hoặc quá chậm); nhồi máu cơ tim; viêm cơ tim; suy tim; trụy tim.

Khánh Mai (t/h)
https://vietq.vn/canh-bao-nguoi-dan-khong-nen-tu-y-truyen-dich-tai-nha-d221529.html