Theo các bác sĩ tim mạch, có rất nhiều thực phẩm người tiêu dùng cần tránh như khoai tây chiên, kem, thực phẩm siêu chế biến… để tốt cho hệ tim mạch.

Theo các chuyên gia, thành phần dinh dưỡng của một số loại thực phẩm có thể hỗ trợ sức khỏe tim mạch của chúng ta. Rau quả chứa nhiều vitamin và khoáng chất chống lại bệnh tim. Cá chứa axit béo omega-3 hỗ trợ điều chỉnh mức chất béo trung tính trong khi ngũ cốc nguyên hạt có thể giúp kiểm soát huyết áp. Ngược lại, không ít loại thực phẩm có thể gây nguy hiểm cho tim mạch.

Khoai tây chiên

Trong số những thực phẩm mà nhiều bác sĩ tim mạch khuyên nên từ bỏ đầu tiên là khoai tây chiên. Dữ liệu khảo sát do Statista công bố tiết lộ hơn 284 triệu người Mỹ (hơn 80% dân số) ăn khoai tây chiên vào năm 2020.

Tiến sĩ, bác sĩ tim mạch Elizabeth Klodas của Mỹ chia sẻ, nếu ăn khoảng 30g khoai tây chiên hằng ngày trong một năm, chúng ta sẽ hấp thụ khoảng 200g muối, có thể dẫn đến tăng 6,8kg. Vì những nguy cơ sức khỏe này, bác sĩ Klodas cho biết cá nhân bà kiêng ăn khoai tây chiên bằng mọi giá.

Cũng có thể thỉnh thoảng thưởng thức một ít khoai tây chiên không nguy hiểm. Điều quan trọng là nên quan tâm tới số lượng và tần suất thưởng thức món này.

Thịt chế biến sẵn

TS.BS Neil Srinivasan, điều hành một phòng khám tim mạch tại Anh cho biết, bệnh tim và đột quỵ vẫn là những “kẻ giết người” lớn nhất ở phương Tây, bất chấp những tiến bộ y tế. Béo phì, tiểu đường và lối sống ít vận động dẫn đến tăng cholesterol, huyết áp cao và kháng insulin là những vấn đề lớn trong cuộc sống hiện đại. Điều này có sự góp phần rất lớn của thực phẩm siêu chế biến.

Theo đó TS.BS Neil Srinivasan khuyên không nên ăn salami (một dạng xúc xích), đặc biệt là loại chứa nhiều calo và chất béo bão hòa hoặc chất béo chuyển hóa. Tất nhiên cũng nên hạn chế các thực phẩm sử dụng xúc xích, thịt nguội như pizza.

Đồ chiên trong dầu hoặc bơ có thể là nguyên nhân gây ra bệnh tim và cholesterol cao. Tiến sĩ Srinivasan giải thích: “Chiên thức ăn ngập dầu mỡ hoặc sử dụng thịt xông khói có thể tăng hương vị bữa ăn nhưng cũng làm tăng nhiều chất phụ gia”.

Lượng muối bổ sung có trong thịt chế biến sẵn cũng gây cao huyết áp – một yếu tố được cho góp phần dẫn tới bệnh tim. Thịt chế biến sẵn cũng thường chứa nitrat, chất có liên quan đến ung thư.

Thức uống có đường

Trong đồ uống có ga như soda, nước tăng lực có thể chứa rất nhiều đường, caffeine và calo rỗng. Các chuyên gia giải thích những đồ uống này khiến chúng ta dễ mắc các bệnh như tiểu đường và chuyển hóa, cả hai đều liên quan đến bệnh tim mạch. Hàm lượng đường và caffeine trong các thức uống trên có khả năng dẫn đến tim đập nhanh hoặc rối loạn nhịp tim.

Ngũ cốc ăn sáng chế biến sẵn

Thưởng thức một bát ngũ cốc ăn sáng chế biến sẵn chứa nhiều đường là một trong những cách ít lành mạnh nhất để bắt đầu ngày mới. TS Srinivasan cho biết chúng là thực phẩm siêu chế biến, “kẻ thù số một”. Nghiên cứu gần đây theo dõi 10.000 phụ nữ Australia trong 15 năm, cho thấy những người tiêu thụ lượng thực phẩm chế biến sẵn cao nhất trong chế độ ăn uống có nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp hơn 39% so với những người dùng ở mức thấp nhất.

Hầu hết loại thực phẩm trải qua một vài quy trình sản xuất dưới hình thức cắt nhỏ, nấu, nướng, lọc hoặc đóng hộp. Tuy nhiên, thực phẩm siêu chế biến trải qua quá trình xử lý nhiều hơn. Phân tích trên một triệu người cho thấy những người tiêu thụ nhiều thực phẩm siêu chế biến tăng 24% nguy cơ gặp các vấn đề nghiêm trọng về tim và tuần hoàn bao gồm đau tim, đột quỵ và đau thắt ngực.

Bánh ngọt nướng, thanh ngũ cốc và bánh quy mang đi đều thuộc danh mục thực phẩm siêu chế biến. Những sản phẩm này được sản xuất bằng cách chế biến công nghiệp. Chúng chứa chất phụ gia như màu thực phẩm, hương vị, chất nhũ hóa hoặc chất bảo quản, cũng như phân hủy thực phẩm ban đầu thành các chất bao gồm dầu, đường và tinh bột. Đồ nướng nổi tiếng là làm tăng LDL – loại cholesterol xấu – tích tụ trong thành động mạch.

Kem

Kem cũng là món nên hạn chế, bởi với quá trình chế biến nhiều công đoạn, thuộc danh mục thực phẩm siêu chế biến. Một nghiên cứu từ Tây Ban Nha theo dõi gần 20.000 sinh viên tốt nghiệp đại học cho thấy mối liên hệ giữa thực phẩm siêu chế biến và nguy cơ tử vong sớm. Những người ăn nhiều nhất (4 phần trở lên mỗi ngày) nguy cơ tử vong cao hơn 62% sau trung bình 10 năm so với những người ở nhóm thấp (ăn 2 phần ăn trở xuống). Trái cây hấp hoặc tươi là tốt nhất. Giải pháp tốt nhất là nên duy trì 3 phần trái cây tươi mỗi ngày.

Đồ uống có ga

Hấp thụ quá nhiều đường từ đồ uống có ga liên quan đến nguy cơ béo phì, tăng huyết áp và tiểu đường type 2. Do đó, nên cắt bỏ hoàn toàn thức uống này. Nên dùng nước, nước trái cây. Mỗi ngày có thể dùng 1-3 tách cà phê. Thay bia hoặc rượu bằng rượu vang, không quá hai ly 148 ml mỗi ngày đối với nam và một ly mỗi ngày đối với nữ.

Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7049:2020 về Thịt chế biến đã qua xử lý nhiệt

Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7049:2020 do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố. Tiêu chuẩn này áp dụng cho các sản phẩm thịt chế biến đã qua xử lý nhiệt được dùng làm thực phẩm. Tiêu chuẩn này không áp dụng đối với thịt hộp.

Theo đó nguyên liệu chính sử dụng trong chế biến sản phẩm thịt đã qua xử lý nhiệt có thể là: Thịt tươi, phù hợp với TCVN 7046, hoặc thịt mát, phù hợp với TCVN 12429 (tất cả các phần), hoặc thịt đông lạnh, phù hợp với TCVN 7047.

Các nguyên liệu tùy chọn sử dụng trong chế biến sản phẩm thịt đã qua xử lý nhiệt như muối, nước mắm, đường, hạt tiêu, hành, tỏi, gừng, sả, ớt v.v…: đáp ứng các yêu cầu về chất lượng và an toàn để dùng làm thực phẩm.

Yêu cầu cảm quan của thịt chế biến đã qua xử lý nhiệt phải đặc trưng, không có tạp chất lạ. Chỉ sử dụng các chất phụ gia thực phẩm với mức sử dụng tối đa theo quy định hiện hành. Thịt chế biến đã qua xử lý nhiệt được vận chuyển bằng các phương tiện khô, sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Sản phẩm được bảo quản ở nhiệt độ phù hợp, nơi khô, sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Vân Thảo (T/h)
https://vietq.vn/bac-si-tim-mach-chi-ra-nhung-thuc-pham-can-tranh-de-tot-cho-he-tim-machs9-d222189.html