19 C
Hanoi
Thứ năm, Tháng Một 23, 2025
More
    HomeTiêu dùng bền vữngCanada cấm ống hút nhựa, túi nylon vì những tác hại nghiêm...

    Canada cấm ống hút nhựa, túi nylon vì những tác hại nghiêm trọng và lâu dài

    Date:

    Related stories

    Chính phủ Canada đang tìm cách hạn chế rác thải nhựa như ống hút nhựa, que khuấy, dao kéo và hộp đựng thức ăn.

    Từ ngày 20/12 tới đây, việc sản xuất hoặc nhập khẩu hầu hết các túi hoặc ống hút bằng nhựa, cùng với que khuấy, dao kéo và hộp đựng thức ăn mang đi sẽ không còn hợp pháp ở Canada.

    Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, Chính phủ Canada đang tìm cách hạn chế rác thải nhựa vào cuối thập kỷ này khi các cuộc đàm phán về một hiệp ước toàn cầu về ô nhiễm nhựa chính thức bắt đầu trong tuần này tại Uruguay. Canada là một trong gần 30 quốc gia vận động mạnh mẽ cho hiệp ước này nhằm chấm dứt ô nhiễm rác thải nhựa toàn cầu vào năm 2040.

    Bộ trưởng Môi trường Canada Steven Guilbeault cho biết mỗi năm trên thế giới có khoảng 22 triệu tấn rác nhựa thải ra môi trường, bao gồm cả ở hồ, sông và đại dương.

    Tại Canada, khoảng 29.000 tấn rác nhựa, chủ yếu là bao bì, thải ra môi trường mỗi năm. Khoảng 3,3 triệu tấn rác nhựa khác được đem đi chôn lấp. Chưa đến 10% lượng nhựa mà người Canada thải ra thực sự được tái chế.


    Canada cấm ống hút nhựa từ tháng 12 này vì những tác hại của chúng tới sức khỏe con người. Ảnh: Reuters

    Trong nỗ lực cắt giảm tất cả rác thải nhựa, Thủ tướng Justin Trudeau đã cam kết rằng một số sản phẩm nhựa sử dụng một lần sẽ bị cấm vào năm 2021. Tuy nhiên, Chính phủ Canada đã mất thêm 1 năm so với dự kiến để tìm ra những mặt hàng nào cần cấm và cách thức cấm. Các quy định cuối cùng đã được công bố vào tháng 6 vừa qua.

    Theo đó, kể từ ngày 20/12, việc sản xuất hoặc nhập khẩu hầu hết các túi hoặc ống hút bằng nhựa, cùng với que khuấy, dao kéo và hộp đựng thức ăn mang đi sẽ không còn hợp pháp ở Canada. Một năm sau, việc bán những mặt hàng trên cũng sẽ bị cấm.

    Trước lệnh cấm, một số nhà bán lẻ ở Canada đã chủ động loại bỏ các mặt hàng sử dụng một lần. Các cửa hàng tạp hóa như Sobeys đã loại bỏ túi đựng bằng nhựa và nhiều nhà hàng thay thế ống hút nhựa bằng phiên bản giấy.

    Một cuộc khảo sát của Cơ quan Thống kê Canada (StatCan) đối với các hộ gia đình được thực hiện 2 năm một lần cho thấy từ năm 2019-2021, số người thường xuyên sử dụng ống hút nhựa đã giảm nhẹ và số người thường xuyên nhớ mang theo túi tái sử dụng khi đi mua sắm đã tăng lên.

    Vào năm 2019, có 23% người dân Canada cho biết họ sử dụng ít nhất một ống hút nhựa mỗi tuần, con số này đã giảm xuống còn 20% vào 2 năm sau đó. Năm 2021, có 97% người dân Canada đã sử dụng túi hoặc hộp đựng có thể tái sử dụng của riêng họ khi đi mua hàng tạp hóa, chỉ tăng nhẹ so với mức 96% vào năm 2019.

    Canada đang trong quá trình tham vấn để đưa ra các tiêu chuẩn quốc gia về các sản phẩm nhựa nhằm giúp việc tái chế chúng trở nên dễ dàng hơn.

    Dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) về chất thải rắn đô thị cho thấy trung bình mỗi người Canada thải ra 706 kg rác/năm. Xét về chất thải công nghiệp, điện tử và kinh doanh, Canada đứng đầu thế giới với hơn 36 tấn rác mỗi người/năm.

    Liên quan tới loại rác thải này, nhiều nước trên thế giới hiện đã cấm sử dụng loại ống hút nhựa. Tại bang California (Mỹ) từ năm 2019 có hẳn đạo luật cấm các nhà hàng cung cấp ống hút nhựa cho khách, trừ khi có yêu cầu.

    Còn tại Anh, mỗi năm có khoảng 8,5 tỷ chiếc ống hút nhựa bị chôn lấp hoặc trôi ra biển. Vì vậy, năm 2019, chính phủ nước này cũng cấm sử dụng ống hút nhựa, đồng thời kêu gọi các nước trong khối Thịnh vượng chung hưởng ứng lệnh cấm. Hiện chuỗi cửa hàng ăn nhanh McDonald’s đã thay thế toàn bộ ống hút nhựa bằng ống hút giấy.

    Ở Hàn Quốc, chính phủ nước này thông báo sẽ loại bỏ hoàn toàn ống hút và cốc nhựa dùng một lần ở các cửa hàng cà phê cũng như những điểm công cộng vào năm 2027.

    Đài Loan (Trung Quốc) cũng cấm toàn bộ ống hút nhựa tại các cửa hàng thức ăn nhanh vào năm 2019 và cấm hoàn toàn ống hút nhựa, túi nhựa trên cả vùng lãnh thổ vào năm 2030…

    Hiện nay, Việt Nam trở thành một trong những nguồn phát sinh rác thải nhựa lớn trên thế giới. Mỗi ngày Việt Nam có khoảng 500 triệu ống hút nhựa thải ra môi trường. Những mảnh nhựa khi rơi xuống nước và vỡ ra xâm nhập vào chuỗi thức ăn, gây nhiều hệ luỵ cho sức khoẻ con người; có rất nhiều loài sinh vật biển bị thương, thậm chí bị chết vì ống hút nhựa.

    Theo Alphanam Green Foundation – một quỹ hoạt động vì môi trường – ống hút nhựa được sản xuất từ những nguyên liệu rất phức tạp, không chỉ có nhựa phế thải mà đôi khi còn có cả nhựa y tế, nhựa nhập khẩu không rõ nguồn gốc. Những loại nhựa này nếu không được xử lý kỹ dễ gây ra bệnh về khoang miệng cho người sử dụng, thậm chí có nguy cơ mắc bệnh ung thư. Trong khi đó, ống hút nhựa hiện là loại rác thải nhựa phổ biến, xếp thứ 6 trong các loại rác khó phân huỷ, được tiêu thụ nhiều chỉ sau túi nylon. Loại rác thải này cần từ 200 – 500 năm để phân rã và hàng trăm, ngàn năm tiếp theo đó để phân hủy sinh học hoàn toàn.

    Hưởng ứng thông điệp từ Liên Hợp Quốc, cùng chung nỗ lực giảm thiểu chất thải nhựa, Chính phủ Việt Nam đã tham gia tích cực, đề xuất các cơ chế hợp tác toàn cầu và khu vực về giảm rác thải nhựa tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng ở Canada, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN tại Việt Nam năm 2018 và Diễn đàn kinh tế thế giới Davos năm 2019. Việt Nam cũng tiên phong triển khai nhiều chương trình hành động cụ thể nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa và nhận được sự hưởng ứng tích cực của toàn xã hội. Đến nay, nhận thức của người dân, xã hội về các tác hại và giải pháp giảm thiểu việc sử dụng túi nilon, ô nhiễm từ chất thải nhựa đã được nâng cao. Nhiều sáng kiến, hành động chống rác thải nhựa, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ phương thức sản xuất và thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần.

    An Dương (T/h)
    https://vietq.vn/canada-cam-ong-hut-nhua-va-tui-nylon-vi-nhung-tac-hai-nghiem-trong-va-lau-dai-d206125.html

    Subscribe

    - Never miss a story with notifications

    - Gain full access to our premium content

    - Browse free from up to 5 devices at once

    Latest stories

    spot_img