Những ngày gần đây, gạo Séng cù xanh đã trở thành tâm điểm của sự chú ý trên thị trường khi được nhiều người quảng cáo rầm rộ và bán tràn lan trên các trang mạng xã hội. Tuy nhiên, sau khi sử dụng, nhiều người đã thất vọng và nghi ngờ về chất lượng của loại gạo này.

Ở nước ta, gạo Séng cù là một trong những đặc sản nổi tiếng thơm ngon, cơm chín nhanh khi nấu, hạt mềm dẻo. Loại gạo này là niềm tự hào của bà con nông dân các dân tộc Mông, Thái, Dao đỏ, Nùng,… trên vùng đất Tây Bắc.

Thế nhưng, trong thời gian gần đây, trên các sàn thương mại điện tử hay các trang mạng xã hội Facebook, Zalo, sản phẩm gạo “Séng cù xanh” hay còn được giới thiệu là Séng cù non, Séng cù cốm với màu xanh lạ mắt được rao bán tràn lan. Một số đầu mối quảng cáo màu xanh của gạo Séng Cù là do bà con thu hoạch lúc lúa mới chỉ vừa cứng hạt (chưa chín vàng). Thế nên, khi xay xát, hạt gạo có màu xanh bắt mắt, cơm nấu chín đảm bảo độ mềm dẻo, thơm ngon.

Như trên trang mạng xã hội Facebook, tài khoản có tên “Lá Yến” – chuyên bán các loại đặc sản vùng miền đã đăng tải thông tin bán sản phẩm gạo “Séng cù xanh” kèm chú thích: “Gạo Séng cù xanh được giới thiệu là loại gạo đặc sản có nguồn gốc từ Mường Khương và Bát Xát. Mai em về gạo Séng cù xanh hạt tròn. Mời các bác ạ”. Ngay sau khi bài viết được đăng tải, nhiều khách hàng đã quan tâm, bình luận: “Gạo nhuộm ra màu này hả em”, “Có ngâm tẩm gì không em? Hay là tự nhiên hoàn toàn”…Bên dưới mỗi bình luận của khách hàng, chủ kênh luôn khẳng định: “Màu gạo nó vậy, không phải nhuộm. Gạo này ăn sẽ thơm mùi lá dứa và dẻo” hay “Màu gạo là tự nhiên hoàn toàn”…

Tương tự, trên sàn thương mại điện tử Shopee, mặt hàng gạo “Séng cù xanh” vẫn đang được quảng cáo, rao bán rầm rộ với những thông tin “tấn công” thẳng vào thị hiếu người tiêu dùng như: “Séng cù xanh được trồng trên núi cao, sản lượng không nhiều và luôn trong tình trạng khan hiếm. Chất lượng tuyệt hảo và khó có vùng nào có được. Séng cù đầu mùa có tác dụng chống táo bón, nhuận tràng, giúp hệ tiêu hóa tốt hơn”.

Tuy nhiên, sự thật về gạo “Séng cù xanh” đã được vén màn vào cuối năm 2023 khi lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Lào Cai đã bắt quả tang một hộ kinh doanh tại thị trấn Mường Khương đang “phù phép” cho gạo Séng cù, thực chất là dùng lá dứa nghiền ra để nhuộm xanh gạo Séng cù. Qua kiểm tra, hộ kinh doanh này không đăng ký hành nghề xay xát, chế biến mà chỉ hành nghề kinh doanh nông sản. Bên cạnh đó, cơ sở đã tự ý xay xát và nhuộm gạo Séng cù không đúng quy định để bán ra thị trường. Lực lượng chức năng đã lập biên bản vi phạm hành chính đồng thời xử phạt 7,5 triệu đồng do vi phạm quy định về đăng ký kinh doanh và yêu cầu hộ kinh doanh ký cam kết không tái phạm hành vi này.


Ảnh minh họa

Theo thống kê của Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Lào Cai, Séng cù là gạo đặc sản đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lí, được canh tác chủ yếu tại 2 địa phương Bát Xát và Mường Khương. Sản lượng Séng cù mỗi năm đạt khoảng 10.000 tấn. Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có hơn 100 cơ sở xay xát, chế biến gạo Séng cù. Gạo Séng cù có hình thái đặc trưng là hạt gạo thuôn dài, bụng tròn, hạt gạo có màu trắng ngà hoặc trắng trong tùy vào hình thức phơi, sấy.

Gạo Séng cù đặc sản nổi tiếng của Mường Khương chỉ có 2 loại. Thứ nhất là loại gạo hạt trong, do bà con xay xát từ lúa được phơi dưới nắng nhẹ, có màu rất đẹp; nhược điểm là không bảo quản được dài ngày. Nhiều gia đình muốn ăn loại gạo này phải đóng gói, hút chân không để trong tủ lạnh. Thứ hai là loại gạo Séng cù hạt màu trắng đục giống như gạo nếp, xay xát từ lúa được phơi nắng già, khi xát ra có thể bảo quản dài ngày.

Theo cơ quan chức năng, hiện chưa có bất cứ cơ sở nào, được cấp chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm với sản phẩm gạo Séng cù xanh. Theo quy định, các sản phẩm trước khi đưa ra ngoài thị trường để lưu thông, thì phải đảm bảo các điều kiện cơ bản về an toàn thực phẩm, quy chuẩn chất lượng phải được công bố…

Ông Phạm Khắc Huy – Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường cho hay, các hành vi giả mạo ngày càng được làm tinh vi và người tiêu dùng khó phân biệt bằng mắt thường nếu không sử dụng các công cụ kiểm tra như app, quét mã QR… hoặc không được trang bị các thông tin nhận diện hàng thật – hàng giả.

Trên thực tế, ở huyện Mường Khương chỉ có loại gạo Séng cù truyền thống màu trắng ngà hoặc trắng đục, không có Séng cù màu xanh, dù là lúa thu hoạch non hay già, phơi đủ nắng hay thiếu nắng. “Tất cả gạo “Séng cù xanh” trên thị trường là do các tư thương đã nhuộm bằng lá cây và có nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm” – lãnh đạo Cục Quản lý thị trường Lào Cai thông tin.

Trước đó, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Lào Cai cũng từng khẳng định, chưa tiếp nhận bất kỳ một bản công bố chất lượng sản phẩm gạo Séng Cù xanh nào của các đơn vị sản xuất. Do vậy, các sản phẩm đang được quảng cáo, rao bán rầm rộ trên thị trường không được cơ quan chức năng của Lào Cai chứng nhận về nguồn gốc chất lượng. Như vậy, việc kinh doanh sản phẩm gạo “Séng cù xanh” là hành vi có dấu hiệu xâm phạm nhãn hiệu hàng hoá đối với nhãn hiệu gạo Séng cù đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Việt Nam.

Khánh Mai (t/h)
https://vietq.vn/can-trong-truoc-khi-su-dung-gao-seng-cu-xanh-duoc-ban-ram-ro-tren-mang-d223013.html