Mặc dù nước dừa rất tốt cho sức khỏe con người nhưng theo bác sĩ, không nên lạm dụng quá nhiều nước uống này vì có thể gây hại sức khỏe.
Nước dừa là một loại thức uống phổ biến và được ưa chuộng, không chỉ cung cấp nhiều dưỡng chất cho cơ thể mà còn có tác dụng giải khát, giảm căng thẳng. Tuy nhiên, nhiều người không biết rằng việc uống nước dừa mỗi ngày có thể gây ra một số vấn đề cho sức khỏe. Những tác hại này có thể ảnh hưởng đến cả những người khỏe mạnh và những người có các vấn đề về bệnh lý.
Bác sĩ Nguyễn Kim Ngân, đơn vị điều trị – chăm sóc da và làm đẹp Bệnh viện Y học cổ truyền thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trái dừa có nhiều công dụng, có thể sử dụng được hầu hết mọi thành phần trong trái dừa như cơm dừa, nước dừa, vỏ dừa…
Nước dừa rất tốt trong việc hỗ trợ làm đẹp da, ngăn ngừa sỏi thận nhưng tránh lạm dụng. Ảnh minh họa
Theo bác sĩ Kim Ngân, một cốc nước dừa tươi cung cấp khoảng 9% đường tự nhiên, thường có ít hoặc không có chất béo trong nước dừa. Nước dừa chứa một lượng nhỏ protein, chứa vitamin C, các vitamin nhóm B, khoáng chất như kali, mangan, magie, canxi, sắt, kali, phốt pho, kẽm và đồng.
Vì chứa nhiều vitamin và khoáng chất nên nước dừa có thể dùng để bổ sung điện giải sau khi cơ thể bị mất nước như sau khi đổ nhiều mồ hôi, tiêu chảy, nôn ói nhiều… nhưng chỉ dùng tạm thời chứ không nên lạm dụng. Càng không nên thay thế nước lọc bằng nước dừa vì nếu uống nước dừa quá nhiều có thể bổ sung quá mức các vitamin và khoáng chất cũng như tăng lượng đường nạp vào cơ thể.
Ngoài ra trong nước dừa chứa nhiều chất chống oxy hóa- một chất làm cơ thể tươi trẻ lâu hơn, da đẹp hơn, chống lại được các tác nhân gây hại được sinh ra trong cơ thể người. Nước dừa cũng có tác dụng tốt trong việc hỗ trợ giảm nguy cơ mỡ máu, sỏi thận. Tuy nhiên do hàm lượng kali trong nước dừa nhiều có thể gây phiền toái cho tim mạch khi sử dụng nhiều.
Theo y học cổ truyền, nước dừa có tính mát, giúp thanh nhiệt, lợi tiểu, nhuận tràng. Lượng nước dừa có thể sử dụng phù hợp là 2-3 trái/tuần. Ai hay bị đau bụng, sôi bụng, tiêu phân lỏng, lạnh tay chân thì không nên uống nước dừa nhiều.
Trái dừa gồm nước dừa và cơm dừa, nếu đói bụng có thể uống nước dừa và ăn cơm dừa để bổ sung năng lượng. Tuy nhiên, điều này không đủ thay thế cho bữa ăn chính. Vì vậy không nên quá lạm dụng.
Nếu uống quá nhiều cũng có thể gây ra tình trạng hạ huyết áp. Điều này đặc biệt ảnh hưởng đến những người có huyết áp thấp hoặc đang sử dụng thuốc giảm huyết áp. Khi uống nước dừa quá nhiều, chất kali trong nước dừa có thể làm cho tế bào thần kinh và cơ bị mất cân bằng, gây ra cảm giác mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn và thậm chí là ngất xỉu.
Ngọc Nga (T/h)
https://vietq.vn/bac-si-khuyen-cao-uong-nuoc-tot-cho-co-the-nhung-khong-the-lam-dung-d219917.html