Cô gái 20 tuổi đã mắc bệnh ung thư ruột, nguyên nhân xuất phát từ thói quen ăn thịt nướng thường xuyên của cả gia đình.
Mới đây, chuyên gia dinh dưỡng Xu Qiongyue (Trung Quốc) chia sẻ câu chuyện của 1 cô gái trẻ mới 20 tuổi đã mắc bệnh ung thư đại trực tràng. Ông cho biết, trong quá trình tìm hiểu về tiền sử bệnh của gia đình, bà phát hiện ra mẹ của cô gái cũng mắc ung thư. Điều này khiến bà không khỏi đặt nghi vấn về những thói quen sống của gia đình.
Khi chia sẻ với chuyên gia, cô gái trẻ kể lại thói quen ăn uống của gia đình mình: nướng thịt đến ba lần mỗi tuần. Họ cũng sử dụng khung lốp xe phế liệu để làm bếp nướng. Điều đáng báo động hơn, ngay cả khi thức ăn bị cháy đen, họ vẫn ăn mà không lo ngại về những nguy cơ tiềm ẩn.
Một sự thật đáng lo ngại là nhiều người vẫn duy trì thói quen ăn thịt cháy, tin rằng nó ngon hơn. Tuy nhiên, Xu Qiongyue cảnh báo, việc tiêu thụ thực phẩm cháy không chỉ làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng mà còn có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác như bệnh tim mạch, tiểu đường và suy giảm miễn dịch.
Xu Qiongyue cho biết thêm, trường hợp của cô gái 20 tuổi này không phải cá biệt bởi ung thư đang ngày càng trẻ hóa.
Để giảm nguy cơ mắc bệnh, các chuyên gia khuyến nghị nên thay đổi lối sống ngay từ bây giờ. Điều này bao gồm ăn nhiều rau quả tươi, hạn chế tiêu thụ thực phẩm đã qua chế biến, tập thể dục, ngủ đủ giấc và giảm căng thẳng. Ăn thịt nướng quá nhiều có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư, đặc biệt là ung thư đại trực tràng, ung thư dạ dày, ung thư phổi và ung thư vú. Nguyên nhân chính xuất phát từ hai nhóm hợp chất hóa học, đó là: Hydrocarbon thơm đa vòng (PAHs) và amin dị vòng (HCAs).
Thịt nướng tiền ẩn nguy cơ gây ung thư. (Ảnh minh họa).
PAHs là hợp chất sinh ra khi thịt hoặc mỡ cháy tiếp xúc trực tiếp với lửa. Khi nướng các giọt mỡ từ thịt sẽ rơi xuống than hoặc lửa, tạo ra khói chứa PAHs. Khói này bám vào bề mặt của thực phẩm, làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.
HCAs hình thành khi axit amin, đường và creatine (một hợp chất có trong cơ của động vật) phản ứng với nhau ở nhiệt độ cao. Nghiên cứu cho thấy, thịt được nấu ở nhiệt độ càng cao và trong thời gian dài thì càng tạo ra nhiều HCAs. Cả PAHs và HCAs đều được các nghiên cứu chỉ ra là có khả năng gây đột biến DNA, gây tổn thương tế bào, từ đó dẫn đến ung thư.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xếp các loại thịt chế biến (bao gồm cả thịt nướng) vào danh sách chất gây ung thư nhóm 1 (chất gây ung thư cho người) vì việc nấu ở nhiệt độ cao có thể tạo ra nhiều hợp chất gây hại. Tổ chức này khuyến cáo giảm thiểu tiêu thụ các loại thịt nấu ở nhiệt độ cao.
Tại Việt Nam, món thịt nướng được khá nhiều ưa chuộng. Nhưng bên cạnh đó, ngoài giá trị dinh dưỡng cần lưu ý về mặt an toàn khi thường xuyên tiêu dùng nó.
Liên hệ với PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh của Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm (Đại học Bách Khoa Hà Nội) để được giải đáp xung quanh vấn đề nguy hại thường gặp khi ăn thịt nướng, ông cho biết: “Trong thịt nướng sẽ có hai phần là nạc và mỡ. Về cấu tạo phần nạc khi chịu nhiệt độ cao nhưng không thuỷ phân, các chuỗi axit amin bị bẻ gãy (cracking) thành phân tử lạ ngắn dài khác nhau vào trong cơ thể người dùng. Chính phần mỡ là chất béo động vật, từ quá trình này sẽ xuất hiện “acrolein hoá” hình thành chất độc hại có khả năng gây ung thư”.
Về vấn đề này, PGS. TS Cung Thị Tuyết Anh công tác tại Bộ môn Ung Thư, Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, việc ăn thịt nướng thường xuyên có nguy cơ dẫn đến ung thư. Trường hợp ăn ít hoặc có kiểm soát thì không ảnh hưởng đến sức khoẻ. Còn người trực tiếp nướng thịt ở quán ven đường có sử dụng than củi phải thường xuyên tiếp xúc với khói làm dễ mắc các bệnh về đường hô hấp.
“Lưu ý thêm về vấn đề này, vì nướng thực phẩm ở nhiệt độ cao 500 – 600°C nên mỡ trong thịt chảy xuống than củi đang cháy sẽ hình thành các phân tử hydrocarbure thơm đa vòng chính là chất sinh ung thư”, PGS.TS Cung Thị Tuyết Anh cho biết thêm.
Giải pháp an toàn có thể sử dụng là dùng các vật liệu cách ly một phần hoặc hoàn toàn trong quá trình nướng như lá chuối hay giấy bạc,… Nhằm hạn chế phần thịt tiếp xúc trực tiếp với bếp nướng và chịu nhiệt độ cao rồi hình thành các phản ứng hoá học gây tổn hại sức khoẻ người tiêu dùng. Đồng thời cần vệ sinh sạch sẽ dụng cụ nướng. Bên cạnh đó cũng nên hạn chế thói quen ăn uống. Lựa chọn các quán ăn cảm thấy an toàn, có khoảng cách phù hợp với đường giao thông để giảm thiểu bụi đường và khí phát thải của phương tiện qua lại.
Thanh Hiền (t/h)
https://vietq.vn/an-thit-nuong-qua-nhieu-co-the-gay-ung-thu-d225626.html