18.6 C
Hanoi
Thứ bảy, Tháng Một 18, 2025
More
    HomeTiêu dùng bền vữngBác sĩ cảnh báo: Dùng đơn thuốc cũ có thể gây nguy...

    Bác sĩ cảnh báo: Dùng đơn thuốc cũ có thể gây nguy hiểm tính mạng

    Date:

    Related stories

    Theo các bác sĩ, nhiều người có thói quen sử dụng đơn thuốc cũ mà không đi khám lại gây ra nhiều hệ lụy cho sức khỏe.

    Không ít người sau khi khỏi bệnh một thời gian dài thì bệnh tái phát với các triệu chứng gần giống như trước, nên đã tự ý dùng lại đơn thuốc cũ để mua thuốc điều trị. Chính thói quen này đã khiến nhiều bệnh nhân rơi vào tình trạng nguy hiểm, thậm chí nguy kịch tính mạng.

    Theo thông tin từ các bác sĩ tại Bệnh viện Bạch Mai, mười năm trước, anh N.V.L ở tỉnh Hải Dương được chẩn đoán mắc bệnh gout. Sau một vài lần đi khám bệnh anh không tái khám nữa mà cứ thế sử dụng đơn thuốc cũ.

    Không những thế, mỗi lần bị lên cơn gout cấp anh lại tự ra hiệu thuốc mua Methylprednisolone 16mg, Diclophelac… về uống cho bệnh nhanh khỏi. Gần đây, anh nhận thấy, cứ mỗi khi ngừng thuốc là cơn đau khớp lại ập đến. Vì vậy, anh đã lên Bệnh viện Bạch Mai để khám lại.

    Qua thăm khám lâm sàng, bác sĩ Lại Thùy Dương – Khoa khám bệnh – chẩn đoán, anh có biểu hiện suy tuyến thượng thận do tự ý sử dụng corticoid trong thời gian dài với các biểu hiện tích mỡ ở vùng mặt, vùng bụng, chân tay teo nhỏ, da mỏng dễ bị xuất huyết. Đồng thời, bệnh nhân có nguy cơ cao bị tăng huyết áp và tiểu đường.


    Tuyệt đối không được dùng đơn thuốc cũ để điều trị bệnh tại nhà. Ảnh minh họa

    Không riêng trường hợp của anh N.V.L, tình trạng người bệnh ngại đi khám, dùng lại đơn thuốc cũ khá thường gặp tại Bệnh Viện Bạch Mai. “Mặc dù chưa có nghiên cứu đầy đủ về vấn đề này song qua thực tế chúng tôi nhận thấy cứ 10 bệnh nhân thì khoảng 3 – 4 bệnh nhân tự ý mua thuốc theo đơn cũ mà không đi tái khám.” – BS Lại Thùy Dương – Khoa Khám bệnh – Bệnh viện Bạch Mai cho biết.

    Mới đây, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận một bệnh nhân đến khám trong tình trạng tăng huyết áp, ban đỏ cánh bướm mặt, thiếu máu nặng, chức năng thận suy giảm nghiêm trọng. Có tiền sử mắc bệnh lupus ban đỏ hệ thống, tuy nhiên bệnh nhân không đi tái khám và dùng lại đơn thuốc cũ. Bác sĩ phải lập tức chỉ định truyền máu và lọc máu cấp cứu người bệnh.

    Những nguy cơ khi tự ý dùng đơn thuốc cũ tại nhà

    Theo BS Lại Thùy Dương, mỗi đơn thuốc do bác sĩ kê thường chỉ có giá trị một lần khám và chỉ được sử dụng trong một khoảng thời gian nhất định là bởi mỗi một bệnh lý cần thời gian theo dõi khác nhau. Ví dụ các bệnh lý cấp tính như viêm tai mũi họng chỉ cần dùng thuốc và theo dõi trong vòng 5-7 ngày là có thể ổn định. Tuy nhiên, ở thời điểm khác mức độ bệnh đã khác, thể trạng của người bệnh cũng khác, vì thế bắt buộc phải đến cơ sở y tế khám để bác sĩ cho đơn thuốc mới.

    Với các bệnh lý mạn tính thì cần theo dõi lâu dài, thầy thuốc có thể cho đơn thuốc dùng trong cả tháng (theo quy định mới của Bộ Y tế có thể kê đơn tới 3 tháng). Tuy nhiên, sau khi dùng hết thuốc, người bệnh cần mang theo đơn cũ khi tái khám để bác sĩ đánh giá lại mức độ đáp ứng thuốc và tình trạng sức khỏe của người bệnh. Nếu bệnh ổn định hoặc tiến triển tốt hơn, bác sĩ sẽ cho dùng thuốc cũ, liều cũ hoặc giảm liều. Trong trường hợp bệnh tiến tiển nặng hơn hoặc mắc thêm bệnh mới, bác sĩ sẽ phải điều chỉnh các thuốc điều trị cũng như liều lượng thuốc.

    Mặt khác, theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế, mỗi loại thuốc chỉ được dùng trong một thời gian nhất định, không được dùng kéo dài. Cùng với thói quen tái sử dụng đơn thuốc, nhiều người còn mượn đơn thuốc của người khác do thấy bệnh cũng có biểu hiện tương tự. Việc tự ý sử dụng thuốc sẽ dẫn tới nhiều hậu quả như người bệnh tốn tiền mua thuốc mà bệnh không khỏi. Nghiêm trọng hơn, bệnh nhân có thể gặp các tác dụng phụ do thuốc gây ra, thậm chí có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Qua thực tế tại bệnh viện, BS Lại Thùy Dương đã gặp nhiều trường hợp bị suy tuyến thượng thận do lạm dụng corticoid hoặc nặng hơn là dị ứng thuốc như hội chứng Stevens-Johnson, Hội chứng Lyell …

    Thông tin thêm về tình trạng bệnh nhân sử dụng đơn thuốc cũ, các bác sĩ tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh cũng cho rằng, việc tự dùng thuốc luôn hàm chứa mối đe dọa nguy hiểm vì nó có thể trở thành “sự lạm dụng thuốc một cách tự ý mà lại không có sự hiểu biết kèm theo”, có thể đưa đến tác hại không lường trước được.

    Khá nhiều người sau khi được bác sĩ chữa khỏi bệnh một thời gian dài thì bệnh có vẻ như tái phát với các triệu chứng na ná giống như trước, thế là họ tự ý dùng lại đơn thuốc cũ, mua thuốc dùng y chang như trước đây.

    PGS Đức lưu ý thêm, mỗi toa thuốc được bác sĩ kê sẽ phù hợp với tình trạng sức khỏe, bệnh lý của bệnh nhân trong thời điểm được thăm khám. Việc sử dụng lại toa thuốc cũ mà không có sự tư vấn, theo dõi của bác sĩ, dược sĩ hay nhân viên y tế có chuyên môn luôn tiềm ẩn những rủi ro đối với người sử dụng; chưa kể đế các nguy cơ liên quan đến sự tương tác giữa các thuốc khi tự ý điều trị ở các bệnh nhân có nhiều bệnh đồng mắc.

    Đối với vấn đề bệnh nhân dùng thuốc chống đông theo toa thuốc cũ, Bệnh viện Đại học Y dược TP. HCM cho biết, khi điều trị bằng thuốc kháng đông cổ điển, người bệnh được yêu cầu phải theo dõi và xét nghiệm đông máu định kỳ để đảm bảo hiệu quả và điều chỉnh thuốc khi cần thiết.

    Người bệnh uống thuốc kháng đông nhưng không tái khám khi có thay đổi tình trạng bệnh lý, hoặc uống thêm các loại thuốc khác (kể cả các thuốc trị bệnh thông thường hay thực phẩm chức năng) ngoài toa chỉ định của bác sĩ có thể gây tương tác với thuốc kháng đông đang điều trị, làm gia tăng quá mức hiệu lực và đưa đến biến chứng nguy hiểm tính mạng nếu không được xử trí kịp thời.

    Do đó, ở trong bất kỳ hoàn cảnh nào người bệnh vẫn cần tuân thủ theo các nguyên tác điều trị để đảm bảo an toàn. Người bệnh tuyệt đối không tự ý đổi, ngừng hoặc gia giảm liều lượng thuốc vì bất kỳ thay đổi nào mà không được bác sĩ chỉ định đều có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Cần duy trì liên lạc với bác sĩ điều trị, trao đổi ngay để nhận tư vấn và hướng dẫn xử lý thích hợp với các tình huống xảy ra bất ngờ như: hết thuốc, cơ thể xuất hiện các triệu chứng bất thường…

    Đặc biệt người bệnh tuyệt đối không dùng lại đơn thuốc cũ, không dùng đơn thuốc của người khác hay cho người khác mượn đơn thuốc của mình, cũng như không tự ý thêm hay bớt thuốc trong đơn. Khi bị bệnh nên đến các cơ sở y tế để được bác sĩ có chuyên môn khám và có chỉ định điều trị cụ thể, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

    An Dương (T/h)
    https://vietq.vn/bac-si-canh-bao-dung-don-thuoc-cu-nguy-hiem-tinh-mang-d206261.html

    Subscribe

    - Never miss a story with notifications

    - Gain full access to our premium content

    - Browse free from up to 5 devices at once

    Latest stories

    spot_img