Tỏi là thực phẩm mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe người dùng, tuy nhiên khi ăn tỏi cần đặc biệt lưu ý những tương tác với thuốc để tránh rủi ro.
Theo nghiên cứu, trong 100g tỏi có chứa 6,36g protein, 33g carbohydrates, 150g calo và dưỡng chất như vitamin nhóm B (B1, B2, B3, B6), sắt, canxi, kali, mangan, magie, photpho,… Thành phần công hiệu chính trong tỏi là hợp chất hữu cơ sulfur và glycosides. Ngoài ra, trong tỏi còn có hàm lượng cao germanium và selen. Đặc biệt, hàm lượng germanium trong tỏi cao hơn so với dược liệu như nhân sâm, trà xanh, trà đỏ,…
Tác dụng cơ bản của tỏi chủ yếu đến từ allicin. Trong tỏi tươi không có allicin tự do, chỉ có tiền chất của nó là alliin. Khi tỏi được băm nhuyễn, enzyme trong tỏi bị kích hoạt sẽ kích thích alliin hình thành allicin.
Tỏi được xem là có tác dụng trị cảm lạnh và cảm cúm, hỗ trợ tăng cường chức năng miễn dịch và giảm nguy cơ mắc một số bệnh khác… Nhưng sử dụng tỏi thế nào cho đúng là điều không phải ai cũng biết. Thực tế, tỏi là loại gia vị phổ biến. Khi được sử dụng như một sản phẩm thực phẩm, tỏi không có khả năng tạo ra các tác dụng phụ. Nhưng khi được sử dụng như một sản phẩm thuốc, tỏi có thể tạo ra tác dụng không mong muốn đối với cơ thể.
Ăn tỏi cần đặc biệt lưu ý những tương tác thuốc. Ảnh minh họa
Thuốc chống đông máu
Những người đang dùng thuốc chống đông máu rất dễ bị tương tác nguy hiểm với các chất bổ sung, trong đó có tỏi. Với liều lượng cao được tìm thấy trong chất bổ sung, tỏi hoạt động như một chất làm loãng máu. Warfarin được sử dụng để làm chậm quá trình đông máu. Tỏi có thể làm tăng hiệu quả của warfarin. Dùng tỏi cùng với warfarin có thể làm tăng nguy cơ bị bầm tím và chảy máu quá nhiều.
Thuốc huyết áp
Tỏi có thể làm giảm huyết áp ở một số người. Dùng tỏi cùng với các loại thuốc hạ huyết áp có thể khiến huyết áp xuống quá thấp. Không nên dùng quá nhiều tỏi nếu đang dùng thuốc điều trị huyết áp cao. Một số loại thuốc điều trị huyết áp cao bao gồm nifedipine, verapamil, diltiazem, isradipine, amlodipine…
Thuốc điều trị HIV
Saquinavir là loại thuốc điều trị HIV. Tỏi có thể làm giảm lượng saquinavir đi vào máu. Điều này có thể làm giảm hiệu quả của thuốc.
Thuốc điều trị lao
Isoniazid là thuốc kháng sinh chống vi khuẩn được dùng để điều trị và phòng ngừa bệnh lao. Tỏi có thể làm giảm lượng isoniazid mà cơ thể hấp thụ, dẫn đến làm giảm hiệu quả hoạt động của isoniazid. Vì vậy không dùng tỏi nếu điều trị bằng thuốc isoniazid.
Ngoài ra không dùng tỏi mà không có lời khuyên y tế nếu đang sử dụng bất kỳ loại thuốc nào sau đây: Paracetamol, thuốc tránh thai, theophylline, NSAID (thuốc chống viêm không steroid) như aspirin, ibuprofen, celecoxib, diclofenac, meloxicam…
Ngoài ra cần thận trọng khi sử dụng tỏi nếu đang sử dụng thuốc để điều trị bất kỳ tình trạng nào sau đây: Bất kỳ loại nhiễm trùng nào (bao gồm cả HIV, sốt rét, hoặc bệnh lao); Trầm cảm; Hen suyễn hoặc dị ứng; Ung thư; Rối loạn cương dương; Bệnh trào ngược dạ dày thực quản; Huyết áp cao, cholesterol cao, hoặc bệnh tim; Đau nửa đầu; Bệnh vẩy nến, viêm khớp dạng thấp, hoặc rối loạn tự miễn dịch khác; Rối loạn tâm thần hoặc co giật.
Các đối tượng cần thận trọng khi sử dụng tỏi
Phụ nữ mang thai và cho con bú: Tỏi có thể an toàn khi dùng bằng đường uống với lượng thường thấy trong thực phẩm. Tỏi có thể không an toàn khi sử dụng làm thuốc trong thời kỳ mang thai và khi cho con bú. Không có đủ thông tin đáng tin cậy về sự an toàn của việc thoa tỏi lên da nếu bạn đang mang thai hoặc cho con bú.
Trẻ em: Tỏi có thể an toàn với trẻ em nhưng không có đủ thông tin đáng tin cậy để biết liệu tỏi có an toàn khi sử dụng với liều lượng lớn hơn hoặc lâu hơn 8 tuần hay không. Có thể không an toàn khi thoa tỏi sống lên da trẻ vì có thể làm bỏng da.
Rối loạn chảy máu: Tỏi, đặc biệt là tỏi tươi, có thể làm tăng nguy cơ chảy máu.
Phẫu thuật: Tỏi có thể kéo dài thời gian chảy máu và cản trở huyết áp. Tỏi cũng có thể làm giảm lượng đường trong máu. Ngừng dùng tỏi ít nhất hai tuần trước khi phẫu thuật theo lịch trình.
Mặc dù viên nang tỏi có thể có tác dụng hữu ích đối với một số vấn đề sức khỏe, nhưng không nên sử dụng thực phẩm chức năng để tự điều trị bất kỳ triệu chứng nào có thể gặp phải. Không phải tất cả chất bổ sung tỏi đều chứa cùng một lượng hoạt chất, vì vậy nên sử dụng sản phẩm bổ sung tỏi đã được tiêu chuẩn hóa. Tham khảo ý kiến bác sĩ để thảo luận về bất kỳ tình trạng sức khoẻ nào có thể có để tránh các tương tác và tác dụng phụ gây hại.
Ngọc Nga (T/h)
https://vietq.vn/an-toi-can-dac-biet-luu-y-nhung-tuong-tac-thuoc-gay-nguy-hiem-d203023.html