TS.BS Trương Hồng Sơn – Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho rằng, mặc dù yến là món ăn bổ dưỡng nhưng cũng không nên ăn yến hàng ngày vì quá nhiều sẽ phản tác dụng.
Yến là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe nên mọi người có thể sử dụng ở bất kỳ thời điểm nào. Trong yến chứa 18 loại axit amin, 31 nguyên tố vi lượng và nhiều khoáng chất khác mang lại nguồn giá trị dinh dưỡng cao. Yến có thể sử dụng cho trẻ em, bà bầu, phụ nữ mới sinh và cả người lớn tuổi.
Yến còn giúp tăng sức đề kháng, tăng cường hệ thống miễn dịch giúp chống lại bệnh tật. Đặc biệt, yến sào còn rất tốt cho hệ tim mạch, phù hợp với người lớn tuổi. Yến sào rất có lợi đối với đường tiêu hóa, giúp kích thích hệ tiêu hóa luôn khỏe mạnh, do đó yến sào được sử dụng nhiều cho trẻ em.
Yến còn có tác dụng cung cấp nguồn dưỡng chất thiết yếu cho phụ nữ mang thai và sau sinh. Từ đó sẽ giúp trẻ phát triển tốt hơn, ngay từ khi còn ở trong bụng mẹ. Bên cạnh đó cũng giúp sức khỏe của mẹ phục hồi sau sinh.
Nguồn dinh dưỡng có trong yến sẽ giúp người gầy yếu, mới ốm dậy phục hồi sức khỏe nhanh hơn. Mặt khác, nếu là người có chế độ ăn uống lành mạnh thì yến sẽ là lựa chọn tuyệt vời. Bên cạnh đó, yến còn rất tốt cho đôi mắt, xương, não bộ. Vì vậy, nên ăn yến thường xuyên để tăng cường sức khỏe xong không nên ăn quá nhiều vì có thể không tốt cho sức khỏe.
Không nên ăn yến hàng ngày vì có thể gây phản tác dụng. Ảnh minh họa
TS.BS Trương Hồng Sơn- Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết, yến là món ăn có hàm lượng dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe, đặc biệt là người già, người bị ốm, suy giảm đề kháng, tăng cường miễn dịch. Mùa lạnh, nhóm này có nguy cơ bị ốm, cảm cúm hơn. Tuy nhiên tuyệt đối không nên ăn quá nhiều yến sào trong ngày, vì trong yến sào có tính hàn. Nếu ăn yến sào quá liều lượng không chỉ không mang lại hiệu quả tốt mà còn gây chướng bụng, khó tiêu và ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa.
Người khỏe mạnh không cần phải ăn yến thường xuyên, liên tục. Nhóm người cao tuổi, trẻ nhỏ, người ốm cũng không nên ăn hàng ngày, ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa. Bởi, thành phần chính của yến là đạm, ăn quá nhiều đạm không tốt cho cơ thể, thừa chất. Yến thường chưng cùng đường phèn, ăn quá nhiều khiến cơ thể bị dư thừa năng lượng.
Do đó, người già, người bệnh chỉ nên ăn yến 2-3 lần/tuần, mỗi lần khoảng 3 gram. Trẻ dưới một tuổi không nên ăn vì hệ tiêu hóa vẫn chưa phát triển hoàn thiện. Trẻ 1-3 tuổi, có thể tập ăn yến sào hoặc uống nước yến, mỗi lần khoảng 1-2 gram, ăn 3 lần một tuần.Trẻ 3-10 tuổi bắt đầu giai đoạn phát triển não và thể chất, là lứa tuổi thích hợp nhất để ăn yến.
Thời điểm ăn yến tốt nhất khi mới thức dậy, cơ thể sẽ đói và cần bổ sung thêm dinh dưỡng. Một chén cháo, súp, chè hoặc yến chưng đường phèn sẽ giúp cơ thể bổ sung năng lượng cho ngày mới. Ở thời điểm này, cơ thể sẽ hấp thụ chất dinh dưỡng tốt nhất. Tránh sử dụng yến sát giờ ăn chính vì yến sào có vị ngọt thanh sẽ dễ làm giảm cảm giác ngon miệng khi ăn. Đặc biệt, đối với trẻ em nếu ăn yến sát giờ ăn chính sẽ dẫn tới việc biếng ăn.
Tổ yến không phải thuốc chữa bệnh mà chỉ bổ sung dinh dưỡng, tăng cường sức khỏe. Do đó, không nên lạm dụng tổ yến như một phương thức chữa bệnh. Với những người bị viêm nhiễm cấp tính kèm sốt thì không nên sử dụng yến.
Chỉ tiêu kiểm nghiệm yến sào
Yến sào Việt Nam là sản phẩm thuộc hàng chất lượng cao trên thế giới. Tuy nhiên, sản lượng hằng năm của nước ta chỉ vào khoảng 10 tấn/năm, dẫn đến tình trạng cung không đủ cầu. Trước nhu cầu tiêu thụ rất lớn, yến sào nhập khẩu không rõ nguồn gốc xuất xứ được đưa vào bán tràn lan, không chỉ gây nhiều khó khăn cho các nhà sản xuất và kinh doanh yến sào trong nước mà cũng khiến cho người tiêu dùng cảm thấy hoang mang để lựa chọn được một sản phẩm yến sào đúng tiêu chuẩn chất lượng.
Các loại yến sào trước khi được đưa ra thị trường phải trải qua một quá trình kiểm nghiệm khá phức tạp do trong thành phần sản phẩm chứa rất nhiều chất dinh dưỡng. Việc kiểm nghiệm này, giúp cho đơn vị sản xuất có căn cứ để công bố chất lượng, xin giấy phép an toàn thực phẩm. Ngoài ra, kiểm nghiệm yến sào (02 lần/năm đối với sản phẩm của các cơ sở chưa được cấp chứng chỉ hệ thống quản lý chất lượng) còn là yêu cầu bắt buộc trong kế hoạch giám sát định kỳ đã được quy định tại Thông tư 19/2012/TT-BYT của Bộ Y tế nhằm kiểm soát chất lượng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Kiểm nghiệm yến sào phải đáp ứng các quy định sau: Quyết định 46/2007/QĐ – BYT quy định về giới hạn tối đa ô nhiễm sinh học và hóa học trong thực phẩm, QCVN 8 – 2/2011 – BYT về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với giới hạn ô nhiễm kim loại nặng trong thực phẩm, QCVN 8 -3 /2012– BYT về quy chuẩn quốc gia đối với giới hạn ô nhiễm vi nấm trong thực phẩm.
Vân Thảo (T/h)
https://vietq.vn/bac-si-khuyen-cao-khong-nen-an-yen-hang-ngay-vi-co-the-gay-phan-tac-dung-d228661.html