Tưởng chừng vô hại, nhưng nhiều thói quen quen thuộc trong bếp lại âm thầm đưa vi nhựa, vi khuẩn vào cơ thể, làm tăng nguy cơ ngộ độc, thậm chí bệnh tim, đột quỵ mà ít ai ngờ tới.
Một nghiên cứu đăng trên tạp chí New England năm 2024 cảnh báo, vi nhựa khi xâm nhập vào động mạch có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ và bệnh tim. Không chỉ đến từ đất, nước hay không khí, vi nhựa còn dễ dàng đi thẳng vào bữa ăn qua các thói quen nấu nướng thường ngày.
Việc cắt rau củ trên thớt nhựa có thể khiến vi nhựa lẫn vào thực phẩm, đặc biệt khi thao tác cắt mạnh tay. Theo chuyên gia vi nhựa Jennifer Brandon tại Mỹ, thớt nhựa là một trong những vật dụng dễ gây phơi nhiễm vi nhựa nhất, nhưng lại rất dễ thay thế bằng thớt gỗ hoặc thớt tre. Một nghiên cứu trên tạp chí Environmental Science & Technology cho thấy người dùng thớt nhựa có thể hấp thụ tới 50 gram vi nhựa mỗi năm, tương đương với 10 chiếc thẻ tín dụng.
Ngay cả các hộp nhựa dán nhãn “an toàn cho lò vi sóng” cũng không hoàn toàn vô hại. Một nghiên cứu chỉ ra rằng khi đun nóng hộp nhựa chứa nước, hơn 10 triệu hạt vi nhựa có thể rò rỉ vào thực phẩm. Victoria Fulfer, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Đại học Rhode Island, giải thích rằng khi làm nóng, các liên kết trong nhựa bị phá vỡ, tạo điều kiện cho vi nhựa, nano nhựa và các hóa chất khác thẩm thấu vào thức ăn. Cách tốt nhất là sử dụng hộp thủy tinh chịu nhiệt hoặc chuyển thực phẩm sang chảo, tô thủy tinh để hâm nóng, rã đông.
Những chiếc túi zip nhựa mềm cũng tiềm ẩn nguy cơ vì dễ rách, tạo ra vi nhựa khi bị kéo, xé hoặc cắt. Bryan Quoc Le, nhà khoa học thực phẩm người Mỹ gốc Việt, cảnh báo rằng những loại nhựa mềm này rất dễ phát tán vi nhựa, đặc biệt với người dùng thường xuyên. Một nghiên cứu năm 2020 trên Scientific Reports còn phát hiện chỉ riêng việc mở bao bì nhựa cũng có thể phát sinh vi nhựa. Các chuyên gia khuyến nghị nên thay bằng túi silicon tái sử dụng, hộp thủy tinh hoặc giấy sáp ong.
Ảnh minh họa
Ngoài vi nhựa, nguy cơ nhiễm khuẩn trong bếp cũng đang bị nhiều người nội trợ coi nhẹ. Tiến sĩ Siyun Wang, giáo sư kỹ thuật an toàn thực phẩm tại Đại học British Columbia (Canada), cho biết vi khuẩn như E. coli, salmonella và listeria có thể dễ dàng lây lan từ thịt sống, trứng, rau quả sang các bề mặt khác như tay nắm tủ lạnh, vòi nước và tồn tại dai dẳng nhiều tuần. Cách phòng ngừa đơn giản nhất là rửa tay kỹ ít nhất 20 giây dưới nước ấm và lau khô bằng khăn sạch dùng riêng.
Tiến sĩ Jae-Hyuk Yu, giáo sư vi khuẩn học tại Đại học Wisconsin-Madison, khuyến cáo nên dùng dung dịch tẩy rửa hoặc xịt cồn để vệ sinh bề mặt cứng, đặc biệt sau khi sơ chế thịt sống, đồng thời đeo găng tay và đảm bảo thông gió tốt khi dùng chất tẩy rửa. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc vệ sinh kệ tủ lạnh hàng tháng và giữ nhiệt độ tủ dưới 4 độ C để hạn chế vi khuẩn phát triển.
Một mối nguy khác chính là miếng bọt biển rửa bát, thứ tưởng vô hại nhưng lại là “ổ chứa vi khuẩn” nguy hiểm. Theo ông Yu, việc dùng miếng bọt biển để rửa dao vừa cắt thịt sống rồi tiếp tục rửa bát khác là hành vi gián tiếp lây lan vi khuẩn trong bếp. Nếu buộc phải sử dụng, hãy làm ướt miếng bọt biển và quay trong lò vi sóng 1-2 phút mỗi ngày hoặc rửa bằng máy rửa bát có chế độ sấy nhiệt. Ông Yu cho biết bản thân thay miếng bọt biển mỗi tuần, đồng thời ưu tiên dùng khăn lau có thể giặt bằng nước nóng và thay mới hằng ngày.
Thói quen rã đông thịt ở nhiệt độ phòng tuy tiện lợi nhưng lại tiềm ẩn rủi ro lớn. Khi thịt rã đông bên ngoài, phần ngoài dễ lọt vào “vùng nguy hiểm” từ 4 đến 60 độ C, là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn sinh sôi nhanh chóng, trong khi phần bên trong vẫn còn đông đá. Cách an toàn nhất là rã đông trong tủ lạnh. Nếu cần nấu gấp, có thể dùng lò vi sóng hoặc ngâm túi thịt kín trong nước lạnh, thay nước mỗi 30 phút để đảm bảo nhiệt độ an toàn, hạn chế vi khuẩn.
Một sai lầm tai hại khác là để thức ăn ở nhiệt độ phòng qua đêm, vô tình “nuôi cấy” vi khuẩn. Theo Morticia, chuyên gia vi sinh và chuyên viên xét nghiệm y học sống tại Idaho, nhiều vi khuẩn có thể sinh ra độc tố ruột gây nôn mửa và nhiều độc tố này vẫn “chịu nhiệt”, nghĩa là kể cả sau khi hâm nóng vẫn có thể gây ngộ độc. Cảnh báo đặc biệt với các món giàu tinh bột như cơm, mì, Morticia cho biết vi khuẩn Bacillus cereus có thể phát triển nhanh chỉ sau vài giờ nếu để ngoài.
Quy tắc an toàn là cho thức ăn vào tủ lạnh trong vòng 2 giờ sau khi nấu. Với những bữa ăn kéo dài như tiệc tại nhà, thức ăn chỉ nên để ngoài tối đa 4 giờ, còn trong môi trường nóng như tiệc nướng ngoài trời, thời gian an toàn ngắn hơn nhiều. Theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cùng Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), thức ăn đã nấu chỉ nên bảo quản trong tủ lạnh tối đa 3-4 ngày; nếu đông lạnh, thực phẩm có thể giữ được lâu hơn nhưng nên sử dụng sớm để đảm bảo chất lượng.
Theo Thanh Hiền (t/h)
https://vietq.vn/can-than-nhung-thoi-quen-bep-nuc-hai-suc-khoe-ngo-doc-rinh-rap-ngay-trong-nha-d234902.html