Theo khuyến cáo của các bác sĩ, hiện nay nhiều bà mẹ thường nghĩ rằng cho trẻ ăn nhiều óc lợn sẽ thông minh nhưng thực tế nếu lạm dụng sẽ tiềm ẩn nhiều tác hại hơn là có lợi.

Bác sĩ Trần Thị Trà Phương – Khoa Dinh dưỡng Tiết chế – Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, trong 100g óc lợn cung cấp khoảng 123 kcal, bao gồm 9 g protein, 9,5 g chất béo (2,08 g axit béo no, 1,66 g axit béo không no một nối đôi, 1,43 g axit béo không no nhiều nối đôi, 2.195 mg cholesterol) và 0,4 g carbohydrate. Dù chứa nhiều chất dinh dưỡng nhưng hiện chưa có nghiên cứu nào khẳng định ăn óc lợn giúp trẻ thông minh.

Thậm chí, theo bác sĩ Trà Phương, nếu tẻ thường xuyên ăn thực phẩm này còn làm tăng lượng cholesterol trong cơ thể, dẫn đến các bệnh tim mạch, rối loạn chuyển hóa (tăng mỡ máu, tăng axit uric), thừa cân, béo phì. Nguy cơ ảnh hưởng bất lợi đến phát triển trí não, gây căng thẳng, mệt mỏi, giảm tập trung. Tuy nhiên, để đa dạng thực phẩm cho trẻ, thỉnh thoảng hoặc mỗi tuần một lần, phụ huynh có thể cho con ăn óc heo với lượng vừa phải, tối đa không quá 50 g.

TS.BS Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho hay, với quan niệm “ăn gì bổ nấy”, óc lợn được nhiều người tin là “thuốc tăng cường trí thông minh”. Do đó, nhiều bà mẹ hay chế biến cho con ăn mỗi ngày, đặc biệt trước mỗi kỳ thi quan trọng. Ngoài ra, óc cũng được xem là một thực phẩm bồi dưỡng thường xuyên cho người già, bệnh nhân. Tuy nhiên thực tế đó chỉ là quan niệm được truyền miệng theo dân gian. Việc các mẹ bắt con ăn óc (trong đó phổ biến nhất là óc lợn) hàng ngày để được thông minh là không có bằng chứng về mặt khoa học.


Óc lợn rất tốt cho sức khỏe tuy nhiên không nên lạm dụng. Ảnh minh họa

Tiến sĩ cho biết trí thông minh phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó ăn uống chỉ chiếm một phần nhỏ. Về cơ bản, óc vẫn là một món ăn bổ dưỡng nếu đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm song nếu ăn nhiều sẽ ẩn chứa nhiều nguy cơ. Hầu hết não động vật có chứa hàm lượng cholesterol rất cao, nếu ăn thường xuyên với số lượng nhiều sẽ có nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, gan nhiễm mỡ, thừa cân, béo phì, ảnh hưởng đến phát triển não bộ chứ không phải sẽ phát triển trí thông minh như nhiều người nghĩ.

Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia Lê Thị Hải, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng cho hay, trong các loại óc động vật, trong đó óc lợn được nhiều người sử dụng nhất đồng thời ẩn chứa nhiều nguy cơ nhất. Thực phẩm này không giúp phát triển trí thông minh mà còn gây béo phì cho người ăn, nhất là trẻ nhỏ. Có thể nói việc lạm dụng món ăn này sẽ làm cho trẻ kém thông minh.

Chế độ dinh dưỡng khoa học góp phần kích thích não của bé phát triển. Não cần đa dạng các dưỡng chất khác nhau. Do đó, ba mẹ nên cho con ăn cân đối thực phẩm nhằm bổ sung đủ các nhóm chất chính gồm bột đường, đạm, béo, vitamin và khoáng chất.

Khoảng 60% não bộ được hình thành từ chất béo, một nửa trong số đó là axit béo omega-3 – dưỡng chất thiết yếu mà cơ thể không tự tổng hợp được, cần bổ sung hàng ngày từ các loại thực phẩm. Omega-3 hỗ trợ não tăng cường trí nhớ, cải thiện khả năng tập trung, tư duy nhanh hơn. Thực phẩm giàu omega-3 như cá béo (cá thu, cá hồi, cá ngừ), các loại hạt (óc chó, macca, hạt điều, hạt chia), tảo biển, dầu thực vật, quả bơ.

Ngoài ra nên khuyến khích con ăn rau xanh và trái cây tươi để bổ sung các loại vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hóa. Chúng góp phần tăng cường sức đề kháng, sức khỏe tổng thể và bảo vệ tế bào não khỏi sự tấn công của gốc tự do. Đây là tác nhân làm tổn thương các tế bào thần kinh, ngăn cản máu vận chuyển oxy, suy giảm trí nhớ, khó tập trung.

Hạn chế cho trẻ ăn quá nhiều đồ ngọt (bánh kẹo, trà sữa, nước ngọt), thực phẩm chứa nhiều muối hoặc chất bảo quản (thức ăn nhanh, các loại đồ hộp, xúc xích, dưa muối, khô, mắm), món nhiều dầu mỡ (gà rán, khoai chiên). Khuyến khích trẻ thường xuyên uống đủ nước (tùy độ tuổi), tăng cường hoạt động thể chất, ngủ đủ giấc. Không sử dụng rượu bia, tránh xa khói thuốc lá.

Nên xét nghiệm vi chất chuyên sâu cho trẻ bằng máy sắc ký lỏng hiệu năng cao UPLC để biết cơ thể đang thiếu hoặc thừa chất nào. Từ đó bác sĩ tư vấn xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp theo đúng lứa tuổi.

Tiêu chuẩn TCVN 12429-1:2018 thịt lợn mát

Tiêu chuẩn này do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố áp dụng cho thịt lợn mát được dùng làm thực phẩm. Theo đó lợn đưa vào giết mổ và cơ sở sản xuất thịt mát phải đáp ứng các quy định hiện hành về kiểm soát giết mổ, đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm. Lợn không được vận chuyển liên tục quá 8h, trong trường hợp sử dụng các phương tiện vận chuyển chuyên dụng đáp ứng các quy định hiện hành thì thời gian vận chuyển liên tục có thể kéo dài tới 12h.

Lợn không được vận chuyển quá 72h kể từ khi lên phương tiện vận chuyển đến địa điểm giết mổ. Lợn không được ăn ít nhất 12h trước giết mổ. Lợn phải được nghỉ ngơi ít nhất 2h, đảm bảo nguồn nước uống sạch trước khi giết mổ.Lợn sống đưa vào khu vực giết mổ được làm ngất, lấy huyết, làm sạch lông và tách nội tạng.

Quá trình làm mát phải được thực hiện ngay sau khi kết thúc quá trình giết mổ. Thân thịt được đưa đi làm mát sao cho tâm của phần thịt dầy nhất đạt nhiệt độ từ 0 °C đến 4 °C trong thời gian không quá 24h. Trong quá trình pha lọc và đóng gói, nhiệt độ sản phẩm thịt luôn được duy trì ở mức thấp hơn 7 °C. Nhiệt độ phòng pha lọc và đóng gói luôn được duy trì dưới 12 °C.

Vân Thảo (T/h)

https://vietq.vn/bac-si-khuyen-cao-chua-co-bang-chung-khoa-hoc-tre-an-nhieu-oc-lon-se-thong-minh-d225308.html