19 C
Hanoi
Thứ tư, Tháng Một 22, 2025
More
    HomeTiêu dùng bền vữngBộ Y tế chỉ ra các loại cỏ mọc ven đường là...

    Bộ Y tế chỉ ra các loại cỏ mọc ven đường là cây thuốc quý và những lưu ý khi dùng

    Date:

    Related stories

    Bộ Y tế đã đưa ra tài liệu hướng dẫn nhận biết 70 cây thuốc được sử dụng cơ sở khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền. Trong đó có nhiều loại cỏ mọc dại ven đường nhiều người không biết.

    Việt Nam là một trong 16 quốc gia sở hữu nguồn tài nguyên động, thực vật đa dạng và được ghi danh trên bản đồ dược liệu thế giới. Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, có khoảng 80% dân số ở các nước đang phát triển chăm sóc sức khỏe cộng đồng bằng thảo dược. Trong đó Việt Nam cũng là một trong những nước ưu tiên sử dụng các loại thuốc từ thảo dược hơn là lạm dụng Tây y.

    Bộ Y tế đã đưa ra tài liệu hướng dẫn nhận biết 70 cây thuốc được sử dụng cơ sở khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền. Trong đó có nhiều loại cỏ mọc dại ven đường. Tuy nhiên, khi sử dụng, người dân cần tham khảo ý kiến của các thầy thuốc có kiến thức vững vàng.

    Cây nhọ nồi

    Cỏ nhọ nồi còn được gọi là cỏ mục, hạn liên thảo, lệ trường, phong trường, thuộc họ cúc. Cây có khả năng bổ can thận, chữa các chứng huyết nhiệt, ho ra máu, nôn ra máu, đại tiện ra máu, tiểu tiện ra máu, chảy máu cam, chảy máu dưới da, băng huyết, rong huyết, râu tóc sớm bạc, răng lợi sưng đau. Cách sử dụng là sắc uống; giã vắt lấy nước uống; bã đắp vết thương; dùng phối hợp với các cây thuốc khác chữa chứng xuất huyết.

    Cây tầm bóp

    Không chỉ quả tầm bóp mà tất cả các bộ phận của cây tầm bóp đều có thể sử dụng để trị bệnh. Quả tầm bóp ăn được và dùng chữa đờm nhiệt sinh ho. Ngoài ra, loại quả này còn có thể phòng ngừa các bệnh về đường tiết niệu và viêm thận ví dụ sỏi thận, sỏi bàng quang và chữa bệnh gút rất tốt.

    Trong Đông y, cây tầm bóp vị đắng, tính mát, công dụng thanh nhiệt, tiêu đờm, lợi thấp, tán kết. Chủ trị các chứng bệnh cảm sốt, tiểu đường, viêm họng , khan tiếng, ho khan hoặc ho có đờm, thủy đậu, ban đỏ, nóng trong, nôn ói, sưng đau yết hầu, bệnh tay chân miệng.

    Cây tầm bóp là dược liệu tự nhiên lành tính nhưng dùng lâu dài cũng không tốt. Vì vậy trước khi dùng tốt nhất nên tham khảo ý kiến, liều lượng của thầy thuốc. Nếu trong quá trình điều trị thấy cơ thể có các biểu hiện xấu như nổi mẩn ngứa, tức ngực, khó thở, buồn nôn nên ngưng uống ngay. Phụ nữ mang thai, trẻ em cần có sự đồng ý của bác sĩ trước khi dùng.

    Trong thời gian đang điều trị bằng thuốc tây, cần thận trọng khi sử dụng cây tầm bóp vì chúng có thể làm giảm tác dụng của nhau hoặc gây ra những tác dụng phụ không tốt. Cây tầm bóp rất dễ bị nhầm lẫn với lu lu đực – loại cây chứa độc tố solanin. Nếu như hoa tầm bóp thường mọc đơn độc, khi chín quả màu đỏ hoặc vàng thì hoa cây lu lu đực lại mọc thành chùm, quả có màu đen. Mọi người cần lưu ý điều này để không bị nhầm lẫn.

    Cỏ tranh

    Cỏ tranh còn gọi là bạch mao căn, nhất địa, thuộc họ lúa. Cây có công năng lương huyết, chỉ huyết, thanh nhiệt, lợi tiểu, giảm đau, chữa phiền khát, tiểu tiện khó, tiểu ít, tiểu buốt, tiểu ra máu, ho ra máu, chảy máu cam do huyết nhiệt, phù thũng do viêm cầu thận cấp, vàng da. Cách dùng là thái nhỏ cỏ, sắc với nước uống.

    Cỏ xước

    Cỏ xước còn gọi là hoài ngưu tất, thuộc họ rau dền. Các bài thuốc thường dùng rễ cỏ xước đã phơi, sấy khô. Công năng của loại cỏ này là hoạt huyết, khứ ứ, bổ can thận mạnh gân xương, lợi thủy thông lâm, chữa đau nhức xương khớp, đau lưng, mỏi gối, chân tay co quắp, tê bại, kinh nguyệt không đều, tiểu tiện không thông, tiểu buốt, tiểu rắt. Cách dùng là sắc uống hằng ngày.

    Cỏ mần trâu

    Cỏ mần trầu còn gọi là cỏ chỉ tía, thanh tâm thảo, thuộc họ lúa. Cây có tác dụng thanh nhiệt, hạ sốt, giải độc, làm mát gan, làm ra mồ hôi, lợi tiểu, chữa cảm nắng, sốt nóng, cao huyết áp, viêm gan da vàng, dị ứng mẩn ngứa, tiểu khó, nước tiểu đỏ. Cây khô, tươi đun sôi để nguội, chắt lấy nước uống.

    Cỏ sữa lá nhỏ

    Cỏ sữa lá nhỏ còn gọi vú sữa đất, thiên căn thảo, cẩm địa, thuộc họ thầu dầu. Cây có khả năng cầm máu, giảm đau, tiêu độc, chỉ lỵ, thông sữa, lợi tiểu, chữa lỵ trực khuẩn và lỵ amip, nhất là cho trẻ em, chữa mụn nhọt, băng huyết, tắc tia sữa. Cỏ có thể dùng để sắc uống trong 5-7 ngày.

    Bên cạnh những cây dược liệu trên thì hiện nay do khai thác quá mức và không được bảo tồn, quản lý tốt nên nhiều cây dược liệu quý đã đi đến tuyệt chủng. Không ít địa phương chỉ vì lợi ích trước mắt đã để cho thương lái nước ngoài thu mua số lượng lớn nhưng với mức giá thấp, hiệu quả kinh tế không cao.

    Chính vì vậy mà nhiều địa phương dần đưa ra các chính sách bảo tồn đồng thời phát triển các loại thảo dược, đặc biệt là các chủng loại quý hiếm. Việc này nhằm mục đích bảo tồn, lưu giữ và nhân giống các loại cây dược liệu quý nằm trong danh sách đỏ của Việt Nam đồng thời tạo công ăn việc làm cho người dân và tăng hiệu quả kinh tế.

    Tiêu chuẩn TCVN 13268-5:2022 phương pháp điều tra sinh vật gây hại – phần 5 nhóm cây dược liệu

    Bộ Khoa học và Công nghệ công bố tiêu chuẩn này nhằm đưa ra phương pháp điều tra sinh vật gây hại chủ yếu trên nhóm cây dược liệu (nhóm cây dược liệu thân thảo leo giàn, nhóm cây dược liệu thân thảo, nhóm cây dược liệu thân gỗ). Tiêu chuẩn này cũng có thể áp dụng cho những loại cây khác thuộc nhóm cây dược liệu có hình thái tương tự, đồng nhất.

    Về nguyên tắc cần điều tra đầy đủ, chính xác diễn biến các loại sinh vật gây hại, sinh vật có ích chính và một số yếu tố ngoại cảnh tác động đến chúng. Nên đánh giá tình hình sinh vật gây hại trên đồng ruộng, nhận định khả năng phát sinh, phát triển và gây hại của sinh vật gây hại chính trong thời gian tới, so sánh với kỳ điều tra liền kề trước và cùng kỳ năm trước. Dự báo những loại sinh vật gây hại thứ yếu có khả năng phát triển thành sinh vật gây hại chính hoặc thành dịch, phân tích nguyên nhân.

    Thời gian điều tra định kỳ: Đối với các cây dược liệu hàng năm: Điều tra 7 ngày/lần theo tuyến điều tra trong khu vực điều tra cố định ngay từ đầu vụ vào các ngày thứ 2 hoặc thứ 3 hàng tuần. Đối với các cây dược liệu lâu năm: Điều tra 14 ngày/ lần (vào các ngày thứ 2 hoặc thứ 3 tuần thứ 1 và tuần thứ 3 của tháng), theo tuyến điều tra trong khu vực điều tra cố định.

    Điều tra bổ sung: Tiến hành điều tra vào các giai đoạn xung yếu của cây dược liệu và trước, trong, sau cao điểm xuất hiện sinh vật gây hại. Tùy thuộc vào tình hình sinh vật gây hại ở từng địa phương để xác định đối tượng và thời điểm điều tra bổ sung cho phù hợp.

    Yếu tố điều tra, mỗi loại cây trồng thuộc nhóm cây dược liệu chọn yếu tố điều tra đại diện theo giống, loài cây, thời vụ, địa hình, chân đất, giai đoạn sinh trưởng, tuổi cây và tập quán canh tác để điều tra.

    Vân Thảo (T/h)
    https://vietq.vn/bo-y-te-chi-ra-nhung-loai-co-moc-ven-duong-la-cay-thuoc-quy-d226876.html

    Subscribe

    - Never miss a story with notifications

    - Gain full access to our premium content

    - Browse free from up to 5 devices at once

    Latest stories

    spot_img