Theo bác sĩ Viện Y học Bản địa Việt Nam, rươi là thực phẩm giàu dinh dưỡng nhưng khi ăn thực phẩm này cần đặc biệt lưu ý vì không phải ai cũng có thể dùng.
Bác sĩ Hoàng Sầm – Viện Y học Bản địa Việt Nam cho biết, ngày nay, nhiều người biết đến rươi hơn, các món ăn chế biến từ rươi càng trở nên phổ biến. Rươi thực ra là một loài sinh vật thuộc họ giun, nhiều tơ, thân mềm, thân màu xanh, nâu hoặc đỏ. Con rươi thường xuất hiện vào dịp cuối mùa Thu, đầu Đông ở vùng cửa biển. Thời điểm rươi nổi nhiều hơn vào ngày 20 tháng 9 và mùng 5 tháng 10 âm lịch hằng năm. Tuy nhiên, trên thực tế, ngày nay người ta có thể áp dụng nhiều cách thức để thu hoạch rươi đạt năng suất cao. Đây là món ăn hiếm và đắt đỏ từ 400.000-500.000 đồng/kg. Rươi được cho là đặc sản vì một năm chỉ có 1 mùa. Đây là loài động vật nhuyễn thể có nhiều chân, lông khiến một số người sợ hãi và không ăn nhưng cũng có người rất yêu thích.
Các chuyên gia đều chỉ ra rằng thành phần dinh dưỡng của rươi rất cao. Trong 100g rươi có 80% là nước, 14% protein, 4% lipid và nhiều khoáng chất như phốt pho, sắt, cung cấp cho cơ thể khoảng 90 calo (cao hơn thịt bò).
Rươi tốt cho sức khỏe nhưng cũng là món ăn “tai tiếng” vì nguy cơ dị ứng cao, dễ nhiễm vi sinh vật. Nếu người làm không biết chế biến hoặc mua phải rươi không còn tươi, món ăn trở nên nguy hiểm cho sức khỏe.
Do môi trường sống của rươi là bùn ở ao hồ, đầm lầy nên có thể nhiễm các vi khuẩn như E.coli, Salmonella. Loại nhuyễn thể này có hàm lượng đạm cao nhưng khác với đạm trong thịt. Khi ăn rươi, cơ thể sẽ hấp thu lượng đạm cho một dị nguyên, ngấm vào ruột, máu, gây phản ứng. Nguy cơ xảy ra cao hơn nếu mới ăn lần đầu. Chính vì vậy khi chế biến rươi nên sử dụng thêm các vị thuốc thảo dược để tăng độ ngon và hài hòa tính vị của món ăn.
Lưu ý khi chế biến và ăn rươi vì có thể gây dị ứng. Ảnh minh họa
Theo các chuyên gia sức khỏe, việc ăn rươi chỉ thực sự tốt khi ăn với lượng vừa phải và phù hợp với cơ địa từng người. Các bác sĩ khuyến cáo với người trưởng thành có sức khỏe bình thường cũng chỉ nên ăn từ 50 – 100g mỗi ngày và không nên ăn quá thường xuyên bởi rươi rất giàu đạm, có thể sẽ gây dư thừa, dẫn đến những tác dụng phụ ngoài mong muốn.
Theo truyền thống, người Việt dùng vỏ quýt hay còn gọi là trần bì cho vào món này. Theo quan niệm của Đông y, vỏ quýt vị cay, đắng, tính ôn, vào tỳ, phế, tác dụng làm ấm dạ dày, kiện tỳ, lý khí, hoá đờm, tiêu tích, chỉ khái. Dùng cho các trường hợp đầy tức bụng ngực, nôn nấc, ăn kém chậm tiêu. Khi kết hợp với rươi, vỏ quýt giúp khử các độc tính, tiêu trừ tích trệ của cơ thể. Ngoài vỏ quýt, để món ăn thêm đậm vị, người chế biến có thể sử dụng lá thì là, một số loại lá có tinh dầu.
Cũng cần lưu ý, những người dị ứng phấn hoa, tôm, cua, cá và các món ăn lạ nên cẩn trọng. Nếu ăn xong, có các phản ứng gây nổi mề đay, khó thở hoặc tiêu chảy, người dân cần tới cơ sở y tế ngay. Người có bệnh lý chức năng gan, thận kém không nên ăn.
Người già, trẻ em, phụ nữ mang bầu không nên sử dụng rươi. Vì ăn rươi có thể gây khó tiêu, đầy bụng, không có lợi cho tiêu hóa, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Trẻ nhỏ nên ăn rất ít theo cách làm quen thực phẩm.
Khi mua rươi cần mua loại còn sống, những con bên trên khay. Nếu rươi đã chết, ươn, vỡ bụng tốt nhất không nên ăn. Nhiều gia đình mua rươi tích trữ ăn dần. Khi đó, rươi phải rửa sạch, cấp đông ngay nhưng không bảo quản quá lâu trong tủ lạnh.
Khi cấp đông rươi để vận chuyển cần chắc chắn con rươi còn sống. Dùng rươi chết cấp đông là một trong những sai lầm nghiêm trọng khi bảo quản thực phẩm. Ngoài ra, trước khi chế biến lưu ý cần chuyển từ ngăn đá xuống ngăn mát để rã đông dần, không nên dùng lò vi sóng, nước lạnh hoặc nhiệt độ thường để rã đông rươi.
Khi chế biến rươi nên làm sạch lông để khi ăn không bị ngứa cổ. Theo kinh nghiệm dân gian, khi chế biến các món ăn từ rươi nên đun từ từ bằng lửa nhỏ, om kỹ trong thời gian dài thì món ăn mới đượm vị, béo ngậy và đảm bảo an toàn.
Vân Thảo (T/h)
https://vietq.vn/bac-si-khuyen-cao-ruoi-la-mon-an-ngon-nhung-de-mang-hoa-d228913.html