Theo chuyên gia dinh dưỡng tại Mỹ, trái cây dù rất tốt cho sức khỏe tuy nhiên nếu quá lạm dụng thì chúng có thể gây ra những tác hại không mong muốn.

Trái cây là thực phẩm cực kỳ tốt cho sức khỏe với những lợi ích to lớn. Chúng có nhiều tác dụng như giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đem lại nhiều chất dinh dưỡng, giúp tăng cường sức đề kháng. Tuy nhiên, nếu ăn trái cây quá nhiều cũng sẽ có những hệ lụy.

Theo chuyên gia dinh dưỡng Erin Palinski-Wade, tác giả cuốn sách Chế độ ăn kiêng cho bệnh tiểu đường của Mỹ, những người mắc các bệnh tiểu đường hoặc tiền tiểu đường cần thận trọng với những thực phẩm ngọt tự nhiên là trái cây do hàm lượng đường cao.

Palinski-Wade khuyên nên ăn một khẩu phần trái cây trong mỗi bữa ăn chính hoặc bữa ăn nhẹ, đồng thời kết hợp món này với một nguồn protein, chất xơ hoặc chất béo.

“Mặc dù chế độ ăn nhiều thực phẩm nguyên chất đã được chứng minh là làm giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2, nhưng hầu hết trái cây đều chứa nguồn carbohydrate nên sự cân bằng là chìa khóa”, chuyên gia nói.

Táo, quả mọng, cam quýt và các loại trái cây khác cung cấp hydrat hóa tự nhiên và rất nhiều chất dinh dưỡng quan trọng. Nhưng nếu ăn quá nhiều mà loại bỏ các nhóm thực phẩm khác có thể gặp rắc rối.


Ăn nhiều trái cây cũng gây ra tác hại không mong muốn. Ảnh minh họa

Chuyên gia dinh dưỡng Amanda Lane, người sáng lập Healthful Lane Nutrition (Mỹ), giải thích: “Tiêu thụ nhiều trái cây có thể khiến người dùng ăn ít hơn các thực phẩm khác như chất béo và protein lành mạnh. Nếu không có những chất dinh dưỡng quan trọng này, có thể dẫn đến các tác hại cho cơ thể”.

Ngoài ra, đối với những người đang có mối quan tâm về giảm cân phải hạn chế lượng trái cây ăn hàng ngày để kiểm soát cân nặng.

“Ăn quá nhiều trái cây một lúc có thể làm tăng lượng đường trong máu của bạn, khiến bạn cảm thấy thèm ăn hơn”, nhà dinh dưỡng học Bonnie Newlin của Mỹ nói.

Các vấn đề sức khỏe khác cũng có thể khiến người tiêu dùng không nên ăn thêm trái cây vào bữa sáng, bữa trưa và bữa tối, đặc biệt đối với người có vấn đề về đường tiêu hóa.

“Thực phẩm giàu chất xơ có thể khó tiêu hóa hoặc gây khó chịu như đầy hơi và chướng bụng. Vì khả năng dung nạp thực phẩm với các tình trạng như IBS (hội chứng ruột kích thích) hoặc IBD (bệnh viêm ruột) mang tính cá nhân cao, tốt nhất nên làm việc với chuyên gia chăm sóc sức khỏe để xác định loại trái cây nào được dung nạp tốt nhất và những trái cây bạn cần hạn chế ăn”.

Liên quan tới vấn đề này, TS.BS Lưu Ngân Tâm, Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM từng tư vấn cho những phụ nữ thừa cân béo phì quá mức, muốn làm phẫu thuật thắt dạ dày. Qua những bệnh nhân này, bác sĩ Tâm nhận ra một quan điểm rất sai lầm của chị em, tưởng rằng ăn kiêng bằng trái cây có thể giảm cân.

“Tôi tư vấn cho một chị có cân nặng 100kg. Chị này cứ thắc mắc tại sao hoàn toàn không ăn cơm, không ăn thịt, chỉ ăn mỗi trái cây mà cân trọng lượng cơ thể lại tăng vọt. Chưa đầy 2 ngày chị ấy có thể ăn hết 7kg sầu riêng”, bác sĩ Tâm kể.

Bác sĩ Tâm chia sẻ thêm, có nhiều người quan niệm về ăn kiêng giảm cân chưa đúng như thế. Nhiều chị bảo chỉ ăn mỗi na (mãng cầu) và cùng lắm 1kg chôm chôm/ngày mà lưng quần chật liên tục. Họ đâu biết rằng, ăn hai trái na là cơ thể được cung cấp năng lượng bằng ½ bát cơm. Một trái chôm chôm cũng cung cấp khoảng 4 kcal. Mỗi ngày mà ăn toàn na và cả ký chôm chôm… hỏi sao không béo.

Tóm lại, chúng ta hạn chế ăn các loại trái cây có vị ngọt, nhiều đường, bởi chúng chứa nhiều năng lượng như: Sầu riêng (một múi tương đương 28 kcal), na (một trái khoảng 56 kcal), xoài cát (một trái khoảng 179 kcal), vú sữa (một trái khoảng 83 kcal), chôm chôm và nhãn (một trái tương đương 4 kcal).

Ngoài ra, để có một chế độ ăn giảm cân hiệu quả, an toàn, bác sĩ Tâm khuyên chị em, mỗi ngày ăn uống đa dạng, tính toán sao cho đủ mức năng lượng tối thiểu (từ 1200-1500 kcal).

Những người béo phì vẫn ăn đủ 3 bữa (bớt các thức ăn dầu mỡ), tuy nhiên giảm khẩu phần ăn xuống còn 2/3 bình thường. Nghĩa là trước đây ăn no căng, bây giờ chỉ ăn sao cho thấy bụng lưng lưng là đủ.

Trong 3 bữa ăn, bữa sáng có thể ăn nhiều, bữa trưa ăn vừa phải, còn tối ăn ít tinh bột. Muốn bữa tối tránh bị đói mà không phải ăn nhiều, chị em hãy ăn rau, ăn canh trước khi ăn cơm.

Một người béo phì có thể cho phép mình ăn từ 100-120 gr thịt cá/bữa. Với những ai bị rối loạn chuyển hóa tăng a xít uric thì tránh ăn thịt đỏ (bò, nội tạng động vật). Các chị em có tiền sử rối loạn chuyển hóa mỡ không nên ăn thực phẩm chứa chất béo bão hòa (mỡ bò, gà, heo, lòng).

Tăng cường ăn rau củ quả trong thực đơn giảm cân nhưng cần tránh các loại trái ngọt, và cũng chỉ nên ăn 250-300gr trái cây/ngày. Trái cây ngọt chứa đường nhiều, mà đường sẽ chuyển hóa thành mỡ.

An Dương (T/h)
https://vietq.vn/an-qua-nhieu-trai-cay-cung-gay-ra-nhung-tac-hai-khong-ngo-d207587.html