Nhà chức trách Trung Quốc vừa đưa ra cảnh báo, đồ uống có đường gây ra hàng chục nghìn ca tử vong mỗi năm.

Trung Quốc thí điểm hệ thống cảnh báo tác hại của việc nạp quá nhiều đường

Nhà chức trách Trung Quốc nhận định đồ uống có đường gây ra hàng chục nghìn ca tử vong mỗi năm và phát động chiến dịch cảnh báo về tác động của nó với sức khỏe.

Theo khảo sát gần đây trên 15,8 triệu người trưởng thành Trung Quốc, 34,8% bị thừa cân và 14,1% béo phì. Chính quyền Thượng Hải đã thí điểm hệ thống cảnh báo tác hại của việc nạp quá nhiều đường với sức khỏe.

Trong hai tuần qua, 159 cửa hàng bán lẻ trên khắp thành phố, bao gồm siêu thị và cửa hàng tiện lợi bắt đầu treo các tấm bảng màu sắc trên kệ đồ uống. Dù không công khai lượng đường cụ thể trong mỗi mặt hàng, bảng cung cấp thông tin về từng loại đồ uống khác nhau. Bảng xanh lá cây nhắc nhở khách hàng đọc thông tin về nhãn dinh dưỡng trước khi mua sắm; bảng màu cam cảnh báo hạn chế lượng đường nạp vào cơ thể; bảng màu đỏ nêu ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của nước ngọt.


Nhiều nguy cơ cho sức khỏe nếu tiêu thụ nhiều đồ uống có đường. Ảnh minh họa

Hệ thống do Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh (CDC) Thượng Hải giới thiệu từ giữa tháng 8. Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu giảm tiêu thụ đường của một người dân từ 30 gram mỗi ngày xuống không quá 25 gram một ngày vào năm 2030.

Theo Ma Feifei, Phó giám đốc văn phòng quận Gia Định, nhà chức trách sẽ theo dõi thay đổi trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng trong suốt thời gian thử nghiệm để giúp ra các chính sách giảm đường trong tương lai. Một nhân viên siêu thị ở Gia Định chia sẻ với truyền thông rằng họ sẽ gợi ý các đồ uống ít đường cho khách hàng sau khi tìm hiểu lịch sử bệnh tiểu đường của họ.

Sau khi Singapore công bố hệ thống phân loại dinh dưỡng nghiêm ngặt vào tháng 12/2022, đã có những lời kêu gọi Trung Quốc có động thái tương tự. Theo dữ liệu của CDC Trung Quốc từ năm 2019, nước này ghi nhận 46.663 ca tử vong liên quan đến đồ uống có đường, tăng gần gấp đôi con số năm 1990.

Trước đó, theo kết quả nghiên cứu mới của Harvard được công bố trên tạp chí The BMJ, việc tiêu thụ các loại đồ uống như cà phê, trà, sữa bò ít béo và nước lọc có liên quan đến việc giảm nguy cơ tử vong sớm.

Đối với nghiên cứu mới nhất, các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu sức khỏe trung bình trong 18,5 năm dữ liệu sức khỏe của 9.252 phụ nữ và 3.519 nam giới, tất cả đều được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường loại 2 lúc ban đầu hoặc tại một số thời điểm trong quá trình nghiên cứu.

Hai đến bốn năm một lần, các nhà nghiên cứu thu thập thông tin về tần suất những người tham gia tiêu thụ đồ uống có đường, bao gồm soda, nước ép trái cây và nước chanh, đồ uống có đường nhân tạo, nước ép trái cây, cà phê, trà, sữa bò ít béo, sữa bò nguyên kem và nước lọc thông thường.

Những người tham gia mắc bệnh tiểu đường loại 2 thường xuyên uống đồ uống có đường như soda hoặc nước chanh có nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tử vong sớm hoặc cả hai cao hơn so với những người thường xuyên uống đồ uống lành mạnh hơn, bao gồm cà phê, trà, sữa ít béo và nước lọc thông thường.

Mỗi khẩu phần đồ uống có đường bổ sung hàng ngày có liên quan đến tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân cao hơn 8% ở những người mắc bệnh tiểu đường loại 2.

Mặt khác, nguy cơ mắc bệnh tim và tử vong do bệnh tim hoặc bất kỳ nguyên nhân nào đều giảm ở những người thường xuyên uống bất kỳ loại đồ uống lành mạnh nào được đề cập ở trên. Thay thế một khẩu phần đồ uống có đường hàng ngày bằng một loại đồ uống lành mạnh hơn có liên quan đến nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân thấp hơn tới 18% và nguy cơ tử vong do bệnh tim thấp hơn tới 24%.

Tác giả chính của nghiên cứu – Tiến sĩ Qi Sun tại Khoa Dinh dưỡng và dịch tễ học, Trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan ở Boston, khuyên rằng: “Những người mắc bệnh tiểu đường nên kén chọn loại đồ uống họ uống để giữ cho cơ thể đủ nước. Chuyển từ đồ uống có đường sang đồ uống lành mạnh hơn sẽ mang lại lợi ích cho sức khỏe”.

Các sản phẩm nước ngọt cần đạt QCVN trước khi lưu thông trên thị trường

Hiện nay, trên thị trường có hàng trăm loại đồ uống không cồn, bao gồm nước trái cây; đồ uống từ ngũ cốc, đậu đỗ; đồ uống từ sản phẩm sữa và nước giải khát, bao gồm đồ uống hương liệu (kể cả nước uống tăng lực, nước uống thể thao, nước uống điện giải và các đồ uống đặc biệt khác), nước giải khát có chứa cà phê, nước giải khát có chứa chè, đồ uống thảo mộc, nước giải khát có chứa nước trái cây… Các nhóm nước uống nêu trên có thành phần nguyên liệu khác nhau, đặc trưng và tính chất của sản phẩm khác nhau, do đó dẫn đến những đặc thù về chất lượng và an toàn thực phẩm khác nhau.

Trên thế giới, các quốc gia cũng xây dựng tiêu chuẩn cho các loại đồ uống không cồn khác nhau. Ví dụ: Australia và New Zealand có tiêu chuẩn riêng cho nước giải khát như nước uống tăng lực, nước uống thể thao, nước uống điện giải; Trung Quốc có tiêu chuẩn riêng cho nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên, nước quả và các loại nước giải khát như nước uống tăng lực, nước uống thể thao, nước uống điện giải, nước uống chứa nước quả, nước uống chứa chè, nước uống chứa cà phê…

Tuy nhiên, các sản phẩm đồ uống không cồn là nhóm đối tượng quy chuẩn tương đồng, vì vậy trong hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của Việt Nam hiện nay chỉ có QCVN 6-2:2010/BYT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm đồ uống không cồn, quy định chỉ tiêu an toàn thực phẩm (kim loại nặng; độc tố vi nấm; dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; vi sinh vật) và các yêu cầu quản lý đối với đồ uống không cồn, bao gồm nước rau quả, nectar rau quả và đồ uống pha chế sẵn không cồn (nước giải khát). QCVN 6-2:2010/BYT chỉ quy định các nội dung về an toàn thực phẩm, không quy định các chỉ tiêu chất lượng của sản phẩm.

Quy chuẩn này quy định các chỉ tiêu an toàn thực phẩm và các yêu cầu quản lý đối với đồ uống không cồn, bao gồm nước rau quả, nectar rau quả và đồ uống pha chế sẵn không cồn. Nước sử dụng để chế biến đồ uống không cồn phải đáp ứng các yêu cầu theo QCVN 01:2009/BYT về chất lượng nước ăn uống được ban hành kèm theo Thông tư số 04/2009/TTBYT ngày 17/6/2009 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Các sản phẩm đồ uống không cồn nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh trong nước phải được công bố hợp quy phù hợp quy định tại Quy chuẩn này. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu, sản xuất các sản phẩm đồ uống không cồn phải công bố hợp quy phù hợp quy định kỹ thuật tại Quy chuẩn này, đăng ký bản công bố hợp quy tại cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo phân cấp của Bộ Y tế và bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn theo đúng nội dung đã công bố.

An Dương (T/h)
https://vietq.vn/canh-bao-do-uong-co-duong-gay-ra-hang-chuc-nghin-ca-tu-vong-moi-nams4-d213793.html