Cục An toàn Thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) vừa có cảnh báo về làm giả căn cước công dân (CCCD) và chiêu trò lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng của các đối tượng xấu.
Lợi dụng việc nhiều người đang có nhu cầu làm giả CCCD với ý đồ xấu hoặc hành vi vi phạm pháp luật khác, như làm giả giấy tờ trong các giao dịch dân sự (vay tiền ngân hàng, mua bán phương tiện, bất động sản…), lập các tài khoản ngân hàng phục vụ mục đích lừa đảo. Các đối tượng tạo lập các trang mạng xã hội giả mạo, đăng tải bài viết quảng cáo với nội dung quảng cáo dịch vụ nhận “nhận làm căn cước công dân giả” hoặc “làm căn cước công dân gắn chip giả phôi chuẩn 2023″. Tiếp đó, yêu cầu nạn nhân chuyển khoản đặt cọc, sau đó chiếm đoạt và chặn mọi liên lạc.
Mục đích chính của các đối tượng là tìm kiếm nạn nhân cung cấp thông tin CCCD thật để áp dụng kỹ thuật như: ghép ảnh chân dung, sử dụng công nghệ in, gắn miếng kim loại… làm giả CCCD để đăng ký mở tài khoản ngân hàng trực tuyến nhằm thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt khác hoặc thực hiện hành vi chiếm quyền điều khiển và khai thác dữ liệu cá nhân của nạn nhân từ hình thức trên.
Trong thời gian qua, Công an các địa phương đã phát hiện nhiều vụ sử dụng CCCD giả để rửa tiền, tài trợ khủng bố, trốn truy nã, mở tài khoản ngân hàng online để lập tài khoản đánh bạc trực tuyến với số tiền giao dịch rất lớn. Gần đây nhất, đầu tháng 9/2023, Công an tỉnh Đồng Tháp đã phải đưa ra cảnh báo thủ đoạn “nhận làm thẻ căn cước công dân giả” trên mạng xã hội vì xuất hiện nhiều đối tượng lừa đảo, trục lợi từ những người tiêu dùng nhẹ dạ cả tin.
Cơ quan chức năng khẳng định đây là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, làm gia tăng nguy cơ phát sinh tội phạm, nhất là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền, đánh bạc, tổ chức đánh bạc… ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình an ninh, trật tự tại địa phương.
Một trong những nguyên nhân khiến “chợ” giao dịch online làm giả căn cước công dân gắn chíp hoạt động sôi động chính là tình trạng lộ lọt bí mật thông tin cá nhân. Hiện nay theo báo cáo của Bộ Công an thông tin cá nhân của 2/3 dân số nước ta (tức là trên 65 triệu người) đang được lưu trữ, đăng tải, chia sẻ và thu thập trên không gian mạng với nhiều hình thức, mức độ khác nhau. Nhiều vụ lộ lọt với mức độ đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra khi hàng triệu dữ liệu cá nhân bị đánh cắp, bị mua bán trên mạng. Nhiều người dân do nhận thức nên vô tình công khai căn cước công ndân trên mạng, hoặc bị mất cắp, thất lạc cũng không báo cơ quan chức năng do không lường hết hậu quả. Các đối tượng sẽ dùng chính số căn cước công dân thật này để làm căn cước công dân giả để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.
Để phòng ngừa, ngăn chặn, giảm thiểu nguy cơ lộ, mất thông tin cá nhân trên CCCD, không để các đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần có những biện pháp bảo mật đối với những thông tin cá nhân quan trọng. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân trên CCCD, số tài khoản ngân hàng hoặc mật khẩu; không chia sẻ hình ảnh CCCD lên mạng xã hội hay dưới bất kỳ hình thức nào.
Nếu người dân sử dụng những thiết bị thông minh có lưu trữ hình ảnh, thông tin cá nhân, hết sức lưu ý khi cài đặt các ứng dụng trên mạng, chỉ tải từ nguồn chính thống trên App Store (hệ điều hành iOS) và CH Play (hệ điều hành Android).
Trước những đe dọa này, sự hợp tác chặt chẽ giữa cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người dân là quan trọng để bảo vệ an ninh thông tin và tài sản cá nhân.
Duy Trinh (t/h)
https://vietq.vn/chieu-tro-lua-dao-chiem-doat-tai-san-doi-voi-nhung-nguoi-lam-gia-cccd-d217436.html