18.3 C
Hanoi
Thứ sáu, Tháng Một 17, 2025
More
    HomeTiêu dùng bền vữngCẩn trọng đối với những loại hoa và cây cảnh có độc...

    Cẩn trọng đối với những loại hoa và cây cảnh có độc khi đặt trong nhà

    Date:

    Related stories

    Một số loại hoa và cây cảnh có độc gây hại đến sức khỏe con người mà người tiêu dùng nên lưu ý khi trồng trong nhà.

    Cây xanh có ý nghĩa rất quan trọng đối với cuộc sống của con người, nhiều loại cây đã được đem vào trồng làm cảnh trong nhà, vừa giúp thanh lọc không khí, vừa trang trí không gian thêm sinh động và mang ý nghĩa phong thủy tốt. Bên cạnh đó, một số cây cảnh lại có độc gây nguy hại đến sức khỏe con người

    Tiến sĩ, bác sĩ Ngô Quang Hải, nguyên Phó giám đốc Trung tâm đào tạo và chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Châm cứu Trung ương, người đã có nhiều năm nghiên cứu về dược học của các loại cây, cho biết một số thực vật để trong nhà có thể gây độc. Trong đó hoa phi yến, được nhiều người miền Bắc mua trồng hoặc cắm trong nhà vào mùa xuân, chứa các alkaloid diterpenois, bao gồm cả methyllycaconitine – độc tính rất cao. Ở một số nước như Ấn Độ, người dân sử dụng hạt cây phi yến làm thuốc diệt côn trùng. Alkaloid delphinine trong hoa phi yến gây ra nôn mửa (nếu ăn một lượng nhỏ), hoặc có thể dẫn đến tử vong nếu ăn nhầm số lượng lớn.


    Cây phi yến. Ảnh minh họa

    Lương y Đa khoa Bùi Đắc Sáng, Viện hàn Lâm khoa học và Công nghệ, cũng nhiều năm nghiên cứu về thực vật, cho biết chất gây độc chủ yếu trong hoa phi yến là alkaloid diterpenois. Chất này ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, khi vào cơ thể với số lượng nhiều có thể gây ngộ độc nặng, thậm chí ảnh hưởng tính mạng. Tất cả loại hoa phi yến cũng như các bộ phận của nó đều độc, trong đó phần độc hại nhất là chồi mọc trong mùa xuân. Cây trở nên ít độc hơn khi chúng trưởng thành vào thời gian tiếp theo. Lượng 2 mg chất alkaloid có thể gây tử vong ở người lớn. Còn trẻ em có thể bị viêm da nghiêm trọng khi chạm vào hoa, hoặc phản ứng ngộ độc nếu ăn. Chó, mèo cũng có thể bị ngộ độc rất nhanh khi ăn phải các bộ phận của phi yến. Dấu hiệu là nôn, tiêu chảy, rát môi, họng, yếu cơ, mạch chậm, suy hô hấp, co giật. Chuyên gia Sáng khuyến cáo cách tốt nhất để ngăn trẻ em hoặc vật nuôi ăn phải hoa là không cắm hoặc trồng chúng trong nhà.

    Không chỉ cây phi yến, dưới đây là một số loại hoa, cây cảnh có độc tính cần cẩn trọng trước khi đặt trong nhà.

    Hoa cẩm tú cầu

    Hoa cẩm tú cầu là loài hoa đẹp và mang nhiều ý nghĩa. Một trong những ý nghĩa của hoa là thể hiện được đúng tình cảm chân và sự cảm thông thấu hiểu, tượng trưng cho sự vĩnh cửu của tình yêu và được xuất phát từ trái tim. Tuy nhiên, lá và củ cây có chất hydragin-cyanogenic glycoside, khi vào cơ thể có thể gây tiêu chảy, ói mửa, thở gấp.

    Hoa đỗ quyên

    Tất cả bộ phận của cây đều có chất độc andromedotoxin và arbutin glucoside. Người bị ngộ độc do loại cây này thường có triệu chứng buồn nôn, chảy nước dãi, ói mửa, uể oải, chóng mặt, khó thở, mất cân bằng. Một lượng 100 đến 225 gram lá đỗ quyên đủ để gây ngộ độc nặng cho trẻ em.

    Hoa thủy tiên

    Loại hoa này hay được bày trí trong nhà vì nhìn khá đẹp, song lại chứa nhiều chất alkaloids rất độc. Khi ăn phải lượng lớn, bệnh nhân sẽ có các triệu chứng như chóng mặt, nôn mửa, lơ mơ hoặc co giật, tiêu chảy. Đặc biệt, rễ cây thủy tiên còn chứa khoảng 0,06% narcissin – là chất độc thay đổi theo độ tuổi của cây. “Nếu ăn phải chúng trước khi cây ra hoa thì sẽ gây giãn đồng tử, khô nước bọt, tim đập nhanh. Còn sau khi cây ra hoa thì lại gây triệu chứng tiết nước bọt, toát mồ hôi, buồn nôn, tiêu chảy”, bác sĩ Hải nói.


    Hoa thủy tiên. Ảnh minh họa

    Cây trúc đào

    Toàn thân trúc đào chứa chất cực độc là oleandrin, neriin. Người dân có thể bị ngộ độc do chạm vào cây hoặc nuốt phải. Dấu hiệu nhẹ là buồn nôn, ói mửa, tiêu chảy, rối loạn nhịp tim; triệu chứng nặng là mất kiểm soát cơ thể, hôn mê. Nếu không xử lý kịp thời sẽ dẫn đến tử vong.

    Ngoài ra, việc phơi khô hoặc nấu chín cũng không làm mất tính độc của loài thực vật này. Không trồng trúc đào ở cạnh nguồn nước (giếng ăn, bể nước…) vì lá, hoa trúc đào rụng xuống có thể gây nhiễm độc nước. Trên thế giới đã ghi nhận nhiều trường hợp bệnh nhi bị ngộ độc do mủ hoa cây trúc đào.

    Cây vạn niên thanh

    Cây vạn thiên thanh không có lợi khi đặt trong nhà. Chất canxi oxalat có trong cây nếu tiếp xúc với các vùng da nhạy cảm sẽ gây kích ứng, khiến bạn có cảm giác bỏng rát, sưng tấy. Nếu nuốt phải chất này vào trong cơ thể, sẽ gây ngộ độc với nhiều triệu chứng như chóng mặt, hoa mắt, đau bụng, buồn nôn.

    Cây thiên điểu

    Hoa và hạt của cây có các chất gây ngộ độc đường ruột. Tiếp xúc hoặc ăn hoa, hạt sẽ khiến buồn nôn, tiêu chảy, chóng mặt, bỏng rát lưỡi và nếu đứng lâu ngửi hoa sẽ gây cảm giác khó chịu.

    Cây chuỗi ngọc

    Trong cây chứa gucosides – là chất rất có hại cho cơ thể. Nếu con người vô tình ăn phải sẽ gây mệt mỏi, tiêu chảy, thậm chí ảnh hưởng hô hấp, gây khó thở, điều tiết nhịp tim khó khăn.

    Xương rồng bát tiên

    Cây xương rồng bát tiên hay còn có tên cây hoa bát tiên, cây hoa mão gai. Cây có đa dạng về giống loài, thân cũng đa dạng màu sắc (xanh, nâu đỏ, tím, …) có nhựa mủ và gai chi chít trên thân. Chính những chiếc gai nhọn này có thể đâm vào tay gây trầy xước nếu không cẩn thận. Đồng thời, nhựa mủ của cây sẽ gây bỏng rát tay khi tiếp xúc. Những người trồng cây cần đeo bao tay kỹ lưỡng và rửa sạch tay nếu lỡ dính phải. Đặc biệt là gia đình có trẻ nhỏ nên tránh trồng cây này.


    Xương rồng bát tiên. Ảnh minh họa

    Hoa tiên ông

    Cây có tên chính thức là dạ lan hương bởi nở vào ban đêm và rất thơm. Một tên gọi khác mà người yêu cây cảnh rất thích là hoa Tiên Ông, được đặt dựa vào đặc điểm rễ trắng muốt như râu của tiên ông. Cây thuộc bộ măng tây. Củ tiên ông có chứa độc tố Alkaloid gây chuột rút, đầy bụng, buồn nôn, tiêu chảy nếu ăn phải.

    Cây hồng môn

    Cây hồng môn thuộc họ Ráy. Theo nghiên cứu của NASA, cây Hồng Môn thuộc top đầu các loài thực vật có thể lọc khí độc formaldehyde, xylene, toluene, và ammoniac khỏi không khí. Cây rất tốt để trồng trong nhà thanh lọc không khí. Đồng thời cũng mang lại nhiều may mắn cho gia chủ. Dù lọc được khí độc nhưng bản thân cây lại là chất độc. Toàn thân cây hồng môn đều có độc tố Calcium oxalate và asparagine. Nếu bình thường thì những chất này không gây ảnh hưởng gì đến chúng ta. Tuy nhiên, nếu trong nhà có trẻ nhỏ hoặc thú cưng thì cần lưu ý khi trồng bởi nếu chúng ăn phải bất kỳ bộ phận nào của cây cũng gây ra bỏng rát họng, dạ dày và ruột. Lá hay hoa nếu nát dính vào da sẽ dễ tạo ban và rộp mụn nước.

    Cây trầu bà

    Cây trầu bà thuộc họ Ráy. Cũng giống như Hồng Môn, cây này cũng là “máy lọc khí độc” thuộc hàng đầu. Đặc biệt cây dễ trồng, dễ chăm sóc, lại mang đến nhiều năng lượng phong thủy tích cực cho căn nhà. Trong thân, lá cây có chứa calcium oxalate. Khi nhai phải lá, có thể bị bỏng rát niêm mạc lưỡi, cổ họng và ruột. Đã từng có trường hợp người ăn phải lá của hai loại cây này bị cứng lưỡi, nghẹn họng, hô hấp khó khăn và không thể nói được. Nặng hơn là sẽ bị ngộ độc gây chết người.

    Cây kim tiền

    Cây kim tiền thường được coi là cây phong thủy số một của các gia đình, nhiều người đặt loại cây này trong nhà để cầu mong may mắn, tài lộc. Tuy nhiên, cần cân nhắc bởi trong thân và lá cây có chứa canxi oxalat, gây nóng rát, bỏng lưỡi, cổ họng nếu ăn phải. Nặng hơn sẽ gây sưng viêm, ngạt thở và xuất huyết dạ dày. Nhựa cây dính lên mắt cũng ảnh hưởng xấu đến thị lực.

    Khánh Mai (t/h)
    https://vietq.vn/Can-trong-tuyet-doi-voi-nhung-loai-hoa-va-cay-canh-co-doc-khi-dat-trong-nha-d207033.html

    Subscribe

    - Never miss a story with notifications

    - Gain full access to our premium content

    - Browse free from up to 5 devices at once

    Latest stories

    spot_img