Nghiên cứu mới cho rằng virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) có thể lây nhiễm trên người từ lâu trước khi tiếp tục đột biến và bùng phát thành dịch.
Tờ South China Morning Post ngày 29.3 dẫn nghiên cứu vừa công bố cho rằng virus Corna chủng mới gây Covid-19 có thể âm thầm lây nhiễm ở người trong nhiều năm hay thậm chí nhiều thập niên qua, trước khi bùng phát thành đại dịch.
Các chuyên gia hàng đầu tại Mỹ, Anh và Úc xem xét rất nhiều dữ liệu của giới khoa học thế giới về bằng chứng tiến hóa của virus Corona chủng mới gây Covid-19 và nhận thấy virus có thể đã truyền từ động vật sang người từ lâu trước khi phát hiện tại thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc).
Hình vẽ mô phỏng virus Corona chủng mới
Dù có thể có các khả năng khác, các nhà khoa học cho rằng virus có đột biến không xuất hiện trên các động vật nghi nhiễm, nhưng dường như xảy ra trong quá trình lây nhiễm trên người ở phạm vi nhỏ và lặp lại nhiều lần.
Theo ông Francis Collins, Giám đốc Viện Y tế quốc gia Mỹ và là người không tham gia nghiên cứu, các chuyên gia trên đưa ra khả năng virus Corona từng lây từ động vật sang người trước khi nó có khả năng gây bệnh.
“Sau đó, hệ quả của tiến hóa dần dần đã thay đổi sau nhiều năm hoặc nhiều thập niên, virus dần dần có khả năng lây từ người sang người và gây bệnh nghiêm trọng thậm chí đe dọa tính mạng”, ông nhận định.
Hồi tháng 12, các bác sĩ ở Vũ Hán chú ý về tình trạng “viêm phổi lạ” bùng phát và các bệnh nhân không nhiễm cúm hay các bệnh khác. Chủng virus này sau đó được xác định có bộ gien giống đến 96% so với virus tìm thấy ở dơi tại một hang núi tại Trung Quốc gần biên giới với Myanmar.
Tuy nhiên, virus trên dơi không thể lây nhiễm cho người và không có protein giúp bám vào tế bào ở người như virus Corona chủng mới.
Bảo Linh
http://vietq.vn/cac-chuyen-gia-dua-ra-du-doan-moi-ve-virus-corona-chung-moi-d171772.html