Theo các bác sĩ, hiện nay nhiều người chọn phương pháp tiêm thuốc tránh thai thay các biện pháp khác tuy nhiên khi tiêm loại thuốc này sẽ tiềm ẩn những tác dụng phụ không mong muốn.

Bác sĩ Phạm Minh Ngọc – Phó Giám đốc Trung tâm Y học giới tính Hà Nội, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết, mới đây có một người phụ nữ đến khám vì không còn ham muốn với chồng. Tất cả đều mang tâm lý chiều chồng, không có hứng thú trong cuộc yêu. Người phụ nữ lo lắng dẫn đến thường xuyên mất ngủ, lo âu, giảm chất lượng cuộc sống.

Sau khi bác sĩ khai thác bệnh sử cho thấy bệnh nhân đã có 2 con, mối quan hệ vợ chồng tốt, không phải chịu những áp lực về kinh tế hay công việc, không mắc các bệnh lý nền.

Cách đây một năm, vì lo lắng chuyện mang thai ngoài ý muốn nên chị đã đi tránh thai bằng thuốc tiêm. Sau tiêm 6 tháng, biểu hiện giảm ham muốn rõ rệt, mất hết động lực, không còn hứng thú suy nghĩ về chuyện “chăn gối”. Tình trạng này đã kéo dài hơn 1 năm mà không tự thuyên giảm. Bệnh nhân chia sẻ tình trạng “lệch pha” trong quan hệ với ông xã khiến vợ chồng cãi vã, bất hòa trong cuộc sống. Tại bệnh viện, kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị giảm nồng độ estrogen và testosterone, tăng prolactin.

Sau khi thực hiện thêm các xét nghiệm, bệnh nhân bị suy giảm ham muốn sau tiêm thuốc tránh thai. Bệnh nhân được tư vấn điều trị bằng liệu pháp nội tiết kết hợp thay đổi lối sống sinh hoạt. Sau 2 tháng điều trị, bệnh nhân đã tăng ham muốn, lấy lại được cảm hứng khi yêu.


Thuốc tiêm tránh thai tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ cần lưu ý. Ảnh minh họa

Liên quan tới tiêm thuốc tránh thai, bác sĩ Ngọc cho hay đây là một trong những trường hợp điển hình bị suy giảm ham muốn do tác dụng phụ của việc tiêm thuốc tránh thai. Nguyên nhân do thuốc tránh thai nội tiết tố kết hợp hấp thụ qua đường uống và qua da có thể làm giảm sản xuất testosterone, từ đó làm giảm ham muốn.

Tác dụng phụ của các biện pháp tránh thai nội tiết tố có thể dẫn đến những ảnh hưởng nhất định lên chức năng ham muốn của phụ nữ như: khô, đau tiền đình và viêm bàng quang kẽ. Bên cạnh đó, thuốc tránh thai kết hợp cũng có liên quan đến những thay đổi về mặt giải phẫu dài hạn và ngắn hạn, chẳng hạn như teo và giảm độ dày.

Ngoài ra, thuốc tránh thai loại này ảnh hưởng đến ức chế rụng trứng và điều hòa chu kỳ hàng tháng, làm giảm ham muốn. Thời gian sử dụng thuốc càng dài, sử dụng thuốc tránh thai ở độ tuổi càng trẻ có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến chức năng ham muốn của phụ nữ nhiều hơn.

Thực tế đã có nghiên cứu cho thấy giảm ham muốn có thể tác động tiêu cực đáng kể đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của phụ nữ. Giảm ham muốn có thể làm tăng 130 – 210% nguy cơ mắc bệnh trầm cảm và ngược lại, trầm cảm cũng có thể làm tăng 50 – 70% nguy cơ giảm ham muốn. 57% phụ nữ đái tháo đường type 1 giảm ham muốn. Ngoài ra, béo phì và hội chứng chuyển hóa từ đó làm giảm kích thích ở người phụ nữ.

Bệnh viện Vinmec cũng thông tin, mặc dù tiêm thuốc tránh thai có nhiều ưu điểm như hiệu quả cao, tiện lợi, tác dụng lâu và an toàn, tuy nhiên, phụ nữ cũng nên cân nhắc và thận trọng với một số tác dụng phụ do thuốc tiêm gây ra.

Tiêm thuốc tránh thai có thể gây tăng cân, loãng xương. Tiêm thuốc tránh thai có thể làm tăng cân trong thời gian dài và loãng xương ở bất kỳ phụ nữ trong độ tuổi nào. Nếu gặp tình trạng tăng cân nhanh bất thường, người dùng nên liên hệ bác sĩ để được thay đổi thuốc và liều dùng phù hợp. Loãng xương có thể xảy ra khi sử dụng thuốc tiêm tránh thai trong thời gian dài (>2 năm).

Một số tác dụng phụ khác như: Tâm trạng thay đổi thất thường, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, đầy hơi, … là một số tác dụng phụ khác cũng có thể xảy ra khi tiêm thuốc tránh thai, do nồng độ hormone trong cơ thể bị thay đổi. Các triệu chứng này sẽ chấm dứt khi cơ thể dần quen với thuốc. Trường hợp phụ nữ gặp các vấn đề về tâm trạng trong thời gian dài nên gặp bác sĩ để được tư vấn điều trị.

Bộ Y tế cũng khuyến cáo, tiêm thuốc tránh thai là biện pháp không thích hợp với một số đối tượng: Phụ nữ đang có thai hoặc đang bị ung thư vú. Những người có nhiều nguy cơ bị bệnh mạch vành (như lớn tuổi, hút thuốc lá, tiểu đường và tăng huyết áp). Người có bệnh tăng huyết áp hoặc có bệnh lý mạch máu. Người đang bị thuyên tắc tĩnh mạch sâu, thuyên tắc phổi hoặc đã từng hoặc đang bị tai biến mạch máu não hoặc thiếu máu cơ tim. Người đang bị lupus ban đỏ hệ thống và có kháng thể kháng phospholipid (hoặc không làm xét nghiệm) hoặc có giảm tiểu cầu trầm trọng. Người đã từng bị ung thư vú và không có biểu hiện tái phát trong vòng 5 năm trở lại. Người bị bệnh tiểu đường có biến chứng (thận, thần kinh, võng mạc, mạch máu) hoặc trên 20 năm.

Quyết định số: 714/QĐ-BYT quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật phương tiện tránh thai sử dụng trong chương trình mục tiêu quốc gia dân số và kế hoạch hóa gia đình

Đối tượng áp dụng gồm các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu và mua sắm các phương tiện tránh thai được sử dụng trong chương trình mục tiêu quốc gia dân số và kế hoạch hóa gia đình.

Các quy định chung về đăng ký lưu hành phương tiện tránh thai: Phương tiện tránh thai đã được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp giấy phép lưu hành hoặc cấp giấy phép nhập khẩu. Đối với bao cao su nhập khẩu, phải được cơ quan có thẩm quyền nước sở tại cấp giấy phép lưu hành sản phẩm.

Phương tiện tránh thai bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng phải được đăng ký trong hồ sơ đăng ký lưu hành hoặc hồ sơ nhập khẩu được Bộ Y tế chấp nhận và phải có chứng chỉ kiểm tra đạt tiêu chuẩn chất lượng của cơ quan có thẩm quyền trước khi đưa vào phân phối, sử dụng tại Việt Nam. Trường hợp cần thiết, các cơ quan của Bộ Y tế hoặc cơ quan quản lý Chương trình mục tiêu quốc gia dân số và kế hoạch hóa gia đình lấy mẫu sản phẩm để kiểm tra chất lượng theo quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể.

Các lô hàng phương tiện tránh thai phải còn ít nhất 5/6 thời gian hạn dùng kể từ khi nhập kho Trung ương do Bộ Y tế quy định. Bộ Y tế xem xét, quyết định đối với hàng viện trợ, đối với từng trường hợp cụ thể.

Về ghi nhãn và ký hiệu hàng hóa, thực hiện theo Thông tư số 04/2008/TT-BYT ngày 12/5/2008 của Bộ Y tế về Hướng dẫn ghi nhãn thuốc và các quy định hiện hành của Việt Nam về ghi nhãn hiệu hàng hóa, ký, mã hiệu để phân phối, sử dụng trong Chương trình mục tiêu quốc gia dân số và kế hoạch hóa gia đình.

Nghiêm cấm xuất, nhập khẩu và lưu hành các phương tiện tránh thai quá hạn sử dụng hoặc có nghi ngờ về chất lượng của phương tiện tránh thai. Khi phát hiện việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu và cung cấp phương tiện tránh thai kém chất lượng, quá hạn sử dụng, chưa được phép lưu hành, hoặc do Bộ Y tế đã có thông báo tạm ngừng sử dụng, cơ quan Dân số – Kế hoạch hóa gia đình các cấp phối hợp với các cơ quan có liên quan xử lý theo quy định hiện hành.

An Dương (T/h)
https://vietq.vn/tiem-thuoc-tranh-thai-co-nguy-co-giam-ham-muon-d224459.html