21 C
Hanoi
Thứ năm, Tháng mười hai 19, 2024
More
    HomeCông nghệ sạchBộ Công Thương: Giá điện mặt trời có thể thay đổi

    Bộ Công Thương: Giá điện mặt trời có thể thay đổi

    Date:

    Related stories

    Gần đây, có một số ý kiến cho rằng giá bán điện mặt trời cố định (FIT) trong 20 năm là quá cao cần phải xem xét điều chỉnh theo hướng có lợi đối với người tiêu dùng.

    Giải thích nguyên nhân về cơ chế giá bán FIT điện mặt trời, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Bộ Công Thương cho biết, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài chỉ đầu tư khi các dự án mang lại hiệu quả, lợi ích cho họ vì vậy giá điện phải được thiết kế để đảm bảo lợi ích cho nhà đầu tư thì chúng ta mới hy vọng thu hút được đầu tư.

    Công nghệ điện mặt trời phát triển nhanh chóng sẽ giúp giảm giá bán điện.

    Về giá bán điện, đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho rằng giá bán điện FIT vừa qua nếu nói là hấp dẫn sẽ chuẩn xác hơn giá cao. Theo đó, chi phí dự án điện mặt trời trong thời gian 10 năm gần đây do tiến bộ của khoa học công nghệ đã giảm rất nhanh.

    Vào năm 2016, Việt Nam bắt đầu xây dựng cơ chế giá FIT và đến 2017 giá FIT (9,35 UScent/kWh) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017. Vào thời điểm đó giá FIT 9,35 UScent/kWh là hợp lý. Tuy nhiên, sau một năm do những biến động của thị trường năng lượng điện mặt trời, giá FIT trở nên hấp dẫn hơn và đã thu hút được sự quan tâm của rất nhiều nhà đầu tư.

    Do lường trước được xu thế phát triển của điện mặt trời nên Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 cũng đã đưa ra thời hạn giá FIT chỉ có hiệu lực tới hết ngày 30/6/2019. Sau thời gian này, giá FIT đã giảm từ 9,35 UScent/kWh xuống chỉ còn 7,09 UScent/kWh (đối với các dự án điện mặt trời mặt đất).

    Việc các nhà đầu tư nước ngoài thông qua các nhà đầu tư trong nước để tham gia các dự án đầu tư là tín hiệu tốt trong việc thu hút đầu tư đối với ngành điện. Các tập đoàn năng lượng lớn trên thế giới ít khi trực tiếp đi phát triển dự án để tránh, giảm các rủi ro, thời gian và chi phí ở giai đoạn phát triển dự án như đền bù giải phóng mặt bằng, xin phê duyệt của chính quyền, đối tác địa phương, trung ương. Các nhà đầu tư trong nước hiểu biết về luật pháp trong nước, cơ chế, chính sách, trình tự, thủ tục… tốt hơn nên thực hiện giai đoạn chuẩn bị đầu tư sẽ có nhiều thuận lợi hơn.

    Mặt khác, các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực tốt về vốn, công nghệ, kinh nghiệm đầu tư, vận hành nhà máy… Kết hợp giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn cho dự án và cho nhà đầu tư. Nhà đầu tư nước ngoài cũng thường tham gia vào dự án quy mô công suất lớn hoặc gom nhiều dự án quy mô công suất nhỏ. Điều này cũng giúp giảm chi phí vận hành chung cho nhà đầu tư nước ngoài.

    Trong giai đoạn trước đây, khi thị trường điện năng lượng tái tạo tại Việt Nam còn mới mẻ, chi phí phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo cao hơn so với các nguồn điện truyền thống, để thúc đẩy phát triển thị trường điện năng lượng tái tạo, Việt Nam áp dụng cơ chế hỗ trợ giá điện cố định (FIT) là công cụ chính sách phổ biến được sử dụng bởi hầu hết các nước trên thế giới.


    Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương nghiên cứu giá điện mặt trời theo cơ chế đấu thầu.

    Thực tế đã chứng minh cơ chế giá FIT là công cụ hữu hiệu thúc đẩy phát triển nhanh nguồn điện năng lượng tái tạo, đặc biệt đối với những thị trường mới như Việt Nam, nhờ có những ưu điểm sau: giá ưu đãi với thời gian dài hạn (20 năm) tạo tính minh bạch trong đánh giá tính khả thi và huy động nguồn vốn cho dự án; cam kết của chính phủ về ưu tiên huy động điện phát từ nguồn năng lượng tái tạo; rút ngắn thời gian đàm phán hợp đồng mua bán điện, tiết kiệm thời gian, kinh phí cho nhà đầu tư.

    Tại Việt Nam, thông qua chính sách FIT, hiện đã có khoảng gần 6.000 MW điện năng lượng tái tạo vào vận hành phát điện, đảm bảo cung cấp điện kịp thời cho nền kinh tế, giảm lượng điện chạy dầu giá cao và chuyển dịch năng lượng theo hướng phát triển bền vững, giảm phát thải khí nhà kính. Việc phát triển các dự án điện năng lượng tái tạo cũng đã góp phần phát triển ngành công nghiệp sản xuất máy móc, thiết bị và dịch vụ về điện mặt trời; khai thác có hiệu quả các vùng đất khô cằn, hiệu quả sản xuất nông nghiệp thấp; thu hút được lượng vốn xã hội lớn đầu tư vào hạ tầng ngành điện.

    Tuy nhiên, cơ chế FIT cũng có một số hạn chế như các dự án tập trung phát triển tại khu vực có tiềm năng tốt dẫn đến quá tải lưới điện tại một số khu vực, gia tăng cạnh tranh về đất đai. Mặt khác, giá điện FIT khó có thể phản ánh sát và kịp thời sự thay đổi giá công nghệ của thị trường nên thường dẫn tới sự phát triển “nóng” ngoài mong muốn.

    Trong giai đoạn tới, khi thị trường năng lượng tái tạo Việt Nam phát triển ổn định, đồng thời công nghệ năng lượng tái tạo đã có những tiến bộ vượt bậc, chi phí công nghệ giảm mạnh, năng lượng tái tạo có thể cạnh tranh với nguồn năng lượng truyền thống, nên giá bán điện năng lượng mặt trời cũng cần chuyển sang cơ chế mới để khắc phục các hạn chế nêu trên theo hướng có lợi cho tổng thể giá điện quốc gia, phục vụ nhân dân và doanh nghiệp. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo Bộ Công Thương nghiên cứu, đề xuất áp dụng cơ chế đấu thầu cho phát triển nguồn năng lượng tái tạo thay thế cho cơ chế FIT.

    Thành Công
    https://petrotimes.vn/bo-cong-thuong-gia-dien-mat-troi-co-the-thay-doi-571302.html

    Subscribe

    - Never miss a story with notifications

    - Gain full access to our premium content

    - Browse free from up to 5 devices at once

    Latest stories

    spot_img