Cũng như nhiều TP khác trên toàn thế giới, thủ đô Addis Ababa của Ethiopia đang phải đối mặt với khó khăn trong việc xử lý hàng tấn rác thải mỗi năm.
Tuy nhiên, vấn đề này dường như có thể được giải quyết khi Chính phủ Ethiopia đang phát triển nhà máy giúp biến rác thải ô nhiễm thành năng lượng sạch phục vụ khoảng 5 triệu người dân thủ đô. Nếu thành công, dự án này sẽ góp phần giúp quốc gia châu Phi đạt mục tiêu ngăn chặn việc phát thải khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia, bên cạnh những tòa nhà chọc trời hào nhoáng là những núi rác khổng lồ mà người dân địa phương còn gọi là “Reppie” hay “Koshe” – trong tiếng Amhara có nghĩa là “bẩn”. Có tới hơn 300.000 tấn rác thải của TP tập trung tại đây mỗi năm.
Để giải quyết vấn đề này, mới đây, Chính phủ Ethiopia đã phối hợp với Công ty công nghiệp Cambridge của Anh phát triển dự án biến rác thải thành điện năng, góp phần tăng lượng điện cung cấp cho lưới điện quốc gia.
Ông Ermias Alemayehu, Công nghiệp Cambridge Đông Phi cho biết: “Nhà máy sẽ tạo nguồn năng lượng xanh, với khoảng 185 gigawat giờ điện cho lưới điện quốc gia. Quá trình này hoàn toàn không gây hại cho môi trường do không phát thải khí ô nhiễm. Nhà máy được chế tạo dựa trên tiêu chuẩn phát thải của châu Âu”.
Nhà máy mới này là một phần trong chiến lược kinh tế xanh của chính phủ Ethiopia, được triển khai từ năm 2011 với mục tiêu đến năm 2025 không phát thải khí nhà kính.
Theo Quang Ngọc/ANTV (12/8/2018)