Theo các bác sĩ trước tình trạng sữa giả, sữa kém chất lượng tràn lan thị trường người tiêu dùng cần trang bị cho mình những kiến thức cơ bản để có cách nhận biết, tránh mất tiền oan.

Theo thống kê, trên thị trường sữa ở Việt Nam hiện đang có khoảng 500 loại sữa với nhiều thương hiệu, chủng loại. Sữa được sử dụng cho nhiều nhóm đối tượng từ người lớn tuổi, phụ nữ có thai, người bệnh hay các em nhỏ ở các độ tuổi khác nhau. Vì vậy, thông tin về các cơ sở sản xuất sữa kém chất lượng luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận cũng là điều dễ hiểu.

Theo tìm hiểu, sản phẩm có chiết khấu cao nên các loại sữa kém chất lượng được các cửa hàng đẩy mạnh tiêu thụ, nhất là trên các trang mạng xã hội. Nhờ quảng cáo rầm rộ là được sản xuất từ các nhà máy lớn theo tiêu chuẩn quốc tế giúp sản phẩm trở nên đắt hàng. Vì lợi nhuận thu lại khá lớn mà không ít công ty vẫn bất chấp để sản xuất và sử dụng nhiều chiêu trò để bán được hàng. Thời gian qua, có không ít trường hợp người tiêu dùng phản ánh chất lượng loại sữa không đúng như quảng cáo. Trong quá trình sử dụng, sữa bị vón cục, có vật thể lạ và chất lượng sữa không đồng đều.

Thông tin thêm về tình trạng này, TS.BS Trương Hồng Sơn – Viện trưởng Viện Dinh dưỡng ứng dụng Việt Nam cho biết, hiện nay nhiều loại sữa kém chất lượng, không rõ nguồn gốc đang được quảng cáo và bán tràn lan trên mạng xã hội, len lỏi về các vùng quê và các cuộc hội thảo sức khỏe trá hình, có nguy cơ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người sử dụng.


Sữa giả tràn lan cần có cách phân biệt để tránh mua nhầm. Ảnh minh họa

“Sữa cỏ” thường là những loại sữa được gia công từ nguyên liệu nhập khẩu. Tuy nhiên, sữa bột nguyên liệu có nhiều phẩm cấp, chất lượng khác nhau. Có những loại chất lượng thấp, giá rất rẻ, đóng trong bao, được mua về rồi đóng hộp, dán nhãn với cái tên na ná, gần giống các loại sữa của các công ty nổi tiếng đã có thương hiệu trên thị trường. Sau một thời gian, khi người tiêu dùng nhận ra đây là sữa kém chất lượng thì cơ sở gia công lại thay đổi nhãn mác, tên gọi…

Về mặt hàm lượng dinh dưỡng thì “sữa cỏ” có thể không đảm bảo cung cấp đủ năng lượng hoặc các vitamin và khoáng chất như bảng thành phần trên vỏ hộp. Do đó, khi sử dụng loại sữa này, người già, trẻ nhỏ có nguy cơ cao bị thiếu hụt dinh dưỡng hoặc suy dinh dưỡng. Đồng thời, tại những cơ sở nhỏ lẻ rất khó để có một dây chuyền sản xuất, đóng gói theo quy trình khép kín và đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì vậy, sữa rất dễ bị nhiễm các vi khuẩn và nấm mốc khiến người sử dụng gặp các vấn đề như rôi loạn tiêu hóa, nôn, buồn nôn, tiêu chảy, dị ứng, thậm chí ngộ độc.

Sữa là nguồn dinh dưỡng thiết yếu trong chế độ ăn ăn hằng ngày, nhất là đối với trẻ nhỏ và người già. Giữa “ma trận” sữa giả, sữa nhái với công nghệ tinh vi, người tiêu dùng rất khó phân biệt thật – giả, dễ nhầm lẫn mua phải sữa kém chất lượng.

TS-BS Trương Hồng Sơn hướng dẫn, để phân biệt sữa đảm bảo chất lượng và “sữa cỏ”, người tiêu dùng nên lưu ý, “sữa cỏ” thường chỉ quảng cáo và bán trên mạng xã hội, hầu như không quảng cáo trên các phương tiện truyền thông chính thống và các nền tảng đáng tin cậy

Khi mua sữa, nên đọc kỹ các thông tin trên bao bì, vỏ hộp như: tên sản phẩm, tên và địa chỉ, các số điện thoại liên hệ của nhà sản xuất, đơn vị nhập khẩu và phân phối, hạn sử dụng, bảng thành phần dinh dưỡng. Nếu là sữa nhập khẩu phải có nhãn phụ bằng tiếng Việt. Nếu thấy bao bì sản phẩm in lem nhem, không sắc nét hoặc có dấu hiệu bị tẩy xóa hoặc hộp bị móp méo… thì tuyệt đối không nên mua loại sữa này.

Bên cạnh đó, khi khi mở hộp sữa hoặc pha sữa, người tiêu dùng có thể quan sát và phân biệt sữa đảm bảo chất lượng và sữa kém chất lượng thông qua các dấu hiệu sau:

Sữa thật thường có màu vàng nhạt, mùi thơm nhẹ, độ mịn cao, không bị vón cục. Khi pha, sữa thường tan chậm và các hạt sữa thường lơ lửng trong cốc, không bị lắng cặn. Sữa chất lượng kém thường có màu vàng đậm hơn hoặc màu trắng, vị thơm gắt. Khi pha, loại sữa này thường tan nhanh, lắng xuống đáy cốc

Hiện nay trên thị trường, ngoài các loại “sữa cỏ” còn có những sản phẩm sữa của các thương hiệu nổi tiếng, được quảng cáo là hàng xách tay nên có giá rẻ hơn hẳn so với sản phẩm được nhập khẩu chính thức. Theo TS.BS Trương Hồng Sơn, về nguồn gốc, xuất xứ của loại sữa này có hai khả năng: thứ nhất là hàng giả; thứ hai là hàng nhập lậu và đều có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người sử dụng.

“Dù là sữa thật, sản phẩm chính hãng nhưng nếu nhập lậu thì khâu bảo quản rất khó đảm bảo. Chẳng hạn để sữa trong môi trường nhiệt độ cao thì cũng khiến sản phẩm dễ bị vón cục, biến đổi chất lượng. Do đó, tôi rất mong người tiêu dùng, khi mua sữa thì nên mua của các công ty trong nước hoặc sản phẩm được nhập khẩu chính ngạch, có đơn vị chịu trách nhiệm về việc bảo quản, phân phối và chất lượng của sữa”, TS.BS Trương Hồng Sơn khuyến nghị.

Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7979:2018 về sữa bột và cream bột

Tiêu chuẩn này do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố áp dụng cho các loại sữa bột và cream bột để sử dụng trực tiếp hoặc chế biến tiếp theo. Chỉ sử dụng các phụ gia thực phẩm trong các giới hạn theo quy định. Các sản phẩm thuộc đối tượng của tiêu chuẩn này phải tuân theo các mức tối đa về các chất nhiễm bẩn được quy định trong TCVN 4832:2015.

Khi sữa được dùng trong chế biến các sản phẩm thuộc đối tượng của tiêu chuẩn này phải tuân thủ các mức tối đa về chất nhiễm bẩn và độc tố được quy định trong TCVN 4832:2015.

Các sản phẩm thuộc đối tượng của tiêu chuẩn này nên được chuẩn bị về xử lý theo các điều tương ứng của TCVN 5603 (CAC/RCP 1-1969); Quy phạm thực hành về những nguyên tắc chung đối với vệ sinh thực phẩm TCVN 11682 (CAC/RCP 57-2004); Quy phạm thực hành vệ sinh đối với sữa và sản phẩm sữa và các tiêu chuẩn liên quan khác như quy phạm thực hành vệ sinh và các quy phạm thực hành; Các sản phẩm này cần tuân thủ các tiêu chí vi sinh vật được thiết lập theo TCVN 9632:2016 (CAC/GL 21-1997) về nguyên tắc thiết lập và áp dụng các tiêu chí vi sinh đối với thực phẩm.

Tiêu chuẩn này cũng hướng dẫn việc bảo quản phải ghi trên bao bì hoặc trong các tài liệu kèm theo, ngoại trừ tên của sản phẩm, việc nhận biết lô hàng, tên và địa chỉ của nhà sản xuất hoặc đóng gói được ghi trên bao bì. Việc nhận biết lô hàng, tên và địa chỉ nhà sản xuất hoặc đóng gói có thể thay bằng ký hiệu nhận dạng, với điều kiện là ký hiệu đó có thể nhận biết rõ ràng cùng với các tài liệu kèm theo.

Vân Thảo (T/h)
https://vietq.vn/bac-si-chi-cach-de-tranh-mua-nham-sua-gia-sua-kem-chat-luong-d223798.html