Theo các bác sĩ, có nhiều loại thức ăn, đồ uống tốt cho não bộ nhưng ngược lại cũng có rất nhiều thực phẩm, đồ uống có thể gây suy giảm các liên kết thần kinh và lâu dài ảnh hưởng tới vùng não.

Bác sĩ Phạm Ánh Ngân (Bệnh viện Đại học Y Dược – Cơ sở 3, thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, thức ăn ta đưa vào cơ thể, đều ít nhiều kích hoạt đáp ứng của não và tác động đến sức khỏe lâu dài của bộ não.

Bên cạnh những nhóm thực phẩm – thảo dược được nghiên cứu cho thấy vai trò chống oxy hóa, bảo vệ tế bào thần kinh, giúp cải thiện trí nhớ và điều hòa cảm xúc thì cũng có những nhóm thực phẩm gây suy giảm các liên kết thần kinh, giảm tính dẻo của thần kinh và lâu dài ảnh hưởng đến các vùng não liên quan đến trí nhớ và phối hợp vận động.

Nước ngọt, nước tăng lực

Theo bác sĩ Ngân, thức uống có đường, bao gồm nước ngọt, các nước tăng lực trong thể thao, cho thấy tăng nguy cơ gây rối loạn dẫn đến đái tháo đường loại 2, cũng như nguy cơ dẫn đến sa sút trí tuệ sớm. Đường tinh chế (đường trắng và đường từ các loại ngũ cốc) có chỉ số GI (Glycemic Index) cao, đồng nghĩa với việc cơ thể sẽ hấp thu nhanh và tăng lượng insulin trong máu.

Nhiều nghiên cứu cho thấy thực phẩm với chỉ số GI cao ảnh hưởng có hại đến trí nhớ của cả trẻ em và người lớn. Bên cạnh đó, thay cho đường tinh luyện, chất làm ngọt nhân tạo, như aspartame, được tìm thấy trong các thực phẩm không đường, liên quan đến các rối loạn hành vi và nhận thức.

“Aspartame có thể đi qua hàng rào máu não, làm gián đoạn quá trình dẫn truyền thần kinh, gây tác động tiêu cực đến cảm xúc và khả năng tư duy. Theo các khuyến cáo, một người với cân nặng 68 kg chỉ nên tiêu thụ lượng aspartame tối đa khoảng 3.400 mg/ngày. Tùy theo các nhãn hàng, một gói chất làm ngọt nhân tạo chứa khoảng 35 mg aspartame và một lon nước ngọt cho người ăn kiêng (340 ml) chứa khoảng 180 mg”, bác sĩ Ngân chia sẻ.


Đồ uống chứa đường không tốt cho não bộ cần tránh dùng nhiều. Ảnh minh họa

Thức ăn chế biến sẵn

Thức ăn chế biến sẵn làm tăng lượng chất béo dư ở các tạng, góp phần gây suy giảm mô não. Một trong những tác động của thức ăn chế biến sẵn lên não là làm suy giảm các yếu tố dinh dưỡng thần kinh như BDNF (brain-derived neurotrophic factor). BDNF được tìm thấy ở nhiều vị trí khác nhau trong não, bao gồm cả vùng hải mã, liên quan đến học tập và trí nhớ dài hạn.

Bên cạnh đường và chất béo trong thực phẩm chế biến sẵn, rượu và nicotine từ khói thuốc lá cũng là những chất gây hại cho hoạt động của não bộ. Những tác động lâu dài của các chất trong thực phẩm gây ảnh hưởng không tốt lên não đã được nghiên cứu như tăng nguy cơ rối loạn nhận thức và suy giảm trí nhớ, gây teo một số vùng não nhất định và giảm khả năng dẫn truyền giữa các tế bào não. Thậm chí còn làm thay đổi chức năng dẫn truyền thần kinh, gây mất cân bằng các chất dẫn truyền như serotonin, dopamin, GABA trong não. Tăng nguy cơ xuất hiện các rối loạn thần kinh, ảnh hưởng đến các tế bào não chuyên biệt như oligodendrocytes.

Nước trái cây đóng chai, bánh kẹo ngọt

Bác sĩ Trần Thị Trà Phương, Hệ thống Phòng khám dinh dưỡng Nutrihome cho biết, từ sơ sinh đến 5 tuổi là giai đoạn “vàng” phát triển trí não. Sự phát triển trong giai đoạn này có tác động lâu dài đến khả năng học tập và thành công của trẻ trong cuộc sống. Dựa trên nền tảng phát triển trong 5 năm đầu, não của trẻ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thông qua tương tác với xã hội. Do đó nếu dùng sai thực phẩm không đúng độ tuổi, có thể tác động đến não bộ trẻ.

Thành phần chủ yếu của hầu hết nước trái cây đóng chai và bánh kẹo ngọt là đường, hương vị trái cây. Lượng đường dư thừa trong thực phẩm gây hại cho trí não của trẻ. Theo tạp chí Journal of Adolescent Health, uống nước ngọt thường xuyên có thể khiến thanh thiếu niên hung hăng hơn, có hành vi cãi cọ, bạo lực.

Nghiên cứu đánh giá 2.930 trẻ em 5 tuổi từ 20 thành phố khác nhau ở Mỹ được công bố trên tạp chí The Journal of Pediatrics cho thấy những đứa trẻ uống 4 ly nước ngọt trở lên mỗi ngày có nguy cơ phá hủy đồ đạc, đánh nhau cao gấp đôi trẻ khác.

Ngoài ra, bác sĩ Katsuyuki Uchino, Khoa Thần kinh tại Kanamachi, Nhật Bản cho biết, các sản phầm làm từ carbohydrate tinh chế, điển hình là các loại bánh mì, bánh ngọt… khi đi vào cơ thể sẽ rất nhanh được chuyển hoá thành đường, khiến lượng đường trong máu tăng đột biến, gây ra thay đổi tâm trạng và kém tập trung.

Không chỉ vậy, khi lượng đường trong cơ thể dư thừa và không thể chuyển hoá thành năng lượng sẽ chuyển hoá thành chất béo tích tụ trong cơ thể, từ đó dễ dẫn đến các tình trạng như béo phì, bệnh tiểu đường…Theo bác sĩ chuyên khoa não Hachiro Sugimoto (81 tuổi, Nhật Bản) cho biết, so với người khoẻ mạnh, bệnh nhân tiểu đường có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer cao hơn và người béo phì có nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ cao gấp 2,44 lần.

Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12828:2019 về nước giải khát

Nước giải khát là sản phẩm pha sẵn để uống với mục đích giải khát được chế biến từ nước, có thể có chứa đường, phụ gia thực phẩm, hương liệu, có bổ sung các thành phần có chứa nguyên liệu tự nhiên vitamin và khoáng chất, có ga hoặc không có ga. Nước giải khát bao gồm nước uống có ga, nước uống tăng lực, nước uống điện giải, nước uống thể thao, nước giải khát có chứa chè, nước giải khát có chứa cà phê.

Theo đó căn cứ Mục 4 Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12828:2019 do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố hướng dẫn các yêu cầu nguyên liệu nước phải đáp ứng quy định hiện hành; Đường đáp ứng các yêu cầu quy định trong TCVN 6958 hoặc TCVN 7968 (CODEX STAN 212); các nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên, vitamin, khoáng chất đáp ứng các yêu cầu để dùng làm thực phẩm.

Yêu cầu cảm quan đối với nước giải khát được quy định phải có màu sắc, mùi vị đặc trưng, trạng thái dạng lỏng đồng đều, có thể chứa các phần không đồng nhất đặc trưng của nguyên liệu. Bao gói: Sản phẩm phải được đóng gói trong bao bì đảm bảo an toàn thực phẩm, không thấm nước và kín khí.

Việc ghi nhãn sản phẩm phải theo quy định hiện hành và các yêu cầu sau đây: Tên sản phẩm cần mô tả được bản chất của sản phẩm mà không lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng; Tên sản phẩm có thể được kèm theo các thuật ngữ mô tả thích hợp (ví dụ “không ga” hoặc “có ga”).

Ghi nhãn sản phẩm bao gói sẵn để bán lẻ cần ghi các thông tin: Tên sản phẩm; Đối với sản phẩm có chứa đường, phải công bố hàm lượng đường; Đối với nước uống tăng lực, phải công bố năng lượng tổng số. Ngoài ra, đối với nước uống tăng lực có chứa cafein, phải công bố hàm lượng cafein; Đối với nước uống điện giải: phải công bố hàm lượng (nồng độ) các chất điện giải; Khuyến cáo so sánh dinh dưỡng (nếu có).

Vân Thảo (T/h)
https://vietq.vn/bac-si-canh-bao-nhung-loai-thuc-an-nuoc-uong-anh-huong-khong-tot-den-nao-bo-d224039.html