Đội Tiêu chuẩn Thương Mại thuộc Hội đồng Fife (Scotland) mới đây đã thu giữ được lượng lớn búp bê Labubu giả mạo và phát đi cảnh báo về nguy cơ tiềm ẩn đằng sau món đồ chơi đang được nhiều người ưa thích này.
Búp bê Labubu, một sản phẩm đồ chơi nghệ thuật (Art Toy) thuộc thương hiệu Pop Mart, đang tạo nên cơn sốt trên toàn cầu với thiết kế độc đáo và sự khan hiếm của các phiên bản đặc biệt. Tuy nhiên, cùng với sức hút lớn, thị trường cũng chứng kiến sự tràn lan của các sản phẩm giả mạo, gây ra mối lo ngại nghiêm trọng về an toàn. Đội Tiêu chuẩn Thương mại của Hội đồng Fife đã phải phát đi cảnh báo khẩn cấp, sau khi thu giữ hàng trăm búp bê Labubu giả từ các cửa hàng địa phương. Tất cả số sản phẩm này đều không đáp ứng các Quy định An toàn Đồ chơi năm 2011.
Bà Dawn Adamson, Quản lý dịch vụ Tiêu chuẩn Thương mại, nhấn mạnh rằng các sản phẩm giả mạo luôn đặt lợi nhuận lên trên sự an toàn. “Những kẻ làm hàng giả không thực hiện các thử nghiệm cần thiết để đảm bảo sản phẩm của họ an toàn cho trẻ em. Họ chỉ cần thu về lợi nhuẩn khủng hơn việc đảm bảo chất lượng sản phẩm,”.
Bà Adamson cũng cảnh báo một số mối nguy hiểm chính từ búp bê Labubu giả, trong đó cần chú ý đến nguy cơ gây nghẹt thở. Bởi hầu hết các bộ phận nhỏ của búp bê giả có thể dễ dàng bung ra, và trẻ rất dễ nuốt phải.
Cảnh báo về sản phẩm búp bê Labubu giả để lại nhiều tiềm ẩn sức khỏe cho trẻ em
Không giống như đồ chơi chính hãng, sản phẩm giả mạo thường không tuân thủ các quy định về vật liệu, có thể chứa các hóa chất bị cấm hoặc độc hại, gây ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe khi tiếp xúc. Nhẹ có thể gây tình trạng viêm da cho trẻ, nặng hơn có thể dẫn đến một số bệnh lý liên quan đến đường hô hấp hoặc phát triển thần kinh.
Để bảo vệ con em mình và tránh mua phải hàng giả, Tiêu chuẩn Thương mại Fife khuyến nghị phụ huynh cần hết sức cẩn trọng và kiểm tra kỹ lưỡng sản phẩm cùng bao bì trước khi mua.
Đầu tiên, cần kiểm tra dấu chứng nhận CE hoặc UKCA. Tất cả đồ chơi được bán hợp pháp tại Vương quốc Anh hoặc Châu Âu phải có dấu CE hoặc UKCA (dấu chứng nhận phù hợp với các tiêu chuẩn an toàn của Vương quốc Anh) trên sản phẩm hoặc bao bì. Sản phẩm không có dấu chứng nhận này có thể bị coi là hàng giả.
Mặt khác, trên bao bì sản phẩm phải có tên và địa chỉ chi tiết của nhà cung cấp có trụ sở tại Vương quốc Anh hoặc EU. Thông tin này giúp xác định nguồn gốc và trách nhiệm pháp lý của sản phẩm. Phụ huynh cũng cần ưu tiên mua hàng từ các nhà bán lẻ chính thức, đáng tin cậy, hoặc các cửa hàng có uy tín. Hạn chế mua đồ chơi từ các kênh không chính thức, không rõ nguồn gốc, đặc biệt là trên mạng xã hội hoặc các trang web không quen thuộc.
Búp bê Labubu chính hãng thường rất khan hiếm và có giá khá cao trên thị trường. Nếu một sản phẩm được chào bán với giá quá rẻ so với kỳ vọng, đây là dấu hiệu cảnh báo mạnh mẽ rằng đó có thể là hàng giả. “Nếu giá quá tốt để là sự thật, rất có thể nó là hàng giả,” bà Adamson khuyên.
Sự bùng nổ của các sản phẩm đồ chơi giả mạo như búp bê Labubu là một lời nhắc nhở về tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức và cảnh giác của người tiêu dùng. Việc lựa chọn sản phẩm từ các nguồn uy tín, kiểm tra kỹ lưỡng các dấu hiệu an toàn và thông tin nguồn gốc không chỉ bảo vệ sức khỏe của trẻ em mà còn góp phần đẩy lùi vấn nạn hàng giả, bảo vệ quyền lợi của các nhà sản xuất chân chính và duy trì một thị trường lành mạnh.
Dấu CE và UKCA là hai dấu hiệu quan trọng trên sản phẩm, cho biết sản phẩm đó đã tuân thủ các tiêu chuẩn về sức khỏe, an toàn và bảo vệ môi trường theo quy định của một khu vực thị trường nhất định.
“CE” là viết tắt của “Conformité Européenne”, nghĩa là “Tuân thủ Châu Âu”. Đây là một dấu hiệu chứng nhận bắt buộc đối với một số nhóm sản phẩm được bán trong Khu vực Kinh tế Châu Âu (EEA), bao gồm 27 quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu (EU), Iceland, Liechtenstein và Na Uy. Trong đó, dấu CE như lời đảm bảo của nhà sản xuất, phân phối về sức khỏe, an toàn và bảo vệ môi trường được quy định tại thị trường EU và được áp dụng cho nhiều lĩnh vực, bao gồm thiết bị điện tử, đồ chơi, máy móc, thiết bị y tế, thiết bị bảo vệ cá nhân, vật liệu xây dựng,
“UKCA” là viết tắt của “UK Conformity Assessed”, (Đánh giá Tuân thủ Vương quốc Anh), có chức năng tương tự như dấu CE. Tuy nhiên sau Brexit, UKCA được thay thế dấu CE đối với hầu hết các sản phẩm được đưa ra thị trường GB (bao gồm Anh, Scotland và Wales).
Bảo Linh
https://vietq.vn/bup-be-labubu-gia-tran-lan-tren-thi-truong-tiem-an-nguy-co-gay-hai-cho-tre-em-d234911.html