Sau vụ việc thu hồi sạc dự phòng của một thương hiệu lớn do nguy cơ cháy, các chuyên gia và nhà sản xuất đang kêu gọi người tiêu dùng nâng cao cảnh giác với các loại sản phẩm giá rẻ.
Sạc dự phòng đã trở thành vật dụng không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại, giúp người dùng duy trì kết nối mọi lúc mọi nơi. Tuy nhiên, sự phổ biến của thiết bị này cũng mở ra một thị trường phức tạp, nơi các sản phẩm giá rẻ, không rõ nguồn gốc đang tràn lan, ẩn chứa những mối nguy hiểm khôn lường. Vụ việc một thương hiệu sạc dự phòng nổi tiếng Anker liên tục phải thu hồi sản phẩm do nguy cơ cháy nổ gần đây đã gióng lên hồi chuông cảnh báo nghiêm trọng về tầm quan trọng của việc lựa chọn sản phẩm an toàn.
Theo nhận định của kỹ sư Trần Ngọc Minh, chuyên gia thiết kế vi mạch tại Synopsys – Khu CNC Đà Nẵng cho biết, pin lithium-ion là một thiết bị lưu trữ năng lượng cao. Nếu quá trình sản xuất và kiểm soát chất lượng không được thực hiện chặt chẽ, nguy cơ cháy nổ là hoàn toàn có thể xảy ra. Đây chính là vấn đề cốt lõi của các loại sạc dự phòng giá rẻ. Chúng thường sử dụng các loại pin kém chất lượng, không đạt chuẩn, hoặc thậm chí là pin tái chế, thiếu các mạch bảo vệ an toàn cơ bản như chống quá tải, quá nhiệt, hoặc ngắn mạch.
Nhiều người tiêu dùng ham rẻ mà chấp nhận sử dụng các loại sạc dự phòng giá rẻ, kém chất lượng
Khi pin sạc dự phòng xảy ra sự cố, hậu quả có thể nghiêm trọng. Trong đó bao gồm hư hỏng thiết bị đang kết nối hoặc cháy lan gây hỏa hoạn bởi pin lithium-ion khi cháy rất khó dập tắt. Nguy hiểm hơn cả là khi phát nổ, gây cháy hoặc rò rỉ hóa chất độc hại có thể trực tiếp gây chấn thương ảnh hưởng đến con người.
Liên quan đến vấn đề chất lượng pin, Ủy ban Kỹ thuật Điện Quốc tế (IEC) về an toàn pin lithium-ion sạc lại đã thống nhất một tiêu chuẩn chung có tên mã là IEC 62133. Tiêu chuẩn này bao gồm các yêu cầu và thử nghiệm về an toàn điện, cơ khí và hóa học của pin, nhằm giảm thiểu rủi ro cháy nổ hoặc các tai nạn khác.
Tại các quốc gia, các tiêu chuẩn chất lượng, kỹ thuật cũng được áp dụng dưới các tên gọi khác nhau dựa trên các yêu cầu chung của IEC và bổ sung những yêu cầu nghiêm ngặt riêng.
Việt Nam có QCVN 101:2020/BTTTT (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về pin lithium cho thiết bị cầm tay). Đây là quy chuẩn kỹ thuật quốc gia áp dụng cho pin lithium, bao gồm cả pin sạc dự phòng, quy định về an toàn và nhãn mác.
Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng Việt vẫn chưa có thói quen kiểm tra chứng nhận chất lượng mỗi sản phẩm khi mua hàng mà chỉ tập trung đến giá thành, dung lượng hay kích cỡ sản phẩm để lựa chọn mua. Ngoài các yếu tố về tiêu chuẩn an toàn, một bộ phận không nhỏ người dùng có những thói quen sử dụng pin sạc dự phòng không đúng: để ở những nơi không tỏa nhiệt, vừa dùng vừa sạc hay thậm chí có dấu hiệu hỏng pin vẫn tiếp tục sử dụng. Điều này dẫn đến mất an toàn cho sản phẩm và những hậu quả khó lường.
Để nhận biết pin sạc dự phòng đang xuống cấp và có nguy cơ cháy nổ, người dùng cần chú ý đến các dấu hiệu bất thường về ngoại hình, hiệu suất và hoạt động. Đây là các hướng dẫn đến từ chuyên gia Gary Clack – Holo Battery.
Về ngoại hình, sạc dự phòng bị phồng rộp, biến dạng là dấu hiệu nguy hiểm và rõ ràng nhất. Khi pin bị phồng, tức là các chất điện phân bên trong đã bị phân hủy, tạo ra khí gas (như CO2, CO), làm tăng áp suất bên trong. Nếu tiếp tục sử dụng, áp suất này có thể gây nổ. Vỏ pin có thể bị bung, nứt hoặc biến dạng một cách bất thường.
Nếu thấy vỏ pin có dấu hiệu chảy nhựa, hoặc có các vết nóng chảy, sém đen, điều này cho thấy pin đang tạo ra nhiệt độ quá cao và có nguy cơ cháy.
Về hiệu suất hoạt động, sản phẩm nóng “bỏng tay” hoặc nóng một cách bất thường, đó là dấu hiệu của sự cố bên trong (quá tải, ngắn mạch, hoặc pin đã bị chai nặng).
“Đối với nhiều loại pin sạc dự phòng có đèn báo hiệu (LED), khi đèn hiển thị bất thường như nhấp nháy liên tục, chuyển màu, hoặc không sáng như bình thường cũng là một dấu hiệu cho thấy pin đã hư hỏng” – chuyên gia Gary Clack chia sẻ thêm.
Theo Bảo Linh (t/h)
https://vietq.vn/tran-lan-sac-du-phong-gia-re-va-nhung-hiem-hoa-tiem-an-phia-sau-d234876.html