Theo một số nghiên cứu nếu ăn khoai tây, nhất là khoai tây tím thường xuyên với lượng vừa phải sẽ tác động tích cực đến huyết áp cao.

Một nghiên cứu được công bố trên chuyên san Annals of Medicine (Mỹ), khoai tây là nguồn cung cấp dồi dào vitamin C, chất xơ, canxi, magiê, vitamin B6, niacin, folate cùng nhiều dưỡng chất có lợi khác. Đặc biệt, hàm lượng kali dồi dào trong khoai tây có tác dụng rất tốt đối với những người huyết áp cao.

Ở bệnh nhân huyết áp cao, một trong những điều cần phải làm hạn chế là muối. Vì trong muối chứa lượng lớn natri. Natri khi vào cơ thể sẽ làm tăng tích tụ chất lỏng trong mạch máu, khiến cơ thể giữ nước và làm tăng huyết áp. Trong khi đó, kali lại có khả năng giúp cơ thể loại bỏ lượng natri dư thừa, làm giãn thành mạch máu và giúp máu lưu thông nhiều hơn. Các tác động này giúp giảm huyết áp.

Ngoài ra nếu tăng lượng canxi, magiê và vitamin C trong chế độ ăn cũng có tác dụng giúp hạ huyết áp. Đây đều là những dưỡng chất quan trọng có trong khoai tây. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo khoai tây dù tốt cho sức khỏe nhưng không nên ăn quá nhiều. Dù là tinh bột phức tạp nhưng ăn nhiều khoai tây cũng có thể gây thặng dư calo và tăng cân.


Ăn thường xuyên khoai tây, nhất là khoai tây tím với lượng vừa phải sẽ rất tốt cho người cao huyết áp. Ảnh minh họa

Bệnh viện Vinmec cũng thông tin, khoai tây nhất là khoai tây tím là loại thực phẩm có tác dụng hỗ trợ hạ huyết áp hiệu quả. Sở dĩ, khoai tây có khả năng này là do có chứa chất chống oxy hóa, giúp bảo vệ cơ thể khỏi gốc tự do, nguyên nhân phá hủy các tế bào khỏe mạnh. Vì thế, loại thực phẩm này xứng đáng nằm trong danh sách thực đơn dành cho người cao huyết áp.

Có rất nhiều bằng chứng khoa học cho thấy lợi ích hạ huyết áp từ khoai tây tím. Một nghiên cứu trên 18 người thừa cân béo phì bị huyết áp cao: Họ đã được chia làm 2 nhóm, 1 nhóm thực hiện chế độ ăn khoai tây tím từ 6 – 8 củ (cỡ quả bóng golf) và 1 nhóm không ăn khoai tây tím trong thời gian 4 tuần. Kết quả cho thấy những người ăn khoai tây tím đã hạ huyết áp tâm trương (chỉ số huyết áp thấp nhất) trung bình 4,3% và huyết áp tâm thu (chỉ số huyết áp cao nhất) 3,5%. Họ cho rằng kết quả đặc biệt đáng chú ý vì 14/18 người trong nghiên cứu không hạ huyết áp hiệu quả sau khi uống thuốc hạ huyết áp. Những người này không áp dụng chế độ ăn giảm cân do cân nặng được duy trì trong thời gian nghiên cứu.

Các nhà nghiên cứu cho biết khoai tây chứa nhiều thành phần dinh dưỡng tương tự như súp lơ xanh, rau bina và mầm cải Brussels. Tác dụng hạ huyết áp của khoai tây tím gần tương tự với bột yến mạch, khoai tây đỏ và trắng. Do đó ngoài khoai tây tím, người cao huyết áp cũng nên ăn các loại thực phẩm thay thế này.

Theo nhà nghiên cứu Joe, thuộc Đại học Scranton, Pennsylvania (Mỹ), mặc dù khoai tây có tác dụng hạ huyết áp hiệu quả, tuy nhiên thành phần dinh dưỡng của khoai tây còn phụ thuộc rất nhiều vào việc chế biến.

Việc chiên ngập dầu và ăn cùng các thực phẩm giàu chất béo có thể phá hủy các chất dinh dưỡng lành mạnh trong khoai tây, vô tình làm giảm hiệu quả hạ huyết áp. Thay vào đó nên lựa chọn biện pháp khác như luộc, nướng khoai tây tím trong lò vi sóng, ăn 2 lần/ngày trong 1 tháng giúp giảm 3 – 4% huyết áp mà không làm tăng cân.

Vân Thảo (T/h)
https://vietq.vn/an-khoai-tay-thuong-xuyen-voi-luong-vua-phai-giup-tac-dong-tich-cuc-den-huyet-ap-cao-d223902.html