19 C
Hanoi
Thứ ba, Tháng Một 21, 2025
More
    HomeTiêu dùng bền vữngĂn canh cua đồng với cà muối ngày hè cần lưu ý...

    Ăn canh cua đồng với cà muối ngày hè cần lưu ý gì để có lợi cho sức khỏe

    Date:

    Related stories

    Theo các chuyên gia dinh dưỡng khi ăn món cua đồng và cà muối trong những ngày hè nên đặc biệt lưu ý để không bị ngộ độc, có lợi cho sức khỏe.

    Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Trung tâm Giáo dục Truyền thông Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, canh cua bổ sung canxi và đạm, cà muối giúp tăng phần hấp dẫn món canh. Tuy nhiên, chuyên gia dinh dưỡng lưu ý cách kết hợp hai món ăn này.

    Cua đồng là thực phẩm rất quen thuộc của người Việt. Cua đồng sống chủ yếu ở ruộng lúa, hồ, ao,… Canh cua mát, bổ, dễ ăn, rất giàu canxi và chất dinh dưỡng. Trong 100 g cua đồng cung cấp 87 kcal; 12,3 g protid; 3,3 g lipid; 2 g glucid. Lượng vitamin và muối khoáng, đặc biệt là canxi trong cua đồng rất cao. Trong 100 g cua có tới hơn 5 g canxi, 430 mg photpho, 4,7mg sắt và 2,1 mg vitamin PP.

    Chất lượng protid trong cua đồng cũng thuộc loại tốt. Qua phân tích, người ta thấy có 8/10 axit amin cần thiết, gồm lysine, methionie, valine, leucin, isoleucien, phenylalanine, threonine và trytophane.

    Ngoài các chất dinh dưỡng có trong cua đồng, rau củ nấu cùng cũng cung cấp lượng dinh dưỡng, vitamin cho cơ thể. Canh cua có nhiều chất bổ dưỡng đó là đạm, canxi, sắt, đồng thời giúp bổ sung lượng nước và các chất điện giải cho cơ thể khi thời tiết nóng.


    Khi ăn canh cua với cà muối ngày hè cần đặc biệt lưu ý. Ảnh minh họa

    Tuy nhiên khi ăn canh cua đồng chị em nên chú ý tuyệt đối không chế biến cua đồng đã chết vì chúng có chất histidine. Chất này gây dị ứng, nổi mề đay, ngứa ngáy, nôn nao, đau đầu, chóng mặt, bị ngộ độc (đau bụng, nôn, tiêu chảy và một số vấn đề xấu khác đối với sức khỏe…).

    Thông tin thêm về vấn đề này, TS. Hồ Thu Mai- Chuyên gia dinh dưỡng Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec cho biết, cua nấu chín nhưng thời gian để lâu dễ bị ôi thiu, nhiễm khuẩn. Do đó, cua chế biến đến đâu nhớ ăn hết tới đó.

    Lưu ý, hiện tại nhiều chị em vì muốn ăn cua sạch nên đã về quê hoặc nhờ người quen mua cua đồng ở quê rồi sơ chế sẵn, đem về bảo quản tủ lạnh và chế biến dần. Tuy nhiên, không nên để cua ở ngăn mát còn nếu để ngăn đá phải bọc cẩn thận và không để lâu quá 1 tuần.

    Cũng theo các chuyên gia, ăn gỏi cua hay uống nước cua sống cũng là hành động sai lầm. Xa xưa, các đô vật trước khi bước vào trận đấu thường uống một bát nước cua đặc để tăng cường sức lực, vật khỏe và dai sức hơn. Những người đấu võ bị đòn đau, có ứ huyết cũng bảo nhau uống vài bát nước cua sống để trị chấn thương, chỗ đau chóng lành. Việc làm này có thể gây hậu quả xấu cho sức khỏe.

    Trong nước cua đồng có nhiều chất bổ dưỡng. Nhưng nước cua đồng sống và gỏi cua đều là những món ăn sống có thể chứa nhiều mầm bệnh nguy hiểm gây ngộ độc thức ăn, đặc biệt là bệnh sán lá phổi (paragonimus ringeri).

    Sán lá phổi tuy ký sinh trong phổi và đẻ trứng ở phế quản nhưng vẫn là một bệnh lây theo đường tiêu hóa. Trứng sán từ phổi bệnh nhân được bài xuất ra ngoài theo đờm, xuống nước và hình thành ấu trùng ở trong. Ấu trùng này ra khỏi vỏ trứng, tìm đến một số loài ốc để ký sinh, sau đó vỏ ốc tìm các loài cua và tôm nước ngọt ký sinh dưới dạng nang trùng sán nói trên do đun nấu chưa chín sẽ lây bệnh. Như vậy, ăn gỏi cua và uống nước cua sống là đường lây truyền bệnh sán lá phổi rất thuận lợi.

    Cũng theo vị chuyên gia trên, từ xa xưa, canh cua thường được ăn cùng cà muối. Cà muối như một món gia vị làm cho bữa ăn trở nên hấp dẫn. Tuy nhiên các thức ăn muối mặn như dưa, cà, hành, kiệu muối làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày do có chất nitrosamin. Nếu ăn thực phẩm có chất nitrosamin suốt thời gian dài thì mới có nguy cơ ung thư cao.

    Nếu thỉnh thoảng ăn cà pháo cùng canh cua để tăng phần hấp dẫn ngon miệng thì không có gì đáng ngại. Lưu ý chỉ ăn khi cà đã chín đều, không ăn cà muối xổi. Cà muối xổi còn xanh và hăng sẽ có hàm lượng nitrit cao hơn. Không nên ăn nhiều và khi muối cà không nên cho quá mặn để hạn chế lượng muối vào cơ thể.

    Tuy ngon và hấp dẫn nhưng cũng chỉ nên ăn 4-5 quả cà muối trong một bữa. Hơn nữa, cà pháo muối là món ăn mặn chứa nhiều muối. Những người khỏe mạnh bình thường cũng không nên ăn quá mặn. Đặc biệt, những người mắc bệnh mạn tính, tăng huyết áp cần hạn chế ăn cà muối.

    Tuy cua nhiều chất dinh dưỡng như vậy nhưng lại cho biết thêm, không phải ai cũng có thể ăn được cua.

    – Người dị ứng với cua: Những người sau khi ăn cua có biểu hiện ngứa, nổi mề đay, tiêu chảy, thậm chí khó thở, co thắt phế quản, nguy hiểm đến tính mạng.

    – Người mới khỏi bệnh: Theo Đông Y, cua có tính hàn nên ăn vào dễ bị rối loạn tiêu hóa.

    – Người bị tiêu chảy: Những ai đang bị tiêu chảy tuyệt đối không nên các món chế biến từ cua đồng. Cua đồng có tính lạnh vì có thể khiến người đang bị bệnh, bị tiêu chảy càng bị nặng thêm, gây nguy hiểm đến sức khỏe.

    – Người bị bệnh tim mạch: Bởi vì gạch cua có chứa nhiều cholesterol (trong 100 gam thịt cua có đến 125 mg cholesterol) nên người huyết áp cao, bệnh tim mạch cần hạn chế ăn cua đồng.

    – Người bị bệnh gout: Cua đồng chứa nhiều Kali và prunes nên không tốt cho người bị bệnh gout.

    An Dương (T/h)
    https://vietq.vn/an-canh-cua-dong-voi-ca-muoi-ngay-he-can-luu-y-gi-de-tranh-ngo-docsang-31-d200754.html

    Subscribe

    - Never miss a story with notifications

    - Gain full access to our premium content

    - Browse free from up to 5 devices at once

    Latest stories

    spot_img