Theo các bác sĩ, nhiều người có thói quen ăn dưa hấu không hết, phần còn lại bọc ni lông hoặc màng bọc thực phẩm rồi cất trong tủ lạnh, cách làm này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe.
Dưa hấu là món ăn quen thuộc, giúp giải nhiệt và bổ sung nước cho cơ thể trong những ngày nắng nóng. Tuy nhiên, nếu ăn và bảo quản không đúng cách, loại trái cây tưởng chừng vô hại này có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe.
Theo bác sĩ Đàm Đồng Tử (Trung Quốc), nhiều người có thói quen dùng thìa trực tiếp múc dưa hấu rồi bọc phần còn lại bằng màng thực phẩm hoặc túi ni lông và bảo quản trong tủ lạnh. Mặc dù cách làm này tiện lợi, nhưng lại dễ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, đặc biệt là vi khuẩn Listeria – một tác nhân có thể tồn tại trong môi trường lạnh và gây nhiễm trùng huyết nghiêm trọng.
Ngoài ra, vi khuẩn Salmonella thường có trong trái cây cắt sẵn cũng là mối nguy đáng lo ngại. Chúng có thể xâm nhập từ vỏ không được rửa sạch hoặc do dao, thớt, tay người nhiễm bẩn lây chéo sang phần ruột quả. Người nhiễm Salmonella thường có biểu hiện buồn nôn, sốt, tiêu chảy và đau bụng. Với người cao tuổi, trẻ nhỏ hoặc người có hệ miễn dịch yếu, bệnh có thể diễn tiến nặng và nguy hiểm đến tính mạng.
Ăn dưa hấu sai cách dẫn đến không tốt cho sức khỏe. Ảnh minh họa
Không chỉ vấn đề nhiễm khuẩn, theo Bệnh viện Hồng Ngọc, việc ăn dưa hấu sai cách cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro với một số nhóm đối tượng. Dưa hấu chứa nhiều đường và kali, vì vậy không nên ăn cùng chuối giàu kali đặc biệt với bệnh nhân suy thận. Sự kết hợp này có thể khiến nồng độ kali trong máu tăng cao, gây rối loạn nhịp tim, thậm chí ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.
Với những người mắc bệnh thận, ăn nhiều dưa hấu còn có thể gây tích nước, làm trầm trọng hơn tình trạng sưng phù do thận không kịp đào thải lượng nước dư thừa. Bên cạnh đó, theo Đông y, dưa hấu có tính hàn và lợi tiểu. Người bị loét miệng ăn quá nhiều có thể khiến cơ thể mất nước, khoang miệng khô, bệnh kéo dài lâu ngày khó lành.
Người bị tiểu đường cũng cần cẩn trọng vì dưa hấu có hàm lượng đường cao, dễ khiến lượng đường huyết tăng nhanh và mất kiểm soát. Tương tự, phụ nữ mang thai nếu ăn nhiều dưa hấu, đặc biệt là dưa ướp lạnh, có thể đối mặt với nguy cơ tiểu đường thai kỳ, đau bụng và tiêu chảy do thay đổi sinh lý và khả năng điều tiết insulin kém trong thai kỳ.
Để ăn dưa hấu an toàn, các chuyên gia khuyến cáo nên rửa sạch vỏ, cắt miếng nhỏ, cho vào hộp có nắp đậy kín và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh, tốt nhất ở nhiệt độ từ 8–10°C. Không dùng lại thìa đã qua miệng để múc phần còn lại, và nên cạo bỏ lớp thịt bên ngoài nếu đã để lâu. Mỗi lần chỉ nên ăn khoảng 500 gram, ăn từ từ để cơ thể hấp thu tốt hơn.
Dưa hấu vẫn là món trái cây tuyệt vời nếu được bảo quản hợp lý và sử dụng đúng cách. Việc giữ gìn vệ sinh khi chế biến và hiểu rõ tình trạng sức khỏe bản thân sẽ giúp tận hưởng trọn vẹn lợi ích của loại quả này mà không lo rủi ro cho sức khỏe.
TCVN 10740:2015 – Bảo đảm chất lượng và an toàn cho dưa hấu quả tươi
Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 10740:2015 về dưa hấu quả tươi được ban hành nhằm xác lập các yêu cầu kỹ thuật cần thiết để đảm bảo chất lượng, vệ sinh và an toàn thực phẩm cho sản phẩm dưa hấu khi lưu thông trên thị trường hoặc xuất khẩu. Đây là cơ sở quan trọng giúp quản lý chất lượng nông sản ngay từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, đồng thời nâng cao giá trị thương hiệu cho loại trái cây phổ biến trong mùa hè này.
Theo tiêu chuẩn, dưa hấu thương phẩm phải là quả tươi, sạch, nguyên vẹn, không bị dập nát, sâu bệnh, thối hỏng hoặc tổn thương cơ học ảnh hưởng đến chất lượng. Quả cần có hình dạng, màu sắc đặc trưng của giống, không bị biến dạng quá mức. Bề mặt vỏ phải khô ráo, không đọng nước, không có vết nứt, đốm đen hay vết thương hở dễ nhiễm khuẩn.
Việc tuân thủ TCVN 10740:2015 không chỉ giúp dưa hấu giữ được độ tươi ngon, giá trị dinh dưỡng và hình thức bắt mắt khi đến tay người tiêu dùng, mà còn góp phần nâng cao uy tín cho nông sản Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.
Theo Vân Thảo (T/h)
https://vietq.vn/bac-si-chi-ra-nhung-sai-lam-pho-bien-khi-an-dua-hau-nen-tranh-d234762.html