Nhiều người mắc bệnh tiểu đường thường kiêng ăn nhiều thịt đỏ tuy nhiên theo nghiên cứu mới nhất của Mỹ cho thấy, nếu có cách ăn khoa học thì người mắc bệnh tiểu đường có thể ăn thịt đỏ nhưng vẫn kiểm soát được tình trạng bệnh.

Bên cạnh việc phân biệt thịt của các vật nuôi như thịt lợn, thịt gà, thịt bò… thì các chuyên gia dinh dưỡng có một cách phân biệt nữa là thịt trắng và thịt đỏ. Thịt đỏ là các loại thịt có chứa hợp chất heme, đây là nhóm chất chứa nguyên tố sắt và khiến cho thịt có màu đỏ tươi.

Thịt đỏ thường gặp nhiều nhất ở thịt bò, thịt cừu, thịt bê và thịt lợn… đôi khi chúng ta còn thấy cả ở thịt ngựa hoặc thịt trâu. Bên trong thịt đỏ có rất nhiều chất dinh dưỡng như protein, sắt, kẽm, vitamin B, carnosine, creatine… Trong thịt đỏ có hàm lượng dinh dưỡng khác nhau tùy vào đó là thịt của loại động vật nào.

Mặc dù ăn thịt đỏ có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng nếu ăn không đúng cách thì thịt đỏ lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe đặc biệt là bệnh đái tháo đường typ 2.

Thịt đỏ đã qua chế biến thường gặp như xúc xích, thịt xông khói… thường có các chất bảo quản có chứa nitrate, đây là chất có khả năng làm tăng đề kháng với insulin. Ngoài ra trong thịt đỏ có lượng sắt rất cao, khi ăn thịt đỏ quá nhiều có thể làm tăng lượng sắt trong cơ thể và có nguy cơ gây ra đái tháo đường typ 2.

Một vài nghiên cứu đã chỉ ra nếu sử dụng 100 gram thịt đỏ như thịt bò trong khẩu phần ăn hằng ngày thì có 20% tiến triển thành đái tháo đường typ 2. Tương tự như vậy nếu thay bằng thịt đỏ đã qua chế biến với lượng chỉ bằng 1⁄2 như 2 lát thịt lợn muối hoặc 1 cái xúc xích mỗi ngày thì nguy cơ tiến triển thành đái tháo đường typ 2 lên đến hơn 50%. Vì vậy, dù thịt đỏ rất tốt cho sức khỏe nhưng với điều kiện phải biết sử dụng chúng với lượng hợp lý.


Ăn vừa phải thịt đỏ vẫn giúp người mắc bệnh tiểu đường kiểm soát được tình trạng bệnh. Ảnh minh họa

Liên quan tới vấn đề sử dụng thịt đỏ như thế nào là tốt nhất đối với bệnh nhân mắc tiểu đường, mới đây một công trình từ Trường Đại học Alabama ở Brimingham (UAB – Mỹ) đã giải quyết mối hoài nghi lâu đời liên quan đến món thịt trong khẩu phần của bệnh nhân tiểu đường.

Theo Medical Xpress, trong thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng tại nhiều địa điểm, 106 tình nguyện viên đã được chia thành 2 nhóm. Một nhóm thực hiện chế độ ăn giàu protein, trong đó có 4 khẩu phần thịt đỏ, mỗi phần từ 113-170 g thịt bò nạc. Nhóm còn lại ăn protein ở mức bình thường, không có thịt đỏ.

Nhóm ăn nhiều protein nhận được 40% năng lượng hàng ngày thông qua protein, bên cạnh 32% carbohydrate và 28% chất béo. Nhóm ăn protein bình thường nhận được năng lượng thông qua protein – carbohydrate – chất béo với tỉ lệ lần lượt là 21%, 53% và 16%.

Tất cả tác tình nguyện viên đều là bệnh nhân tiểu đường type 2 và đang tuân thủ chế độ ăn kiêng giới hạn số calo hàng ngày, cũng như bổ sung nhiều thực phẩm lành mạnh khác và tập thể dục theo hướng dẫn.

Kết quả cho thấy cả nhóm ăn nhiều lẫn ăn protein ở mức bình thường đều có thể kiểm soát bệnh tiểu đường tốt như nhau sau 52 tuần, miễn là họ duy trì được việc giới hạn số calo và chọn thực phẩm tươi thay vì thức ăn công nghiệp được chế biến với nhiều phụ gia.

Theo GS James O.Hill, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Béo phì và dinh dưỡng UAB, tác giả chính của nghiên cứu, kết quả này cho thấy một cá nhân hoàn toàn có thể linh hoạt trong phạm vi nhất định để chọn mô hình ăn kiêng phù hợp với sở thích của mình trong nỗ lực kiểm soát bệnh tiểu đường type 2. Điều này cũng loại bỏ mối lo phổ biến nhưng chưa có căn cứ rõ ràng rằng việc ăn một chút thịt đỏ hay ăn nhiều thịt sẽ làm tồi tệ thêm căn bệnh.

Ngọc Nga (T/h)
https://vietq.vn/nghien-cuu-my-cach-an-thit-do-giup-kiem-soat-benh-tieu-duong-tot-ma-khong-can-kieng-d214014.html