Thời tiết mưa lạnh ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe, khiến cơ thể dễ bị cảm lạnh và cảm thấy mệt mỏi. Một số loại đồ uống dưới đây sẽ giúp cơ thể chúng ta ấm lên nhanh chóng trong những ngày mưa lạnh kéo dài.
Thời tiết mưa lạnh kéo dài đánh dấu thời điểm giao mùa trong năm. Những ngày mưa kéo dài khiến nhiệt độ thay đổi nhanh chóng, do đó có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của nhiều người có cơ địa nhạy cảm, gây ra một số bệnh thường gặp trong thời điểm giao mùa như các bệnh về đường hô hấp, cảm cúm, cảm lạnh,… Một số thức uống dưới đây rất đơn giản và dễ dàng trong việc pha chế như trà gừng, trà cam sả, sữa nóng,… sẽ là “cứu cánh” kịp thời giúp làm ấm cơ thể, hạn chế nguy cơ nhiễm lạnh trong những ngày thời tiết “ẩm ương”.
1. Trà gừng – món đồ uống “quốc dân”
Trà gừng là thức uống “quốc dân” trong việc làm ấm cơ thể được nhiều người tin tưởng lựa chọn. Gừng không chỉ là một loại gia vị trong nhà bếp mà còn được ví như “vị thuốc đông y” chữa trị cảm lạnh. Trong gừng còn chứa chất chống oxy hóa, sắt, canxi, kali, protein, selen, magie và một loạt các vitamin, khoáng chất khác giúp nó trở thành “siêu thực phẩm”, có tác dụng tăng cường hệ thống miễn dịch.
Có thể sử dụng gừng tươi bỏ vào cốc trà nóng hoặc nếu quá bận rộn, không có nhiều thời gian thì việc dùng các sản phẩm trà gừng được đóng gói sẵn cũng là một lựa chọn hoàn hảo. Nếu muốn tăng thêm khẩu vị, hãy thử kết hợp với vài lát chanh tươi hoặc mật ong.
Bộ ba chanh tươi, gừng, mật ong là sự kết hợp hoàn hảo và cũng rất dễ uống – đặc biệt đối với những người đang mắc các bệnh như ho khan, ho có đờm hay bị nhiễm lạnh. Sự kết hợp của ba nguyên liệu này cũng giúp cơ thể giữ nhiệt tốt hơn. Cách làm trà gừng cực kỳ đơn giản. Chỉ cần 5 – 6 lát gừng tươi cùng một thìa mật ong và 250ml nước sôi là đã có ngay một tách trà nóng hổi để thưởng thức.
Trà gừng là món đồ uống “quốc dân” trong việc giữ ấm cho cơ thể. Ảnh minh họa
Một tách trà gừng nóng sau ngày mưa lạnh sẽ giúp chúng ta cảm thấy dễ chịu, cơ thể ấm lên, giúp chống cảm lạnh và cảm cúm hiệu quả. Mặc dù những người thường xuyên uống trà gừng sẽ có ít nguy cơ bị ho và cảm lạnh hơn so với những người không hay uống, thế nhưng chúng ta cũng không nên quá lạm dụng thức uống này, chỉ nên uống một lượng vừa đủ để tránh phải “chịu đựng” một số tác dụng phụ không mong muốn như buồn nôn, đầy hơi,…
2. Trà xanh chứa hơn 300 hợp chất chống oxy hóa và kháng khuẩn
Trà xanh cũng là một loại thức uống quen thuộc, có nhiều công dụng tốt với sức khỏe, được nhiều người sử dụng hằng ngày. Công dụng chính của trà xanh đối với sức khỏe của chúng ta có thể kể đến như: giúp tăng cường sức khỏe, hỗ trợ chống lại quá trình lão hóa và các bệnh béo phì, giảm nguy cơ ung thư, giúp thanh lọc cơ thể và thải độc tố, điều hòa huyết áp, tốt cho tim mạch,….
Để trà xanh có thể phát huy hết tác dụng, trước hết hãy pha trà ở nhiệt độ phù hợp (khoảng 80 độ C) bởi uống trà quá nóng sẽ gây tổn thương vách trong của dạ dày, gây viêm loét dạ dày. Nếu không quen với vị đắng của một số loại trà xanh, hãy cho thêm mật ong thay vì bỏ thêm đường vì đường khi kết hợp với nước trà có thể làm mất chất dinh dưỡng.
Trà xanh rất tốt cho sức khỏe, thế nhưng một ngày cũng chỉ nên uống tối đa từ 1- 2 ly trà là đủ. Bởi nếu uống quá nhiều cũng có thể gây ra một số phản ứng “khó chịu” với cơ thể như rối loạn tiêu hóa, đau đầu, mất ngủ,.. Ngoài ra, hãy tránh uống trà xanh vào các thời điểm sau: khi đang sử dụng thuốc, khi đói, uống ngay sau bữa ăn hoặc trước khi đi ngủ.
Trà xanh chứa nhiều công dụng tuyệt vời đối với sức khỏe. Ảnh: medicalnewstoday
Vào những ngày trời mưa lạnh, đừng chần chừ mà hãy pha ngay một ly trà xanh để thưởng thức (có thể là trà tươi hoặc khô đều được). Một cốc trà xanh sẽ giúp nhiệt độ cơ thể chúng ta tăng lên nhanh chóng.
4. Trà cam sả – sự kết hợp bổ dưỡng
Cam và sả là “bộ đôi” khá phù hợp khi kết hợp lại với nhau. Cũng giống như gừng, sả không chỉ là loại gia vị được sử dụng trong nhà bếp mà còn được sử dụng rộng rãi để chữa bệnh. Bên cạnh đặc tính chữa bệnh, sả cũng giàu vitamin và khoáng chất như vitamin A, vitamin C, vitamin B, folate, kẽm, magiê, sắt, kali, mangan và canxi. Trong khi đó, cam vốn là loại quả chứa rất nhiều vitamin C giúp tăng cường sức đề kháng.
Kết hợp cam với sả tạo nên “bộ đôi” thức uống rất bổ dưỡng cho sức khỏe. Ảnh minh họa
Sả có tính nóng giúp làm ấm cơ thể hiệu quả và giúp phòng cảm lạnh, giảm ho hiệu quả, vitamin C trong cam giúp tăng cường sức đề kháng – kết hợp hai nguyên liệu này với nhau, chúng ta có một loại thức uống rất bổ dưỡng cho sức khỏe để phòng bệnh cảm lạnh cũng như các bệnh về đường hô hấp trong thời điểm giao mùa.
Để có một ly trà cam sả ấm nóng cho bữa sáng, chỉ cần 3 – 4 lát sả đập dập ngâm trong nước sôi và hòa cùng 100ml nước vắt cam tươi là đã giúp cơ thể chúng ta được làm ấm.
5. Trà quế mật ong tốt cho sức khỏe và vóc dáng
Trong quế có chứa chất tanin có tính kháng khuẩn và giải độc, do đó quế được nhiều bác sĩ đánh giá cao trong y học vì tính bổ dưỡng cho sức khỏe. Mật ong được sử dụng nhiều trong thực phẩm cũng như một vị thuốc tự nhiên.
Trà quế mật ong không chỉ giúp cải thiện giấc ngủ mà còn giúp nhanh chóng giảm các triệu chứng do cảm lạnh. Vào những ngày thời tiết thay đổi thất thường sẽ khiến cơ thể chúng ta gặp phải các triệu chứng như cơ thể mệt mỏi, cảm cúm, đau đầu. Quế và mật ong đều có khả năng kháng khuẩn rất tốt, giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể. Mặc dù loại thức uống này sẽ giúp cơ thể ấm lên nhanh chóng, thế nhưng hãy chỉ nên uống một lượng vừa đủ để tránh các tác dụng phụ có thể gặp phải.
Trà quế mật ong rất tốt cho sức khỏe và vóc dáng. Ảnh minh họa
Đúng như tên gọi của mình, loại đồ uống này có ba nguyên liệu chính là nước trà, quế và mật ong. Để có một ly trà quế mật ong nóng hổi, trước hết hãy chuẩn bị một muỗng bột quế, hai muỗng mật ong và 200ml nước sôi. Tiếp đến, cho bột quế vào túi lọc, hãm trong nước sôi khoảng 3 phút, sau đó thêm một thìa mật ong và thưởng thức.
6.Sữa và chocolate nóng
Nếu không phải là tuýp người ưa chuộng các loại trà thì sữa và chocolate nóng cũng là một lựa chọn phù hợp và dễ uống cho những ai muốn giữ ấm cho cơ thể trong những ngày mưa lạnh.
Sữa rất giàu protein, canxi và khoáng chất. Uống sữa nóng trước khi đi ngủ sẽ giúp chúng ta ngủ ngon hơn. Một cốc sữa nóng vào buổi sáng sẽ giúp cơ thể ấm lên trong chốc lát.
Ngoài ra, sữa đậu nành nóng cũng chứa nhiều vitamin A, vitamin E, vitamin K và vitamin B6 cùng với protein, có tác dụng giữ ấm cực tốt. Nếu muốn thay đổi, hãy thêm vào bữa sáng một cốc sữa đậu nành nóng khi thời tiết ngày càng trở lạnh. Tuy nhiên, những ai đang gặp các vấn đề về tiêu hóa, thận yếu, bệnh dạ dày thì nên hạn chế loại đồ uống này vì chúng có thể gây khó tiêu.
Một ly sữa nóng vừa giúp giấc ngủ được cải thiện vừa khiến cơ thể ấm lên nhanh chóng. Ảnh minh họa
Chocolate nóng cũng là món đồ uống được nhiều người thêm vào thực đơn của mình. Chocolate có tác dụng giúp các tế bào máu giảm bớt đi sự nhạy cảm với các gốc tự do và khi nhiệt độ xuống thấp, do đó giúp cơ thể chịu đựng tốt hơn, giúp duy trì thân thiệt cơ thể ở mức ổn định. Ngoài ra chocolate cũng vốn được biết đến với khả năng cải thiện tâm trạng rất tốt, giúp giảm stress, căng thẳng và lo âu.
Chocolate nóng giúp giữ cho thân nhiệt cơ thể ở mức ổn định, đồng thời cũng có tác dụng cải thiện tâm trạng và giảm căng thẳng. Ảnh minh họa
Ngoài những loại đồ uống trên, để cơ thể ấm hơn và dần thích nghi với sự thay đổi đột ngột của thời tiết, đừng quên bổ sung các thực phẩm giúp tăng cường sức đề kháng, có chế độ ăn uống, tập thể dục và sinh hoạt hợp lí. Ngoài ra, vào thời điểm giao mùa, cơ thể dễ trở nên nhạy cảm hơn với thời tiết do đó nên chuẩn bị sẵn các loại thuốc như thuốc đau đầu, thuốc ho, thuốc cảm cúm,… để ứng phó kịp thời với các triệu chứng bất thường của cơ thể. Nếu sau khi đi ngoài trời mưa về có những biểu hiện như da tím tái, chân tay rệu rã, cơ thể kiệt sức thì chúng ta không nên chủ quan. Khi đó, việc chỉ uống những loại thức uống này sẽ không thể giúp cơ thể khỏe mạnh hơn nên hãy tìm gặp bác sĩ để tránh những biến chứng nặng hơn có thể xảy ra với sức khỏe.
Ngọc Linh (t/h)
https://vietq.vn/mot-so-loai-thuc-uong-quen-thuoc-lam-am-co-the-trong-nhung-ngay-mua-lanh-d192491.html