Lò vi sóng đã trở thành thiết bị không thể thiếu trong nhiều gia đình nhờ sự tiện lợi và khả năng làm nóng thức ăn nhanh chóng. Tuy nhiên, không ít người vẫn còn mơ hồ hoặc hiểu sai về tính an toàn của thiết bị này, đặc biệt là những lo ngại xoay quanh bức xạ và nguy cơ ung thư.
Theo các cơ quan y tế hàng đầu như Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) và Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA), lò vi sóng hoạt động bằng cách phát ra sóng vi ba – một dạng bức xạ không ion hóa, hoàn toàn khác với bức xạ hạt nhân. Loại sóng này không làm thay đổi cấu trúc DNA, không gây nhiễm xạ thực phẩm và không có khả năng gây ung thư như nhiều người lầm tưởng.
Thậm chí, các chuyên gia còn cho biết, việc nấu ăn bằng lò vi sóng có thể giúp giữ lại nhiều dưỡng chất hơn so với phương pháp truyền thống như luộc, hấp hoặc chiên nhờ thời gian làm nóng ngắn và không cần sử dụng nhiều nước. Tuy nhiên, sự an toàn này chỉ thực sự đúng khi người dùng hiểu rõ nguyên tắc sử dụng. Dùng sai cách hoặc đưa những thực phẩm không phù hợp vào lò có thể biến thiết bị hữu ích này thành hiểm họa trong bếp.
Đáng chú ý, có ít nhất 16 loại thực phẩm mà các chuyên gia khuyến cáo tuyệt đối không nên hâm nóng bằng lò vi sóng. Trứng nguyên vỏ là ví dụ điển hình. Khi bị đun nóng bằng sóng vi ba, áp suất bên trong tăng cao khiến vỏ có thể phát nổ bất ngờ. Các loại hải sản có vỏ cứng như cua, sò, ốc cũng nằm trong danh sách cấm kỵ vì dễ gây nổ hoặc bốc mùi tanh nồng, rất khó chịu.
Một số loại trái cây có lớp vỏ kín như nho, cà chua, việt quất nếu cho vào lò cũng dễ tạo tia lửa điện hoặc phát nổ. Các loại chất lỏng như nước, cháo đặc, sữa có thể sôi trào đột ngột, gây bỏng nếu người dùng mở nắp không đúng cách. Thực phẩm nhiều dầu mỡ khi bị nung ở nhiệt độ cao, có thể sinh ra các chất độc hại như benzopyrene và acrylamide – vốn đã được xác định là các hợp chất có nguy cơ gây ung thư.
Ành minh họa.
Ngoài ra, một số loại rau củ như rau cải, củ cải, cần tây, củ dền chứa hàm lượng nitrat tự nhiên cao. Khi bị làm nóng lại trong môi trường vi sóng, nitrat có thể biến đổi thành nitrosamine – một chất có khả năng gây ung thư.
Nấm đã nấu chín nếu tiếp tục hâm lại dễ biến đổi protein, dẫn đến tình trạng khó tiêu hoặc đau bụng. Khoai tây, nếu bảo quản không đúng cách và hâm trong môi trường yếm khí có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn Clostridium botulinum phát triển và gây ngộ độc nghiêm trọng.
Thịt gà nấu chín cũng không phải lựa chọn an toàn nếu hâm bằng lò vi sóng, bởi nhiệt trong lò thường phân bố không đều, phần bên trong dễ còn sống, tiềm ẩn nguy cơ nhiễm khuẩn salmonella. Các loại thịt chế biến sẵn như xúc xích, thịt hun khói cũng cần được tránh, bởi chất bảo quản nitrat trong các sản phẩm này có thể tạo ra nitrosamine khi bị nung nóng quá mức.
Đối với trẻ nhỏ, một sai lầm nghiêm trọng là hâm sữa mẹ bằng lò vi sóng. Nhiệt trong lò có thể làm sữa nóng không đều, gây bỏng cho trẻ hoặc phá hủy cấu trúc protein trong sữa. Một thực phẩm khác tưởng chừng vô hại là ớt – đặc biệt là ớt khô nếu đưa vào lò vi sóng sẽ khiến capsaicin bay hơi, lan tỏa trong không khí và gây cay mắt, rát cổ họng khi mở lò.
Không chỉ thực phẩm, vật dụng dùng trong lò vi sóng cũng là yếu tố cần đặc biệt lưu tâm. Hộp nhựa không có nhãn “microwave-safe” tuyệt đối không nên sử dụng vì dễ giải phóng các hóa chất độc hại như BPA, phthalates hoặc PFAS, ảnh hưởng trực tiếp đến nội tiết, hệ tiêu hóa và tim mạch.
Tương tự, hộp giấy, giấy bạc hoặc túi giấy có phủ kim loại cũng không được phép đưa vào lò vì nguy cơ bắt lửa. Các vật dụng kim loại hoặc gốm, sứ có hoa văn ánh kim có thể tạo tia lửa điện, gây chập cháy. Bình giữ nhiệt bằng kim loại tuy tiện lợi nhưng không phù hợp với lò vi sóng, vì lớp vỏ cách nhiệt sẽ cản trở sóng vi ba đi vào bên trong, khiến thức ăn không nóng đều và làm giảm tuổi thọ của thiết bị.
Rõ ràng, lò vi sóng không phải mối nguy hiểm như nhiều lời đồn đoán nếu được sử dụng đúng cách. Ngược lại, đây là thiết bị hữu ích, tiết kiệm thời gian và giữ được nhiều dưỡng chất trong thực phẩm nếu người dùng tuân thủ đúng hướng dẫn. Điều cốt lõi là cần hiểu rõ nguyên lý hoạt động của thiết bị, nhận diện những loại thực phẩm và vật dụng không phù hợp, đồng thời tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc an toàn.
Trước khi sử dụng, hãy luôn kiểm tra tình trạng của lò, đảm bảo cửa đóng kín, không bị cong vênh hay rò rỉ. Chỉ nên dùng các loại bát, đĩa, hộp có dán nhãn “dùng được cho lò vi sóng”. Đôi khi, chỉ một vài giây bất cẩn trong bếp cũng có thể dẫn đến hậu quả khó lường. Là người tiêu dùng thông minh, hãy bắt đầu từ việc hiểu và sử dụng đúng thiết bị, để mỗi bữa ăn không chỉ ngon mà còn thực sự an toàn cho cả gia đình.
Theo Thanh Hiền
https://vietq.vn/lo-vi-song-tien-loi-hay-hiem-hoa-tu-bep-d235405.html