18 C
Hanoi
Thứ sáu, Tháng mười hai 27, 2024
More
    HomeTiêu dùng bền vữngCách đảm bảo an toàn thực phẩm đối với hàng cứu trợ

    Cách đảm bảo an toàn thực phẩm đối với hàng cứu trợ

    Date:

    Related stories

    Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đưa ra khuyến cáo người dân về việc bảo đảm an toàn thực phẩm đối với hàng cứu trợ người dân vùng bão lũ.

    Theo đó, thời gian qua, ngoài đóng góp tiền mặt, đồ dùng thiết yếu, một lượng lớn thực phẩm đã được các cá nhân, tổ chức quyên góp gửi về cho bà con vùng lũ. Tuy nhiên, việc phân phối hàng hóa, thực phẩm cho người dân không đơn giản, phải mất thời gian di chuyển, cung đường khó khăn cộng với thời tiết mưa gió kéo dài. Theo Cục An toàn thực phẩm, trong số hàng cứu trợ năm nay, nhiều loại bánh chưng, bánh mì và các thực phẩm khác được các gia đình, nhà hảo tâm hút chân không để bảo quản trong quá trình vận chuyển, phân phát đến cho bà con vùng lũ, lụt.


    Botulinum là vi khuẩn kỵ khí, tiết ra độc tố cực mạnh, tuy nhiên khi xâm nhập vào thực phẩm chúng không làm thức ăn ôi thiu nên người dùng khó nhận biết. (Ảnh minh họa)

    Việc tự chế biến, đóng gói thực phẩm và hút chân không có thể giúp kéo dài thêm thời gian bảo quản thực phẩm. Tuy nhiên, việc làm này cũng có thể gây ra nguy cơ không bảo đảm an toàn cho thực phẩm. “Một trong các vi khuẩn yếm khí thường hay gây ngộ độc trong thực phẩm đồ hộp, bao gói hút chân không chính là vi khuẩn Clostridium Botulinum (C.Botulinum), một loại vi khuẩn kỵ khí tuyệt đối. Độc tố của vi khuẩn này có độc lực rất mạnh và ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe con người, thậm chí có thể gây tử vong chỉ với liều lượng rất nhỏ”, Cục An toàn thực phẩm lưu ý.

    Để bảo đảm an toàn thực phẩm hỗ trợ đến người dân vùng bị thiên tai, bão lũ, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo các cá nhân, đơn vị nên ưu tiên quyên góp, ủng hộ lương thực, thực phẩm bao gói sẵn, có hạn sử dụng, bảo quản dài ngày như: Lương khô, các thực phẩm đóng hộp, bao gói kín như thịt, cá, rau củ quả đóng hộp, mỳ ăn liền, xúc xích tiệt trùng, nước uống đóng chai, đóng bình…

    Người dân lưu ý chọn sản phẩm của các cơ sở chế biến đảm bảo an toàn thực phẩm, có ghi nhãn và hạn sử dụng đầy đủ theo quy định.

    Ngoài ra, Cục An toàn thực phẩm gợi ý có thể ủng hộ thêm vitamin, men tiêu hóa hỗ trợ sức khỏe cho các đối tượng trẻ em, người già trong vùng bão, lũ. Khi tự chế biến thực phẩm, bao gói hút chân không để hỗ trợ cho người dân vùng bão, cần lựa chọn các thực phẩm phù hợp với đóng gói hút chân không như: Thịt khô, cá khô, bỏng ngô, bỏng gạo…

    “Các loại bánh có lá bọc được chế biến đun kỹ nhiều giờ như bánh chưng, bánh tét. Sau khi vớt bánh cần để nơi sạch sẽ, ép ráo nước, để nguội trước khi đóng gói hút chân không. Thực phẩm tự chế biến được hút chân không nên gửi cho những khu vực có thời gian vận chuyển ngắn, có thể tiếp cận sớm. Ngoài ra, khi đóng gói và hút chân không nên để mảnh giấy ghi ngày sản xuất bên trong màng gói để người vận chuyển và người sử dụng biết và bố trí thời gian cấp phát, sử dụng phù hợp”, Cục An toàn thực phẩm lưu ý.

    Đối với người sử dụng thực phẩm cứu trợ, cần kiểm tra bao gói thực phẩm được cấp phát, cứu trợ trước khi ăn. Tuyệt đối không sử dụng các thực phẩm đã hết hạn sử dụng, thực phẩm đóng hộp bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường.

    Đối với các loại thực phẩm do người hỗ trợ tự làm như: Bánh chưng, bánh dày, bánh tét… được sản xuất thủ công, tự đóng gói, đóng kín bằng màng bọc hút chân không thì trước khi sử dụng cần quan sát kỹ. Nếu phía trong màng bọc có các bóng khí, màng bọc căng phồng hoặc khi mở màng bọc ra thực phẩm bị nhớt, mốc, mùi, vị khác thường thì tuyệt đối không sử dụng.

    Cục An toàn thực phẩm cũng lưu ý, với chính quyền và cơ quan chức năng địa phương bị bão, lũ cần tổ chức tiếp nhận và cấp phát hàng thực phẩm cứu trợ nhanh chóng nhất có thể cho người dân. Ngoài ra, cần duy trì việc tuyên truyền để người dân thực hiện bảo đảm vệ sinh ăn uống tốt nhất trong điều kiện có thể; chủ động dự trữ thuốc men, hoá chất, phương tiện, nhân lực, phương án sẵn sàng để chủ động xử lý, khắc phục nếu có ngộ độc thực phẩm hoặc các bệnh liên quan đến thực phẩm xảy ra.

    An Nguyên
    https://vietq.vn/cach-dam-bao-an-toan-thuc-pham-doi-voi-hang-cuu-tro-d225341.html

    Subscribe

    - Never miss a story with notifications

    - Gain full access to our premium content

    - Browse free from up to 5 devices at once

    Latest stories

    spot_img