Từ đầu hè 2025 đến nay khi vải thiều vào mùa, món ăn vải khúc bạch đang trở thành “hot trend” trên mạng xã hội tuy nhiên theo các chuyên gia nên ăn quả vải tươi tốt hơn khi chế biến cùng với khúc bạch vì cả hai đều chứa nhiều đường.
Món khúc bạch vải thiều đang gây “sốt” trên mạng xã hội, được nhiều người săn đón thử theo trào lưu. Một số người khen món ăn có sự kết hợp hài hòa giữa vị béo của khúc bạch và vị thanh mát của vải thiều, rất hợp với mùa hè. Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng hai nguyên liệu này “không ăn nhập”, hương vị rời rạc, chưa tạo nên tổng thể hài hòa như lời đồn.
Một food reviewer nổi tiếng còn chia sẻ thẳng thắn rằng món ăn không dở nhưng các thành phần hoàn toàn tách biệt nhau, không liên kết về hương vị. Ngoài ra, mức giá khá cao nhưng chất lượng không đồng đều giữa các nơi bán cũng khiến nhiều người băn khoăn. Video đánh giá của reviewer này nhanh chóng thu hút hơn 5 triệu lượt xem và nhận được nhiều ý kiến đồng tình từ cộng đồng mạng.
Chế biến vải cùng với khúc bạch thành món ăn ngon nhưng cả 2 đều chứa nhiều đường ăn nhiều sẽ không tốt cho sức khỏe. Ảnh minh họa
Còn theo PGS.TS.BS Nguyễn Trọng Hưng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết, vải là trái cây truyền thống, có nhiều giá trị dinh dưỡng trong đó nổi bật nhất là chứa hàm lượng đường cao và các vitamin. Tuy nhiên, để mang lại lợi ích cho sức khỏe mọi người nên ăn theo cách truyền thống, trong đó ăn quả vải chín tươi là tốt nhất. Ngoài ra, để có thể ăn khi hết mùa vải, mọi người cũng có thể sấy khô, cách làm này có thể bảo quản được lâu hơn.
Với cách biến tấu vải thành nhiều món ăn khác, bác sĩ Hưng cho rằng không nên, nhất là các món độc lạ chưa từng xuất hiện, vì như vậy chúng ta không thể kiểm soát được số lượng, hàm lượng dinh dưỡng trong món ăn đó. Ngoài ra, còn làm mất đi nguồn dinh dưỡng quý giá trong quả vải, mà chúng chỉ có khi còn tươi.
Theo đó, nhiều người làm món thịt nhồi vải rồi đem đi hấp thành món ăn, khi đó thịt quả vải có thể bị mềm nhũn, giảm độ ngon của món ăn. Đặc biệt, lượng đường trong vải hay vitamin C trong vải sẽ bị mất đi hoặc chuyển hóa, như vậy giá trị dinh dưỡng không còn nhiều.
Hay như món ăn đang hot là vải khúc bạch, khi kết hợp món này có thể về mặt an toàn thực phẩm không vấn đề gì, nhưng hàm lượng các chất trong đó sẽ thay đổi rất nhiều so với ăn vải tươi, đặc biệt là lượng đường nạp vào cơ thể. Bởi vải vốn chứa nhiều đường, trong khi khúc bạch được làm từ kem, sữa, gelatin cũng chứa nhiều đường và chất béo. Khi ăn có thể sẽ nhận một lượng đường lớn, dù món ăn rất mát có thể là ngon, nhưng lại không tốt cho sức khỏe.
“Khi nạp quá nhiều đường vào cơ thể gan sẽ phải làm việc nhiều hơn, thậm chí là quá tải. Đó là chưa kể, nếu ăn nhiều sẽ có nguy cơ thừa cân, béo phì và tiểu đường. Do vậy, mọi người cần đặc biệt chú ý trong cách chế biến, biến tấu và sử dụng các loại trái cây”, bác sĩ Hưng cho hay.
Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 9767:2013 vải quả tươi
Tiêu chuẩn này áp dụng cho vải quả thương phẩm của các giống có tên khoa học là Litchi chinensis Sonn., thuộc họ Sapindaceae, được tiêu thụ dưới dạng quả tươi, sau khi sơ chế và đóng gói. Tiêu chuẩn này không áp dụng cho vải quả tươi dùng trong chế biến công nghiệp.
Theo TCVN 9767:2013, quả vải tươi phải đáp ứng các chỉ tiêu về ngoại quan như kích cỡ, màu sắc, hình dáng, không bị hư hỏng, sâu bệnh hay biến dạng. Tiêu chuẩn cũng quy định nghiêm ngặt về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng và các chất độc hại khác, nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và tuân thủ các quy định quốc tế.
Bên cạnh đó, TCVN 9767:2013 đưa ra các quy trình đóng gói, bảo quản và vận chuyển trái cây nhằm giữ nguyên chất lượng, độ tươi ngon và giá trị dinh dưỡng của sản phẩm. Tiêu chuẩn này khuyến khích sử dụng bao bì phù hợp, tránh làm tổn thương quả vải trong quá trình vận chuyển và lưu trữ.
Tiêu chuẩn này giúp các nhà sản xuất và xuất khẩu kiểm soát chất lượng đồng đều, nâng cao uy tín sản phẩm. Đặc biệt, việc áp dụng TCVN 9767:2013 góp phần giảm thiểu rủi ro về sức khỏe khi tiêu thụ trái cây tươi và hỗ trợ phát triển bền vững ngành nông nghiệp.
TCVN 9767:2013 không chỉ là căn cứ pháp lý quan trọng cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực trái cây mà còn là bảo chứng cho người tiêu dùng về chất lượng, an toàn thực phẩm. Việc tuân thủ tiêu chuẩn này giúp bảo vệ sức khỏe cộng đồng và thúc đẩy thương mại phát triển hiệu quả, đặc biệt trong bối cảnh thị trường ngày càng khắt khe về tiêu chuẩn an toàn và chất lượng.
Vân Thảo (T/h)
https://vietq.vn/vai-khuc-bach-gay-sot-mang-xa-hoi-%E2%80%93-chuyen-gia-khuyen-nen-uu-tien-an-vai-tuoi-d235068.html