Lợi dụng đặc điểm nhẹ và kích thước hạt mịn, nhóm tác giả của Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM đã tái sử dụng bột nhựa thải từ quá trình khoan, cắt sản xuất các bo mạch điện tử làm gạch bê tông ứng dụng trong xây dựng.

Song song với việc phát triển kinh tế xã hội thì chất thải cũng là một vấn đề rất đáng quan tâm, một trong những loại chất thải phát sinh từ quá trình sản xuất bo mạch là bột nhựa lẫn hoặc không lẫn các thành phần kim loại nguy hại có giá trị kinh tế như: vàng, đồng, chì, sắt, nhôm, niken, bạc, thiếc…

Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ trong những năm gần đây và trong tương lai đòi hỏi nhu cầu sản xuất bo mạch điện tử ngày càng nhiều.

Đặc điểm bột nhựa này tuy chưa xác định rõ ràng về tính chất nguy hại nhưng kích thước hạt mịn, trọng lượng nhẹ, thể tích lưu trữ lớn và khá tốn kém trong quá trình thu gom, xử lý.


Gạch bê tông từ bột nhựa thải. Ảnh: Thanh Diễm

Lợi dụng đặc điểm nhẹ và kích thước hạt mịn, nhóm tác giả gồm Thạc sĩ Ngô Thị Thanh Diễm và các bạn sinh viên năm cuối Trường đại học công nghiệp thực phẩm TP.HCM đã tiến hành nghiên cứu tái sử dụng bột nhựa thải và tái chế thành sản phẩm có ích đối với xã hội nhưng vẫn đảm bảo các yêu cầu về môi trường khi sử dụng.

Theo đó, đề tài đã nghiên cứu khả năng tái sử dụng bột nhựa thải từ quá trình khoan, cắt sản xuất các bo mạch điện tử làm gạch bê tông ứng dụng trong xây dựng và so sánh chúng với các nhóm sản phẩm cùng loại theo tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN).

Kết quả nghiên cứu bước đầu cho thấy bằng phương pháp cố định hoá rắn xử lý chất thải, các sản phẩm đóng rắn từ bột nhựa thải hầu như đáp ứng tốt về độ rò rỉ đồng cho phép theo phương pháp ngâm chiết độc tính (TCLP), cường độ nén cao đối với nhóm sản phẩm đóng rắn bằng xi măng với tỷ lệ phối trộn xi măng: bột nhựa thải là 70:30 và tỷ lệ nước:xi măng là 55:100.


Ảnh: Thanh Diễm

Mẫu mã sản phẩm gạch bê tông đóng rắn từ bột nhựa thải phù hợp với TCVN 6477:2011 về độ bền nén yêu cầu lớn hơn 5 Mpa và độ hút nước nhỏ hơn 14%. Ngoài ra, các sản phẩm gạch bê tông đóng rắn từ bột nhựa thải cũng cho kết quả phân tích độ rò rỉ đồng đáp ứng tốt các yêu cầu môi trường theo EPA (nhỏ hơn 100 mg/L).


Ảnh: Thanh Diễm

Về hướng nghiên cứu tiếp theo trong thời quan tới, ThS. Thanh Diễm cho biết, nhóm sẽ tiến hành nghiên cứu việc tách, thu hồi triệt để kim loại quý trước khi tiến hành đóng rắn. Đồng thời, nhóm cũng tiến hành thử nghiệm việc ứng dụng các phụ gia khác ngoài xi măng để tăng cường hiệu quả đóng rắn, đa dạng hoá sản phẩm đóng rắn tái chế tái sử dụng bột nhựa thải này, nhằm góp một phần vào công cuộc bảo vệ môi trường chung cho cộng đồng.

Theo moitruong.com.vn