Để giảm hiệu ứng nhà kính do con người tạo ra, một trong những giải pháp là thu gom khí CO2 có trong bầu khí quyển rồi đem về dùng vào các mục đích thương mại khác nhau. Một công ty nhỏ ở Thụy Sỹ đang cố gắng làm điều đó với hy vọng tìm ra một giải pháp cho vấn nạn biến đổi khí hậu của thế giới.

Phóng viên tờ New York Times cùng các kỹ sư của công ty Climeworks trèo lên nóc một nhà máy xử lý chất thải để phát điện tại làng Hinwil, cách Zurich – thành phố lớn nhất Thụy Sỹ chừng 30 phút lái xe. Ở đó có 12 thiết bị khá lớn, xếp thành hai hàng, trông như các máy giặt cửa trước ngoại khổ. Đây là các chiếc máy “bắt khí CO2”. Khí CO2 sau khi bị bắt nhốt lại, sẽ được chuyển vào các thùng lớn chở về một nhà máy đóng chai Coca-Cola gần đó để tạo vị đặc trưng cùng sự sủi bọt của nước giải khát.

Tuy nhiên, các máy bắt khí này cần nhiều năng lượng để hoạt động. Chúng cần quạt điện để hút không khí vào, cho chạy qua những loại vật liệu đặc biệt có tác dụng giữ lại khí CO2; sau đó cần những đợt phun nóng vào để giải phóng CO2 khỏi vật liệu hút khí. Một phần mềm chuyên dụng quản lý quy trình hút nhả liên tục.

Climeworks lắp đặt các máy bắt khí trên nóc nhà máy điện là để tận dụng nguồn điện và nguồn khí nóng từ hệ thống xử lý chất thải của nó. Cách hai dãy máy mới là 18 máy cũ đã lắp đặt từ năm ngoái.

Cho đến nay, các máy này đã bắt được chừng 1.000 tấn CO2 từ không khí rồi chuyển vào một đường ống dẫn đến một nhà kính gần đó. Khí CO2 giúp nhà kính trồng cà chua, cà tím, dưa chuột…

Các máy bắt khí của Climeworks là nỗ lực đầu tiên trên thế giới khi một doanh nghiệp tìm cách thu khí CO2 từ không khí rồi bán nó ra thị trường như một phương thức hoạt động. Khi hai nhà sáng lập Climeworks Christoph Gebald và Jan Wurzbacher bàn kế hoạch khởi nghiệp theo con đường này, mọi người tỏ vẻ hoài nghi.

Đầu tiên ai cũng bảo rất khó khả thi về mặt kỹ thuật. Đến khi họ lắp đặt các máy bắt khí đầu tiên, thu được dòng khí CO2 đầu tiên, thiên hạ quay sang hoài nghi về tính thương mại của dự án.

Cho đến nay thiên hạ hoài nghi đúng – Climeworks chưa có lãi. Chế tạo và lắp đặt 18 máy bắt khí tại Hinwil tốn khoảng 3-4 triệu đô la Mỹ nên giá thành bắt một tấn khí CO2 hiện nay là vào khoảng 500-600 đô la. Mặc dù các nhà đầu tư mạo hiểm đã đổ vào đây chừng 50 triệu đô la, Climeworks đang đối đầu với bài toán: làm sao để hạ giá thành bắt khí và tăng quy mô nhanh chóng.

Hai nhà sáng lập tin họ có thể bán khí CO2 cho các doanh nghiệp sản xuất thức uống hay các nông trại lớn. Hai nơi này tiêu thụ nhiều CO2, đồng thời nếu biết quảng bá, họ sẽ bỏ thêm ít tiền mua CO2 được bắt theo kiểu này vì như thế là đang giúp thế giới giảm hiệu ứng nhà kính, chặn đứng hiện tượng biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, cộng lại cả hai nơi này, trên toàn thế giới, mỗi năm chỉ tiêu thụ chừng 6 triệu tấn CO2.

Gebald và Wurzbacher tin rằng trong vòng 7 năm tới, họ sẽ hạ giá thành xuống đến mức cho phép họ bán khí cho những thị trường béo bở hơn. CO2 thu từ không khí trộn với hydrogen sẽ cho ra các loại nhiên liệu thay thế nhiên liệu hóa thạch. Nếu con người có thể tạo ra nhiên liệu từ không khí, đây sẽ là bước ngoặt khổng lồ như cách đây 100 năm người ta đã tạo ra amoniac từ không khí để sản xuất phân bón nhân tạo trên quy mô lớn.

Climeworks và một doanh nghiệp Canada khác, Carbon Engineering đang triển khai nghiên cứu theo hướng này. Doanh nghiệp Canada đang được hỗ trợ bởi nhiều nhà đầu tư lớn, kể cả Bill Gates để sản xuất nhiên liệu tổng hợp quy mô lớn từ khí CO2 bắt từ không khí.

Một hướng phát triển khác của Climeworks là bắt khí CO2 rồi chôn sâu dưới lòng đất. Họ đang bắt khí rồi bơm xuống các tầng đá ngầm tại Iceland. Tuy nhiên, vấn đề là làm sao bán dịch vụ này, bán cho ai, bán với giá bao nhiêu, mặc dù rõ ràng đây là điều nhân loại cần làm để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Trong các giải pháp giảm khí thải, dùng thiết bị bắt khí trực tiếp là phương cách tốn kém, quy mô lại khiêm tốn. Thế nhưng nó lại có triển vọng tạo ra những đột phá bất ngờ. Biết đâu Climeworks sẽ lập lại phép lạ như Carl Bosch từng làm với công nghệ tạo ra amoniac từ không khí để làm phân bón cách đây một thế kỷ. Nhờ công trình này mà Bosch được giải Nobel năm 1932 và được mệnh danh người “làm ra bánh mì từ không khí”.

Theo thesaigontimes.vn (11/3/2019)