25 C
Hanoi
Thứ hai, Tháng mười một 18, 2024
More
    HomeTiêu dùng bền vữngBí quyết chọn ô tô cũ để không mua phải xe từng...

    Bí quyết chọn ô tô cũ để không mua phải xe từng gặp tai nạn

    Date:

    Related stories

    Thời gian gần đây nổi lên dịch vụ “check xe”, dành cho những người có nhu cầu mua xe cũ nhưng sợ mua phải xe “tân trang”. Tuy nhiên người dùng cũng có thể tự kiểm tra để đảm chiếc xe mình mua đúng giá trị.

    Ông Trương Đăng Tân – Giám đốc Trung tâm Đào tạo lái xe Học viện Quốc Tế cho biết, việc kiểm tra và định giá xe là bước quan trọng được nhiều người quan tâm khi có nhu cầu mua bán ô tô cũ.

    Việc định giá chính xác sẽ giúp chủ xe cũ thu hồi tối đa giá trị tài sản còn người mua cũng sở hữu được xe có chất lượng tương xứng với chi phí bỏ ra.


    Xe tai nạn được tân trang, bán không đúng với giá trị thực. Ảnh minh họa

    Theo ông Tân, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến giá xe ôtô cũ như thương hiệu, xuất xứ của xe, tình trạng thực tế của xe ô tô cũ, thời gian sử dụng và quãng đường xe đã đi.

    Trong đó tình trạng thực tế của xe là cơ sở quyết định giá trị xe ô tô đã qua sử dụng. Yếu tố này còn quan trọng hơn cả việc xe đã qua sử dụng bao nhiêu năm bởi xe mới mua, sử dụng nhưng bị tai nạn, thủy kích, trải qua sửa chữa lớn sẽ bị mất giá nhiều hơn so với các mẫu xe cũ sử dụng lâu nhưng có lịch sử “sạch”.

    Dưới đây là một số mẹo giúp người dùng kiểm tra chiếc xe ô tô mình định mua đã từng bị tai nạn hay chưa

    Kiểm tra kính chắn gió

    Kính chắn gió thường khó bị hỏng, nứt vỡ nếu không có tác động mạnh. Để xác định xem kính chắn gió đã được thay thế hay chưa, bạn có thể kiểm tra số “VIN” ở góc dưới bên trái và so sánh với năm sản xuất. Nếu thấy nứt hoặc mẻ trên kính chắn gió, đó có thể là dấu hiệu xe từng bị va chạm mạnh.

    Kiểm tra bề mặt phẳng xe

    Kiểm tra bề mặt phẳng của xe là một cách đơn giản để phát hiện xe ô tô có bị tai nạn hay không. Dùng tay và mắt để kiểm tra bề mặt thân xe và tìm các vị trí không phẳng. Xe bị tai nạn thường có các vết lồi hoặc lõm trên thân xe.

    Kiểm tra đèn

    Kiểm tra tính đồng đều giữa đèn pha và đèn hậu. Nếu thấy một bên mới và một bên cũ, có thể cho thấy hệ thống đèn đã được thay thế. Ngoài ra, kiểm tra chân đèn pha, vì chúng dễ gãy khi có va chạm và thường cần được hàn lại.

    Kiểm tra bề mặt nước sơn bên ngoài và bên trong

    Kiểm tra mặt nước sơn ngoại thất để xem xe có bị trầy xước, bong tróc hoặc sơn lại không. Kiểm tra mã màu sơn trên tem xe để xác định xem nó khớp với màu sơn hiện tại hay không. Nếu không khớp hoặc màu sơn không đồng nhất, có thể xe đã được sơn lại. Hãy kiểm tra sơn bên trong xe, vị trí ít chịu tác động từ môi trường bên ngoài. Nếu bề mặt sơn có dấu hiệu nứt, bong tróc hoặc han gỉ, đó có thể là dấu hiệu xe từng bị va chạm.

    Kiểm tra vết nứt ở cản trước và cản sau

    Các cản trước và cản sau thường bị hỏng khi có va chạm. Kiểm tra xem có vết trầy xước nặng, vết nứt hoặc vết sơn khác màu ở hai bộ phận này.

    Kiểm tra đường viền và đường gân trên xe

    Kiểm tra đường viền trên thân xe bằng cách ngang mắt và quan sát kỹ đường viền chính bên sườn xe. Nếu đường viền xe có dấu hiệu không đều hoặc bị méo, có thể cho thấy các phần trang trí thân đã từng bị thay thế hoặc làm đập lại.

    Kiểm tra khe cửa, mép cửa, ốp thân

    Kiểm tra khe cửa, mép cửa và ốp thân là cách nhận biết rõ dấu hiệu của các va chạm, đặc biệt là va chạm hai bên hông. Nếu xe bị tai nạn, các chi tiết này thường không đều vì đã bị thay thế và sửa chữa. Hãy mở cửa trước và sau cùng một lúc để so sánh.

    Kiểm tra chắn bùn và cản va

    Chắn bùn và cản va thường làm từ nhựa tổng hợp, dễ bị hỏng khi có va chạm. Kiểm tra xem có vết trầy xước nặng, nứt hoặc vá trên chắn bùn và cản va. Nếu bạn thấy những vết này, có thể xe từng bị tai nạn hoặc đã được tân trang sau tai nạn.

    Kiểm tra mặt dưới nắp capo

    Kiểm tra mặt dưới nắp capo là cách khác để xác định xem xe có bị va chạm từ phía trước hay không. Nếu xe bị va chạm, phần mặt trên nắp capo có thể được sơn lại, nhưng mặt dưới thường không được xử lý. Hãy xem xem có dấu vết móp hoặc chắp vá trên mặt dưới nắp capo.

    Kiểm tra cốp sau

    Kiểm tra cốp sau là cách để biết xem xe có bị tai nạn từ phía sau hay không. Hãy lật thảm lót cốp sau lên để xem từng chi tiết, đặc biệt là các góc cạnh, xem nếu có vết gò hay dấu hiệu từng va chạm.

    Kiểm tra khung gầm

    Khung gầm ít gỉ sét là tốt. Kiểm tra khung gầm để xem mối hàn điểm còn nguyên vẹn, keo chống gỉ giữa các điểm nối còn tốt, và có dấu hiệu gỉ sét tự nhiên hay không. Nếu có dấu hiệu sửa chữa, đó có thể là dấu hiệu xe đã từng bị tai nạn hoặc ngập nước.

    Kiểm tra số VIN

    Kiểm tra số VIN của xe ở nhiều vị trí khác nhau, như cửa, động cơ, khung xe, góc thân. Hãy xem xét xem số VIN có thống nhất hoặc có dấu hiệu bất thường nào không.

    Kiểm tra máy khi chưa nổ

    Quan sát các chi tiết như ốc động cơ – hộp số, dầu máy và bu-lông để kiểm tra xem có dấu vết trầy xước hay không. Nếu xe từng bị ngập nước hoặc va chạm mạnh, máy và hộp số thường được tháo rời hoàn toàn để sửa chữa. Nếu thấy dấu hiệu thay đổi ốc máy hoặc các vị trí dầu máy, đó có thể là dấu hiệu xe đã từng bị tai nạn.

    Lái thử xe ô tô

    Khi lái thử xe, hãy cảm nhận cảm giác lái, sự bất ổn của tay lái, và tiếng máy hoạt động. Một số vụ tai nạn có thể ảnh hưởng xấu đến động cơ, hộp số và hệ thống lái.

    Sau khi kiểm tra lái thử mà vẫn quyết định mua người dùng có thể sử dụng một số phương pháp định giá sau đây để mua được chiếc xe tương ứng với giá trị:

    Đối với “xe lướt” là xe mà bạn đã mua mới nhưng chưa sử dụng, vì vậy nó gần như không trải qua quá trình khấu hao giá trị. Cách định giá cho loại xe này thường khá đơn giản và thường được tính theo công thức sau:

    Giá xe cũ = Giá mua ban đầu – (Các khoản phí và lệ phí)

    Các khoản phí và lệ phí này có thể bao gồm lệ phí trước bạ, phí đăng kiểm xe, phí đăng ký và cấp biển số, và các khoản phí tương tự.

    Đối với xe đã qua sử dụng từ 2-5 năm: Xe đã qua sử dụng thường trải qua quá trình khấu hao giá trị, nhưng mức độ này có thể khác nhau tùy thuộc vào dòng xe, năm sản xuất, độ bền, và nhiều yếu tố khác. Giá trị còn lại của xe cũng bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau. Thường, giá xe ô tô đã qua sử dụng được xác định theo công thức sau:

    Giá xe cũ = Giá xe lướt – Khấu hao ± Các yếu tố ảnh hưởng

    Mức độ khấu hao có thể thay đổi tùy theo dòng xe và phân khúc. Những dòng xe hạng sang có giá cao thường có mức khấu hao lớn hơn so với các dòng xe phổ thông. Nói chung, xe đắt tiền thường có giá trị khấu hao lớn, trong khi xe phổ thông có giá trị khấu hao thấp hơn.

    Các yếu tố như thương hiệu, xuất xứ, màu sắc, thời gian sử dụng, và tình trạng thực tế của xe cũng có ảnh hưởng đáng kể đến cách định giá xe ô tô đã qua sử dụng.

    Duy Trinh (t/h)
    https://vietq.vn/bi-quyet-chon-o-to-cu-de-khong-mua-phai-xe-tung-gap-tai-nan-d215313.html

    Subscribe

    - Never miss a story with notifications

    - Gain full access to our premium content

    - Browse free from up to 5 devices at once

    Latest stories

    spot_img