31.5 C
Hanoi
Thứ Sáu, Tháng 7 11, 2025
More
    HomeTiêu dùng bền vữngCảnh báo: Rau muống nhiễm chì không thể nhận biết bằng mắt...

    Cảnh báo: Rau muống nhiễm chì không thể nhận biết bằng mắt thường

    Date:

    Related stories

    Rau muống vốn là món ăn quen thuộc trong bữa cơm gia đình Việt, thế nhưng ít ai biết rằng loại rau này nằm trong nhóm dễ nhiễm kim loại nặng, đặc biệt là chì nếu trồng trong môi trường ô nhiễm.

    Theo PGS. TS Cao Trường Sơn, Giảng viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam, rau muống có thân rỗng, sống trong môi trường nước nên nguy cơ nhiễm chì rất cao. Đáng lo ngại, việc rửa kỹ hay nấu chín đều không thể loại bỏ được độc tố này.

    PGS. TS Sơn nhấn mạnh, chì trong rau muống không có mùi vị đặc trưng, cũng không gây ra phản ứng hóa học khi nấu nên người tiêu dùng hoàn toàn không thể nhận biết bằng mắt thường. “Không chỉ rau muống mà hầu hết các loại rau nếu nhiễm kim loại nặng như chì đều không thể phân biệt bằng cảm quan. Muốn kiểm tra chính xác, bắt buộc phải phân tích mẫu trong phòng thí nghiệm”, ông nói.

    Rau muống có đặc điểm thân rỗng, là loài thủy sinh nên dễ hấp thụ các chất ô nhiễm trong nước, đặc biệt là kim loại nặng như chì. Cấu trúc này giúp rau nổi trên mặt nước và hấp thụ ôxy, nhưng cũng đồng thời tạo điều kiện cho các chất độc thâm nhập vào thân và lá.


    Tự trồng rau muống tại nhà nên tuân thủ quy trình trồng trọt an toàn.

    Môi trường nước ô nhiễm, đặc biệt từ nước thải sinh hoạt, phân bón, hóa chất, chất thải công nghiệp… là nguyên nhân chính khiến rau muống bị nhiễm chì. Tình trạng càng đáng lo khi nhiều người dân trồng rau trên bè nổi ở sông, kênh rạch nhưng không kiểm soát được nguồn nước, khiến rau dễ hấp thụ các chất độc hại mà người tiêu dùng không hề hay biết.

    PGS. TS Sơn lưu ý, mọi loại rau trồng trong môi trường ô nhiễm đều có nguy cơ nhiễm kim loại nặng, không riêng rau muống. Ngoài ra, rau muống trồng ở nơi kém vệ sinh hoặc tưới bằng nguồn nước bẩn còn có thể chứa vi sinh vật gây bệnh, trứng giun sán. Đặc biệt, rau còn có thể tích lũy nitrat và nitrit – những chất có thể biến đổi thành hợp chất gây ung thư khi vào cơ thể.

    “Người tiêu dùng thường lầm tưởng chỉ cần rửa rau thật kỹ là an toàn. Nhưng thực tế, việc rửa chỉ giúp loại bỏ bụi bẩn trên bề mặt, còn kim loại nặng và vi sinh vật đã ngấm sâu vào mô rau thì không thể loại bỏ, kể cả khi nấu chín”, ông Sơn cảnh báo.

    Vì không thể nhận biết bằng cảm quan, cách tốt nhất để tránh rau muống nhiễm chì là thay đổi thói quen mua sắm. Người tiêu dùng nên ưu tiên chọn mua rau có nguồn gốc rõ ràng, được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP hoặc có chứng nhận an toàn thực phẩm. Không nên mua rau trôi nổi, bán ở vỉa hè, chợ tạm hoặc từ người bán rong không có thông tin xuất xứ.

    Nếu tự trồng rau tại nhà, cần tránh trồng ở ven đường, gần cống rãnh hoặc khu vực có nước thải. Nên sử dụng đất sạch, nước tưới không ô nhiễm và tuân thủ quy trình trồng trọt an toàn, bao gồm cả thời gian cách ly sau khi bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật trước khi thu hoạch.

    Rau muống là thực phẩm giàu dinh dưỡng nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ lớn nếu trồng trong điều kiện ô nhiễm. Không có dấu hiệu nào giúp nhận biết rau nhiễm chì, do đó người tiêu dùng chỉ còn cách chủ động chọn rau từ nguồn uy tín và thay đổi thói quen tiêu dùng một cách thông minh.

    Theo Thanh Hiền (t/h)
    https://vietq.vn/canh-bao-rau-muong-nhiem-chi-khong-the-nhan-biet-bang-mat-thuong-d235066.html

    Subscribe

    - Never miss a story with notifications

    - Gain full access to our premium content

    - Browse free from up to 5 devices at once

    Latest stories

    spot_img