Muối là gia vị quan trọng trong bữa ăn hàng ngày của mỗi người nhưng ăn quá nhiều muối có thể gây ra rất nhiều vấn đề cho sức khỏe.

Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo, hầu hết người lớn chỉ nên tiêu thụ không quá 2,3g natri mỗi ngày, tương đương một muỗng cà phê muối không quá 1,5g. Nếu ăn quá nhiều so với con số được đưa ra sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ cho sức khỏe.

Các loại thịt chế biến sẵn chứa rất nhiều muối. Ảnh minh họa 

Làm mất canxi

Ăn thừa muối là cơ thể cũng tìm cách tăng đào thải natri qua nước tiểu, dẫn tới mất kali, canxi và nhiều khoáng chất khác, từ đó có thể gây loãng xương, sỏi thận và các rối loạn khác do mất khoáng chất.

Thừa muối sẽ làm cho quá trình đào thải canxi tăng lên, khiến xương yếu đi và cũng gây ra bệnh loãng xương, nhất là đối với phụ nữ ở thời kỳ mãn kinh.

Bệnh suyễn

Theo số liệu thống kê ở Hoa Kỳ, lượng muối ăn được tiêu thụ tại các khu vực địa phương luôn tỷ lệ thuận với lượng người mắc bệnh hen suyễn, do chế độ ăn có hàm lượng natri cao sẽ gia tăng phản ứng với khí quản. Vì vậy đối với bệnh nhân mắc bệnh hen phế quản nên kiêng ăn quá mặn, hạn chế ăn một số thực phẩm có vị chua gắt như chanh, giấm…

Bệnh thận

Ăn mặn khiến tuần hoàn máu tăng đến cầu thận buộc thận phải làm việc nhiều dẫn đến suy thận. Bệnh nhân đã bị bệnh thận nếu ăn nhiều muối sẽ suy sụp nhanh hơn, ngược lại nếu ăn ít muối thì chức năng thận được cải tạo tốt hơn. Không chỉ có thế muối còn là nguyên nhân dẫn đến sỏi thận, thận nhiễm mỡ.

Mất nước

Sau một đêm ăn nhiều đồ mặn như khoai tây chiên và bánh pizza sẽ cảm thấy mất nước vào sáng hôm sau. Đặc biệt, nếu ăn quá nhiều muối, cơ thể bắt đầu lấy nước từ các tế bào và kết quả là cơ thể bị mất nước. Ăn quá nhiều đồ mặn sẽ gây cảm giác khát, buồn nôn hoặc co thắt dạ dày, vì vậy hãy nhớ uống nhiều nước trong suốt cả ngày.

Táo bón

Khi chế độ ăn uống chứa quá nhiều muối, cơ thể sẽ hút nước từ ruột để giúp bù đắp lượng muối dư thừa trong máu. Điều này có thể làm giảm hàm lượng nước có trong chất thải, khiến việc đi ngoài cơ thể trở nên khó khăn hơn. Cuối cùng, điều này có thể dẫn đến táo bón. Đảm bảo ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ và uống nhiều nước để tránh bị táo bón.

Đầy hơi

Ăn quá nhiều thức ăn mặn, cơ thể có thể bắt đầu giữ nước, gây ra đầy hơi. Giảm lượng nước tích tụ bằng cách chọn thực phẩm có hàm lượng natri thấp như đậu, các loại hạt không ướp muối và thịt gà không da thay vì các thực phẩm tẩm muối.

Tăng nguy cơ tim mạch

Lượng muối lớn đưa vào cơ thể do thói quen tiêu thụ đồ ăn mặn sẽ khiến cơ thể cần uống nhiều nước, làm tăng khối lượng máu tuần hoàn và khiến tim phải làm việc nhiều hơn.

Tình trạng này nếu kéo dài sẽ làm tâm thất trái to lên, dẫn đến hiện tượng suy tim. Tâm thất trái có thể trở lại bình thường nếu phát hiện sớm và giảm lượng muối nạp vào cơ thể.

Bệnh cao huyết áp

Muối làm tăng tính thấm của màng tế bào đối với natri, ion natri sẽ chuyển nhiều vào tế bào cơ trơn của thành mạch máu, gây tăng nước trong tế bào, tăng trương lực của thành mạch, gây co mạch, tăng sức cản ngoại vi, dẫn đến tăng huyết áp.

Thu Phương (T/h)
https://vietq.vn/an-qua-nhieu-muoi-co-hai-khong-d197054.html