Viêm phế quản là bệnh thường gặp ở trẻ em do nhiều nguyên nhân tuy nhiên có rất nhiều bà mẹ tự ý mua thuốc điều trị tại nhà mà không theo đơn bác sĩ. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy hại.

Viêm phế quản là tình trạng bệnh lý của đường thở thường gặp ở trẻ em, gây ra các triệu chứng như ho dai dẳng, mệt mỏi và khó thở. Bệnh có khả năng gây tắc nghẽn phổi nếu không điều trị kịp thời các triệu chứng.

Viêm phế quản là tình trạng viêm niêm mạc của ống phế quản. Ngoài các cơn ho dai dẳng, viêm phế quản có thể gây khó thở, mệt mỏi, thở khò khè, tức ngực và sốt. Ngoài ra, các triệu chứng có thể đưa tới chẩn đoán của viêm phế quản như ho khan hoặc ho có đờm dai dẳng trên 3 tuần, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt là cơn ho xuất hiện dày đặc vào buổi tối gây mất ngủ. Cơn sốt cao và liên tục trên 38 độ. Dịch đàm, chất nhầy tiết ra nhiều, có màu vàng hoặc xanh, mùi hôi khó chịu. Các cơn khó thở xuất hiện càng nhiều khi triệu chứng nặng hơn khiến người bệnh mệt mỏi. Người bệnh xanh xao, sụt cân nhanh, buồn nôn và nôn, chán ăn hoặc ăn không ngon.

Lúc này để giảm thiểu tình trạng viêm có nhiều cha mẹ chủ quan đã tự ý mua thuốc về cho con uống mà không theo sự chỉ dẫn của bác sĩ. Điều này vô cùng nguy hiểm vì theo các bác sĩ tại Bệnh viện Tâm Anh (thành phố Hồ Chí Minh), thuốc điều trị viêm phế quản ở trẻ em phải được sử dụng đúng theo chỉ định của bác sĩ. Việc tự ý cho trẻ dùng thuốc hoặc điều chỉnh liều lượng thuốc có thể khiến trẻ gặp nhiều rủi ro đáng tiếc.


Sử dụng thuốc điều trị viêm phế quản cần lưu ý để tránh tác hại. Ảnh minh họa

Bất kỳ loại thuốc nào cũng có thể gây ra tác dụng phụ do đó, phụ huynh cần theo dõi các biểu hiện của trẻ và thông báo ngay có bác sĩ để được hỗ trợ kịp thời nếu trẻ có bất thường. Ở mỗi lần viêm phế quản, trẻ sẽ được điều trị theo một phác đồ riêng nên phụ huynh tuyệt đối không tự ý cho trẻ sử dụng lại toa thuốc cũ nếu thấy trẻ có các triệu chứng tương tự lần bệnh trước đó và cần đưa trẻ đến bệnh viện để bác sĩ khám chữa bệnh phù hợp.

Ho là triệu chứng điển hình của viêm phế quản, là phản xạ của cơ thể để tống các tác nhân gây bệnh ra ngoài. Do đó, thuốc giảm ho sẽ bị hạn chế sử dụng trong điều trị bệnh này. Phụ huynh cho trẻ dùng thuốc đúng theo liều lượng, loại thuốc và cách dùng do bác sĩ chỉ định, không tự ý kết hợp thuốc với các thực phẩm chức năng khác bởi điều này có thể gây giảm hiệu quả điều trị.

Tuyệt đối không tự ngừng dùng thuốc khi không có sự đồng ý của bác sĩ, đặc biệt nếu trẻ đang được điều trị bằng thuốc kháng sinh, bởi điều này có thể gây ra tình trạng kháng kháng sinh. Khi hết thuốc, cho trẻ tái khám theo chỉ định để bác sĩ kiểm tra, đánh giá tình trạng sức khỏe của trẻ. Các thuốc sử dụng trong điều trị viêm phế quản nên được kê đơn bởi bác sĩ chuyên khoa.

Thuốc giảm ho, long đờm: Là loại thuốc giúp tiêu đờm, giảm dịch nhầy kích thích gây ho, hỗ trợ làm sạch chất nhầy từ đường hô hấp trên và dưới bao gồm phổi, phế quản, khí quản. Một trong những nhóm thuốc phổ biến là guaifenesin nhưng có tác dụng phụ là buồn nôn và nôn

Thuốc kháng viêm: Hầu hết bệnh nhân viêm phế quản đều được chỉ định các loại thuốc kháng viêm khác nhau. Thuốc chứa corticoid có tác dụng kháng viêm tương đối mạnh, nhanh chóng cắt đứt các chuỗi phản ứng viêm tuy nhiên thường để lại nhiều tác dụng phụ như nhức đầu, chóng mặt, ợ chua và buồn nôn.

Thuốc kháng sinh: Viêm phế quản đơn thuần thường không cần sử dụng kháng sinh. Tuy nhiên các trường hợp xác định được vi khuẩn gây nên viêm phế quản thì bác sĩ sẽ sử dụng kháng sinh để điều trị. Các loại thuốc kháng sinh thường dùng là penicillin, ampicillin, amoxicillin, beta lactam, macrolide, quinolone,… Tuỳ vào mức độ nhiễm khuẩn mà bệnh nhân có thể được kê toa với các loại kháng sinh khác nhau. Việc sử dụng cũng cần có sự dặn dò của bác sĩ, không tự ý mua thuốc, điều chỉnh liều dùng hay đột ngột ngừng thuốc gây ra tình trạng kháng kháng sinh hoặc ngộ độc thuốc

Thuốc chống virus: Thường được sử dụng trong viêm phế quản đã xác định nguyên nhân do virus. Tuy nhiên virus thường khu trú trong tế bào nên việc điều trị sẽ khó khăn hơn

Thuốc giãn phế quản: Nếu bệnh nhân bị viêm phế quản cấp kèm khò khè, có thể được chỉ định dùng thuốc giãn phế quản. Ngoài ra các đối tượng có tiền sử COPD, hen suyễn hoặc viêm phế quản mãn tính cũng có thể được dùng nhóm thuốc này. Thuốc có tác dụng giãn phế quản và tiểu phế quản, giảm sức cản trong đường hô hấp và tăng luồng khí đến phổi. Các loại thuốc thường dùng là: albuterol, metaproterenol, levalbuterol và pirbuterol. Các tác dụng phụ thường gặp gồm tăng nhịp tim hoặc đánh trống ngực, đau bụng, co cứng cơ, đau đầu, buồn nôn và nôn.

Thuốc kháng histamine: Có tác dụng giảm phản ứng dị ứng có thể gặp phải trong viêm phế quản dị ứng. Thuốc này ngăn chặn histamine, một chất hoá học được giải phóng trong cơ thể khi phát hiện chất có hại xâm nhập. Thuốc kháng histamin phổ biến gồm cetirizine và loratadin.

Vân Thảo (T/h)
https://vietq.vn/bac-si-luu-y-khi-dung-thuoc-dieu-tri-viem-phe-quan-de-tranh-tac-hai-toi-suc-khoe-tre-nho-d226481.html