ASEAN và ESCAP đang hợp tác nhằm ngăn chặn các tác động tàn phá của hạn hán bằng cách thúc đẩy thay đổi mô hình theo hướng quản lý và điều hành rủi ro hạn hán thích ứng hơn.
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, nhân Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về quản lý thiên tai diễn ra vào ngày 27/11, Ủy ban Kinh tế-Xã hội châu Á-Thái Bình Dương (UNESCAP) và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã công bố báo cáo nhan đề “Sẵn sàng cho những năm khô hạn: Xây dựng khả năng chống chịu hạn hán ở Đông Nam Á.”
Trong bài xã luận chung được báo chí khu vực đăng tải rộng rãi, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc kiêm Thư ký điều hành UNESCAP – bà Armida Salsiah Alisjahbana và Tổng thư ký ASEAN-ông Dato Lim Jock Hoi cho biết Đông Nam Á từ lâu đã phải hứng chịu những đợt hạn hán nghiêm trọng xảy ra trung bình 5 năm một lần.
Cụ thể, năm 2015 và năm 2018, khu vực đã trải qua những đợt hạn hán tồi tệ nhất được ghi nhận trong hai thập kỷ qua, cùng lúc ảnh hưởng đến hơn 70% diện tích đất và hơn 325 triệu người. Không một quốc gia thành viên ASEAN nào tránh được tác động tàn khốc của các đợt hạn hán này như gián đoạn sinh kế và an ninh lương thực, cũng như cháy rừng và khói mù.
Các nguyên nhân gây ra nguy cơ hạn hán ở Đông Nam Á rất phức tạp, dẫn đến sự khác biệt đáng kể giữa các năm.
Hạn hán bị ảnh hưởng nặng nề bởi các tác nhân khí hậu khác nhau, chủ yếu là Dao động phương Nam (ENSO) và Lưỡng cực Ấn Độ Dương (IOD). Tuy nhiên, bất chấp sự phức tạp này, các xu hướng rõ ràng cho thấy nguy cơ hạn hán đang gia tăng trên toàn khu vực.
Theo báo cáo chung ESCAP-ASEAN, các phân tích mới về dữ liệu quan sát được và dự báo khí hậu cho thấy sự gia tăng nhiệt độ lớn được ghi nhận trong giai đoạn 1981-2020 dự kiến sẽ tiếp tục. Điều đó có nghĩa là mức độ nghiêm trọng của hạn hán sẽ tăng lên khi khí hậu ấm lên.
Cuộc khủng hoảng khí hậu này càng trở nên cấp bách hơn cùng với đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Cả 2 thảm họa đã cùng lúc làm gián đoạn sức khỏe, sinh kế và chuỗi cung ứng của người dân trong toàn khu vực.
Các tác động kép này đã dẫn đến căng thẳng kinh tế nghiêm trọng và làm suy yếu khả năng của khu vực trong việc đối phó với các rủi ro thiên tai hiện tại và tương lai.
Theo Thư ký điều hành UNESCAP Armida Salsiah Alisjahbana và Tổng thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi, điều quan trọng là cần phải nắm rõ các đợt hạn hán tái diễn và đại dịch hiện nay đang tương tác như thế nào với nhau, từ đó xác định các chính sách phù hợp để có thể giải quyết đồng thời các cuộc khủng hoảng này.
ASEAN và ESCAP đang hợp tác nhằm ngăn chặn các tác động tàn phá của hạn hán bằng cách thúc đẩy thay đổi mô hình theo hướng quản lý và điều hành rủi ro hạn hán thích ứng hơn.
Sự hợp tác này được duy trì theo một phương pháp tiếp cận khoa học và hướng tới tương lai đối với các nguy cơ hạn hán. Các can thiệp chính sách thích ứng phải hỗ trợ những người dễ bị tổn thương nhất và những người bị tụt hậu xa nhất trong khu vực.
Một hồ nước gần cạn khô do hạn hán kéo dài tại tỉnh Suphanburi, Thái Lan. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Bằng chứng mới nhất cho thấy 15-25% dân số trong khu vực sống ở các điểm nóng về hạn hán, với trình độ phát triển kinh tế-xã hội thấp và thường xuyên phải hứng chịu hạn hán.
Các can thiệp chính sách có mục tiêu trong các lĩnh vực này sẽ là điều cần thiết nhằm ngăn chặn các tác động tích lũy của các đợt hạn hán tái diễn, đe dọa nghiêm trọng đến các thành tựu phát triển, đặc biệt là các Mục tiêu phát triển bền vững.
Các biện pháp can thiệp này phải tuân theo 3 đường lối chính sách rõ ràng nhằm giảm thiểu và ngăn chặn hạn hán; chuẩn bị và ứng phó với hạn hán; khôi phục và phục hồi sau hạn hán. Theo đó, phải bao gồm một loạt các lĩnh vực chính sách, từ quản lý hệ thống lương thực, nước và năng lượng, đến việc thiết lập các hệ thống cảnh báo sớm và tài trợ cho rủi ro hạn hán.
Thư ký điều hành UNESCAP và Tổng thư ký ASEAN cho rằng các chính phủ cần tận dụng cơ hội để ứng phó với thách thức này. Một là, tính chất chu kỳ và bắt đầu chậm của hạn hán cho phép các chính phủ có thời gian tiến hành các hành động ứng phó rủi ro ngay từ bây giờ nhằm ngăn chặn nguy cơ hạn hán trở thành một cuộc khủng hoảng.
Hai là, các chính phủ có thể hưởng lợi từ kinh nghiệm và chuyên môn sâu rộng của ASEAN thông qua hợp tác khu vực rộng lớn hơn, được thúc đẩy bởi chương trình nghị sự của ASEAN về hạn hán và Tuyên bố ASEAN về tăng cường thích ứng với hạn hán mới được thông qua.
Ba là, đại dịch COVID-19 tạo cơ hội để hành động ngay từ bây giờ nhằm giảm thiểu tác động của hạn hán trong tương lai, bằng cách lồng ghép các biện pháp xây dựng khả năng chống chịu trong các gói kích thích phục hồi hậu COVID-19.
Các nước thành viên ASEAN cần thực hiện các bước đi cụ thể ngay từ bây giờ nhằm tăng cường giám sát hạn hán quốc gia và khu vực, cũng như nâng cao hiểu biết về nguyên nhân của hạn hán. Điều quan trọng hơn bao giờ hết đối với khu vực là xây dựng khả năng chống chịu với hạn hán. Thông qua hợp tác, ASEAN có thể giảm thiểu tác động của hạn hán trong tương lai và đảm bảo toàn bộ Cộng đồng ASEAN sẽ sẵn sàng cho những năm khô hạn sắp tới.
Ngoài ra, quan hệ đối tác bền chặt giữa Liên hợp quốc, ASEAN và các chính phủ và các bên liên quan khác là điều cần thiết để đối phó với các tình huống thời tiết và khí hậu khắc nghiệt ngày càng phức tạp và không chắc chắn, cũng như tác động của các rủi ro thiên tai xuyên quốc gia.
Cuối cùng, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc kiêm Thư ký điều hành UNESCAP Armida Salsiah Alisjahbana và Tổng thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi cho biết hai tổ chức đã hợp tác hiệu quả thông qua việc thực hiện Quan hệ đối tác toàn diện và Kế hoạch hành động, vì lợi ích của người dân./.
Hữu Chiến (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/asean-2020-xay-dung-kha-nang-chong-chiu-han-han-o-dong-nam-a/679101.vnp